Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lúng túng với dịch heo tai xanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lúng túng với dịch heo tai xanh

Thái Hằng

Dich heo tai xanh đang tiếp tục phức tạp ở các tỉnh Nam bộ, gây nhiều lo ngại cho người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ: Minh Tâm.

(TBKTSG Online) – Bệnh heo tai xanh tính đến ngày 13-8 đã lan ra 21 tỉnh thành cả nước. Tình hình đã khẩn cấp nhưng cơ quan chức năng chỉ có thể kêu gọi người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng và xử lý truyền thống, vì vắc-xin thật sự hiệu quả cho bệnh heo tai xanh, kể từ khi phát hiện heo nhiễm bệnh đầu tiên vào năm 2007, đến nay vẫn chưa có.

>> TPHCM phát hiện heo nhiễm bệnh tai xanh

>> TPHCM: Chi hơn 7 tỉ đồng phòng, chống dịch heo tai xanh

>> Nông dân ngại dùng vắc-xin bệnh heo tai xanh

Ba năm chưa nghiên cứu xong phác đồ điều trị

Tại hội nghị bàn biện pháp phòng chống bệnh tai xanh tại TPHCM hôm qua, ông Cao Văn Hoá, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, lúc cao điểm, thiệt hại của riêng người chăn nuôi trong tỉnh đã gần 500 tỉ đồng, chưa tính thiệt hại của các thành phần khác trong chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ mà ông dự tính có thể cao gấp đôi. Tiền Giang là một trong các tỉnh bị dịch nặng nhất, dịch xảy ra ở toàn bộ 10/10 huyện, thị trấn của tỉnh, với tổng số heo mắc bệnh là hơn 30.000 con, trong đó đã có gần 15.000 con chết và bị tiêu huỷ.

“Thiệt hại lớn như vậy nhưng chúng tôi hầu như không có công cụ gì để chống dịch heo tai xanh như đối với bệnh lở mồm long móng hay cúm H5N1” ông Hóa nói.

Vắc-xin ngừa heo tai xanh chính là “công cụ” được nhiều đại diện Sở Nông nghiệp và Cục Thú y đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại hội nghị.

Hiện nay việc tiêm vắc-xin cho heo vẫn chỉ được thực hiện tự phát ở địa phương và ở từng hộ, trại chăn nuôi. Nhưng hiệu quả của vắc-xin thế nào? Theo báo cáo của thú y nhiều địa phương, heo đã tiêm vắc xin vẫn bị dương tính với virus và chết, gây tâm lý rất bất an cho người chăn nuôi và gây bức xúc cho cán bộ nông nghiệp các tỉnh.

Mặc dù bệnh heo tai xanh đã xuất hiện ở nước ta từ năm 2007, việc phân lập chủng virus (virus ở mỗi địa phương hiện nay đều có đặc tính khác nhau, theo Chi cục Thú y), cùng với phác đồ điều trị, nghiên cứu bào chế vắc xin… vẫn còn trong giai đoạn “thử nghiệm, nghiên cứu”. Trong khi đó, theo ý kiến của một giám đốc sở nông nghiệp, chỉ cần có phác đồ điều trị cụ thể thì địa phương đã có thể khống chế dịch tốt hơn, thay vì chỉ điều trị bằng kháng sinh khi đã phát bệnh và sử dụng vắc xin “cầu may” như hiện nay.

Ông Hoàng Văn Năm, quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, virus đang xuất hiện trên đàn heo ở miền Nam có bộ gien giống với virus chủng Trung Quốc, độc lực mạnh. Trong khi đó, nhiều loại vắc-xin đang lưu hành trên thị trường không có hiệu quả vì chỉ ứng phó được các chủng virus có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và châu Âu, độc lực yếu hơn. Sắp tới, Việt Nam sẽ mua 200.000 liều vắc xin từ Trung Quốc, nhưng theo cơ quan chức năng, hiệu quả của loại vắc-xin này cũng ”còn tuỳ” vì nghiên cứu cho thấy virus heo tai xanh ở đàn heo nước ta đã biến đổi rất nhiều, độc tính và khả năng gây tử vong cao hơn nhiều so với các năm 2008, 2009.

Nguy cơ lây nhiễm ở đàn heo của TPHCM

Do thiếu vắc-xin có hiệu quả, những biện pháp mà TPHCM và các tỉnh đang thực hiện như tiêu độc, khử trùng, phong toả, thậm chí tiêu huỷ đàn heo…  cũng chỉ nhằm giải quyết hậu quả hơn là ngăn chặn dịch.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, hiện nay heo từ nhiều địa phương khác vẫn tiếp tục đổ về TPHCM để tiêu thụ “chạy dịch”. Kết hợp với điều kiện thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho virus sinh sôi thì việc kiểm soát để ngăn dịch lây lan rộng trong đàn heo của TPHCM là việc ngoài tầm tay.

“Lấy mẫu của đàn heo nuôi ở các tỉnh Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh…, thậm chí trên các xe đưa về TPHCM tiêu thụ đều dương tính với virus. Với áp lực nặng nề như vậy, có khả năng sắp tới dịch heo tai xanh sẽ bùng nổ ở TPHCM trên toàn bộ đàn heo”, ông Thảo nói.

Ngày 6-8, Chi cục Thú y TPHCM đã công bố dịch tai xanh tại TPHCM và tổ chức tiêu huỷ 194/756 con heo của 12 hộ dân phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc, Q.12.

UBND TPHCM hôm qua, 13-8 đã gửi công văn yêu cầu các tổng công ty, doanh nghiệp tập trung mua đàn heo thịt sạch còn đang tồn đọng trong dân (kể cả các cơ sở chăn nuôi vệ tinh của doanh nghiệp) và có kế hoạch dự trữ sản phẩm thịt để đảm bảo cung cầu được cân đối sau dịch. Dự tính sau dịch bệnh, việc khôi phục đàn gia súc cần thời gian dài mới có thể ổn định, thị trường sẽ thiếu thịt dẫn đến biến động giá.

Giá mua heo hơi hiện đã giảm dưới giá thành chăn nuôi, chỉ còn 22.000 đồng/kg, và từ 25.000 đến 27.000 đồng/kg đối với heo trại ở tỉnh và thành phố. Mức hỗ trợ cho người chăn nuôi của các tỉnh hiện không đồng đều, nhưng phổ biến nhất ở các tỉnh phía Nam hiện ở mức 25.000 đồng/kg.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới