(KTSG) - LTS: Sự xuất hiện của hệ thống AI mới mang tên ChatGPT đã đẩy những cuộc tranh luận về pháp lý xoay quanh quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) mà trọng tâm lớn nhất là những tranh cãi xung quanh ai là tác giả/nhà sáng chế, trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Dưới góc độ thực tiễn pháp luật, những tranh cãi này đã được giải quyết thông qua các cơ quan SHTT và tòa án quốc gia của một số nước trên thế giới.
KTSG xin đăng tải bài viết chia sẻ góc nhìn của hai tác giả Lê Vũ Vân Anh(*) và Đoàn Hồng Quân về vụ DABUS (ở bài 1 trên số báo này) để từ đó đưa ra nhận định về liệu Việt Nam có cần công nhân AI là tác giả tại thời điểm này không (ở bài 2 trên KTSG số kế tiếp 11-2023).
- Giấc mơ trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của thế giới
- Cần Thơ dùng trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo để tăng trải nghiệm cho du khách
Năm 2018, cộng đồng SHTT thế giới được dịp xôn xao khi Tiến sĩ Stephen Thaler đã nộp đơn bảo hộ sáng chế (đơn GB1816909.4 và GB1818161.0) với tuyên bố nhà sáng chế (inventor) duy nhất tạo ra các sáng chế này là một AI với tên gọi DABUS. Bốn năm trôi qua, DABUS đã phải trải qua một hành trình xét xử tư pháp kéo dài đằng đẵng và hành trình này đã dần đi đến hồi kết tại Tòa án Tối cao của Vương quốc Anh.
Từ một dự án với tham vọng lớn...
Dự án về Nhà sáng chế nhân tạo (Artificial Inventor Project - AIP) được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2018 bởi Tiến sĩ Stephen Thaler và các cộng sự(1). Đây là dự án thực hiện một loạt chương trình kiểm tra pháp lý phi lợi nhuận nhằm (i) tìm kiếm khả năng bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm do AI tạo ra trong trường hợp không có tác giả hoặc nhà sáng chế là con người và (ii) sự phản ứng của mỗi hệ thống pháp luật SHTT tại các quốc gia khác nhau.
Mục tiêu của dự án này là mong muốn thúc đẩy sự đối thoại về tác động xã hội, kinh tế và pháp luật của công nghệ mũi nhọn như AI, đồng thời, đưa ra được hướng dẫn cho các bên liên quan trong việc xác định khả năng bảo hộ sản phẩm đầu ra của AI. Như vậy, với hai mục tiêu này, về cơ bản, ngay từ đầu Tiến sĩ Stephen Thaler cùng đội ngũ của mình mong muốn mở ra những cuộc tranh luận toàn cầu liên quan đến sự xuất hiện và công nhận một chủ thể sáng tạo mới trong lĩnh vực pháp luật SHTT, đặc biệt là luật sáng chế.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm AIP đã thực hiện việc đăng ký hàng loạt sáng chế tại 18 quốc gia khác nhau như vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, cơ quan sáng chế châu Âu (European Patent Office - EPO), Đức, Úc, New Zealand, Đài Loan, Hàn Quốc và Israel. Đội ngũ của Thaler quy tụ đội ngũ luật sư, học giả, và chuyên gia có kinh nghiệm dày dặn và trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực sáng chế.
Vương quốc Anh, cùng với các quốc gia có nền tảng lâu đời về luật sáng chế khác như Úc, Mỹ, EPO, Đức - là một trong số những quốc gia hiếm hoi đã đưa ra những ý kiến và kết luận chính thức liên quan đến các vấn đề được đưa ra trong khuôn khổ dự án này.
Trong đơn bảo hộ sáng chế (đơn GB1816909.4 và GB1818161.0), ngoài tuyên bố nhà sáng chế (inventor) duy nhất tạo ra các sáng chế này là DABUS, một AI, Thaler cũng tuyên bố ông có quyền nộp đơn đăng ký và có quyền được cấp các bằng sáng chế vì ông là người tạo ra và sở hữu máy DABUS. Hay nói một cách khác, Stephen chính là người sở hữu (owner) sáng chế và DABUS là nhà sáng chế.
Để củng cố cho các lập luận ủng hộ DABUS là một nhà sáng chế, Thaler và cộng sự đã đưa ra một số lập luận cơ bản như sau.
Đầu tiên, cụm từ “con người” (person) được quy định tại điều 13 Đạo luật Sáng chế 1977 (Patents Act - PA) của nước Anh nên được giải thích theo nghĩa rộng chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi của “con người tự nhiên”, “thể nhân” (natural person).
Thứ hai, Thaler dựa vào điều 13.2.b yêu cầu người nộp đơn “xác định người hoặc những người mà anh ta tin là nhà sáng chế” để tuyên bố một cách trung thực rằng chính DABUS là người sáng tạo thật sự. PA 1977 yêu cầu đơn đăng ký phải bao gồm đúng và đầy đủ tên của (các) nhà sáng chế, và một bản tuyên bố của người nộp đơn về nhà sáng chế như đã nêu trên.
Bản tuyên bố này cần nêu rõ chủ thể mà người nộp đơn tin rằng là nhà sáng chế hoặc nhà đồng sáng chế, và căn cứ phát sinh quyền nộp đơn nếu người nộp đơn không phải là nhà sáng chế. Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên, đơn đăng ký sáng chế có thể bị từ chối, hoặc bằng độc quyền sáng chế có thể bị vô hiệu nếu đã được cấp.
Thứ ba, quyền nhân thân (quyền được nêu tên) của nhà sáng chế là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xem xét bảo hộ, cần phải được tôn trọng và tuân thủ. Do đó, không thể tùy tiện nêu tên người không phải là nhà sáng chế vào đơn đăng ký.
Thứ tư, việc sáng chế không được bảo hộ, từ đó không được bộc lộ ra công chúng sẽ là bất công và vô lý khi sự từ chối đó chỉ dựa trên bản chất của nhà sáng chế.
Cuối cùng, không có bất kỳ điều khoản nào cấm một cỗ máy AI trở thành một nhà sáng chế. Điều này tạo nên sự khác biệt của DABUS so với các trường hợp bị cấm khác (chẳng hạn như sáng chế mà việc khai thác trái với trật tự công cộng) bởi quy định của PA 1977. Do đó, không có căn cứ nào để từ chối bảo hộ và công nhận sáng chế do AI tạo ra.
...đến những quy định thành văn trong pháp luật
Tuy nhiên, những lập luận của Thaler và cộng sự đi ngược lại mục đích ra đời của luật sáng chế nước Anh. Định nghĩa về nhà sáng chế (inventor) tại nước này đã được ghi nhận từ lâu đời. Quy chế Độc quyền (Statute of Monopolies) 1623 của Anh - đồng thời cũng là đạo luật về sáng chế đầu tiên trên thế giới - đã tuyên bố bằng sáng chế chỉ được cấp cho “nhà sáng chế thực sự và đầu tiên” (the first and true inventor).
Quy định này đã được kế thừa trong các bộ luật sau và được đề cập tại điều 7(3) của PA 1977 hiện hành, diễn giải rằng nhà sáng chế là “người thực sự tạo ra sáng chế” (the actual deviser of the invention).
Việc “thực sự tạo ra sáng chế” là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình xác định nhà sáng chế theo Đạo luật Sáng chế. Trong thực tiễn xét xử, tòa án Anh thường sử dụng phép thử hai bước như sau để xác định nhà sáng chế: (i) xác định ý tưởng chính của sáng chế (the inventive concept); (ii) xác định ai là người đã nghĩ ra ý tưởng đó (devised the concept).
Dưới đây là một vài ví dụ về xác định nhà sáng chế. Theo đó, trong một số trường hợp nhất định, nhà sáng chế có thể bao gồm người hoặc những người: (i) hình thành những ý tưởng ban đầu xác định nghiên cứu dẫn đến sáng chế; (ii) thực sự đã nghĩ ra các thí nghiệm hoặc sản phẩm làm cơ sở cho việc đăng ký bằng sáng chế; (iii) thực hiện bất kỳ thử nghiệm nào hoặc các quy trình khác được mô tả trong đơn đăng ký sáng chế yêu cầu người đó thể hiện sáng kiến để hình thành và/hoặc hoàn thành, ví dụ như vì những khó khăn thực tế không mong muốn phải được giải quyết.
Theo điều 13 của PA 1977, quyền được ghi tên trong đơn đăng ký sáng chế và bằng sáng chế là một trong những quyền quan trọng nhất của nhà sáng chế.
Khác với quyền tác giả, xác định không đúng tên tác giả mặc dù vi phạm quyền nhân thân nhưng hành động này không khiến cho quyền tác giả đối với tác phẩm trở nên mất hiệu lực. Ngược lại đối với sáng chế, việc xác định sai tên nhà sáng chế hoàn toàn khiến cho đơn đăng ký sáng chế mất hiệu lực. Kết quả của việc này có thể khiến đơn đăng ký mất đi quyền ưu tiên, một quyền quan trọng của sáng chế.
Như vậy, với hệ quả được được đề cập như trên, vấn đề quan trọng nhất đối với đơn đăng ký sáng chế này là tư cách nhà sáng chế của DABUS. Việc DABUS có hoặc không được xem là nhà sáng chế, dù như thế nào, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình nộp đơn và cấp bằng sáng chế.
Do đó, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra ở đây là, liệu DABUS có được công nhận là một nhà sáng chế theo pháp luật sáng chế hiện hành của Anh hay không. Để trả lời cho câu hỏi này, DABUS đã phải trải qua một quá trình xét xử tư pháp kéo dài đằng đẵng bốn năm để xem cơ quan SHTT và tòa án nghĩ gì về DABUS, và hành trình này đã dần đi đến hồi kết tại tòa án tối cao của Vương quốc Anh.
(*) Giảng dạy môn luật sở hữu trí tuệ tại khoa luật, Đại học Oxford, Vương quốc Anh.