Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lượng bản quyền sáng chế của Trung Quốc nhiều nhất thế giới nhưng ít giá trị

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lượng bản quyền sáng chế của Trung Quốc nhiều nhất thế giới nhưng ít giá trị

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về số lượng bản quyền sáng chế được cấp phép bảo hộ trong nước mỗi năm, song phần lớn chúng đều có ít giá trị, theo hãng tin Bloomberg.

Chiến tranh thương mại, “nhát cứa” vào niềm tự hào công nghệ của Trung Quốc

Mỹ đau đầu với Trung Quốc về sở hữu trí tuệ

Lượng bản quyền sáng chế của Trung Quốc nhiều nhất thế giới nhưng ít giá trị
Trung Quốc (đường màu đen) soán ngôi đầu của Nhật Bản (đường màu xanh dương) về lượng bản quyền sáng chế được cấp phép bảo hộ trong nước vào năm 2010 và duy trì vị thế đó cho đến nay. Ảnh: Bloomberg

Số lượng không đi kèm với chất lượng

Cách đây tám năm, Trung Quốc vươn lên soán ngôi đầu của Nhật Bản về số lượng bản quyền sáng chế được cấp phép bảo hộ trong nước hàng năm và duy trì vị thế này cho đến nay. Chỉ trong trong năm ngoái, Trung Quốc cấp phép bảo hộ 1,8 triệu bản quyền sáng chế. Song thực tế cho thấy đa phần bản quyền này có rất ít giá trị vì chúng bị các chủ sở hữu “hắt hủi” chỉ sau vài năm bằng cách không đóng phí để duy trì bảo hộ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy các trường đại học, các công ty và các nhà sáng chế trong nước tham gia vào công cuộc chuyển đổi đất nước trở thành một cường quốc có thể tự lực về công nghệ.
Chương trình “Made in China 2025” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động, giữa tâm điểm căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ, nhằm đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ. Nỗ lực phát triển và tích trữ một loạt tài sản sở hữu trí tuệ là yếu tố trọng tâm để đạt được mục tiêu đó.

Bắc Kinh đã thiết kế nhiều chương trình trợ cấp và các chính sách ưu đãi khác để hỗ trợ các nhà sáng chế đăng ký bảo hộ bản quyền sáng chế nhưng lại không tìm cách bảo đảm rằng các bản quyền này thực sự có hữu ích. Do vậy, số lượng bản quyền sáng chế lớn không đi kèm chất lượng và cho đến nay, Trung Quốc vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào các nước khác về các ý tưởng sáng tạo, chẳng hạn như các điện thoại thông minh hiện đại. “Điều này có nghĩa là các bản quyền này thực sự không có giá trị như mọi người nghĩ”,  Lu Junfeng, luật sư về bản quyền ở Văn phòng thương hiệu và sáng chế JZMC ở Thượng Hải, nói.

Tỷ lệ từ bỏ bản quyền quá cao

Có đến hơn 91% bản quyền về kiểu dáng công nghiệp ở Trung Quốc bị từ bỏ sau 5 năm kể từ ngày được cấp phép bảo hộ. Ảnh: Bloomberg

Tại Trung Quốc, bản quyền sáng chế được chia làm ba hạng mục: sáng tạo, mẫu tiện dụng (utility model) và kiểu dáng công nghiệp.

Bản quyền về sáng tạo, như tên gọi hàm ý, dành cho những ý tưởng mới, tạo ra sự tiến bộ đáng chú ý trong việc thúc đẩy một công nghệ. Hạng mục này chiếm chỉ 23% lượng bản quyền được cấp phép bảo hộ vào năm ngoái.
Cũng giống như ở Mỹ, các đơn đăng ký bản quyền ở hạng mục sáng tạo phải trải qua quy trình kiểm tra, đánh giá, giám sát trong 18 tháng. Nếu vượt qua quy trình này, chúng sẽ được cấp phép bảo hộ trong 20 năm.

Ở hai hạng mục còn lại, có thời gian bảo hộ trong 10 năm, lượng bản quyền được cấp phép rất lớn nhưng thực tế có rất ít giá trị. Bản quyền về kiểu dáng công nghiệp thường liên quan đến kiểu dáng một sản phẩm nào đó, chẳng hạn chai soda, trong khi đó, bản quyền mẫu tiện dụng liên quan đến một tính năng nào đó của công nghệ hay sản phẩm, chẳng hạn như cách trượt để mở khóa điện thoại thông minh.

Cả hai hạng mục bản quyền này đều không bị đánh giá nghiêm ngặt và có thể được cấp phép bảo hộ trong vòng chưa đến một năm kể từ ngày nộp đơn xin đăng ký bảo hộ.

Tại Trung Quốc, tính đến năm ngoái, hơn 91% bản quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được cấp phép từ năm 2013 bị hủy bỏ vì các chủ sở hữu chúng ngưng đóng phí để duy trì bảo hộ, theo Văn phòng thương hiệu và sáng chế JZMC. Trong cùng thời gian đó, có đến 61% bản quyền về mẫu tiện dụng và 37% bản quyền về sáng tạo bị hủy bỏ bảo hộ.

Trái lại, tại Mỹ, tỷ lệ đóng phí duy trì bảo hộ bản quyền sáng chế được cấp vào năm 2013 là 85,6%, theo Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO).

Luật sư về bản quyền Lu Junfeng nói: “Tỷ lệ hủy bỏ bản quyền về kiểu dáng công nghiệp ở mức quá cao ở Trung Quốc là điều gây ngạc nhiên. Mọi người dường như không mấy thiết tha duy trì bảo hộ chúng”. Ông cho rằng nên đặt câu hỏi về việc liệu có vấn đề mang tính hệ thống lớn hơn hay không trong vấn đề cấp phép bảo hộ bản quyền về kiểu dáng công nghiệp.

Quy trình cấp phép lỏng lẻo

Dù chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty, các trường đại học và các nhà sáng chế nộp đơn đăng ký bảo hộ bản quyền sáng chế nhưng một khi bản quyền được cấp phép bảo hộ, các chủ sở hữu không có động lực để duy trì chúng, một phần là vì phí duy trì bảo hộ bản quyền ngày càng tăng cao.

Chẳng hạn, phí để duy trì bảo hộ bản quyền về sáng tạo chỉ ở mức 900 nhân dân tệ (131 đô la Mỹ) trong ba năm đầu tiên nhưng sẽ tăng dần lên mức 8.000 nhân dân tệ (1.165 đô la) vào bốn năm cuối trong thời gian 20 năm bảo hộ. Tương tự, phí duy trì bảo vệ bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp tăng mức 600 nhân dân tệ (87 đô la) trong ba năm đầu tiên lên mức 2.000 nhân dân tệ (291 đô la) trong hai năm cuối của thời gian bảo hộ 10 năm.

Wang Xiang, Giám đốc bộ phận phụ trách luật sở hữu trí tuệ Trung Quốc ở công ty luật Orrick (Mỹ), nhận định quy trình cấp phép bảo hộ lỏng lẻo đối với các hạng mục bản quyền ít tính sáng tạo đã dẫn đến tình trạng nở rộ số lượng đơn xin cấp phép vì trên thực tế, nhiều công ty sao chép một bản quyền sáng chế ở Mỹ và xin đăng ký bảo hộ ở Trung Quốc với ý định kiện ngược các công ty Mỹ tại Trung Quốc để kiếm chác tiền thỏa thuận bồi thường sau đó rút đơn kiện hoặc từ bỏ bảo hộ bản quyền.

Một số công ty khác tìm cách đăng ký bảo hộ các bản quyền sáng chế để được giảm thuế và trợ cấp. Kể từ năm 2008, như là một phần của chính sách quốc gia nhằm khuyến khích sáng tạo, các công ty được chứng nhận là “công ty công nghệ cao” được giảm thuế đáng kể và được trợ cấp 500.000 nhân dân tệ (72.800 đô la) mỗi năm ở các tỉnh như Hải Nam.

 “Có thể Trung Quốc thiếu động lực để thẩm định nghiêm ngặt đơn đăng ký bảo hộ bản quyền sáng chế của các công ty này. Hệ thống tư pháp hiện nay không có biện pháp hiệu quả nào để ngăn chặn các hành vi nộp đơn đăng ký bảo hộ bản quyền gian dối hoặc làm giả bằng chứng bản quyền”, Wang Xiang nói và cho biết chất lượng các bản quyền sáng chế của Trung Quốc đang dần cải thiện qua từng năm nhưng vẫn còn kém xa so với các bản quyền sáng chế ở Mỹ.

Hồi tháng 8, Tân Hoa xã bất ngờ đăng bài viết chỉ trích mạnh mẽ những hành vi giả mạo, sao chép trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Bài báo có đoạn: “Sáng tạo giả mạo ngốn các nguồn lực của các chương trình trợ cấp, gây tổn thương cho những nhà sáng tạo đang làm việc cật lực”.

Song cũng cần ghi nhận rằng, sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc trong vấn đề đăng ký bảo hộ bản quyền sáng chế đã giúp củng cố sức mạnh của các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Nigel Swycher, Giám đốc điều hành công ty tư vấn về luật sở hữu trí tuệ Aistemos ở London, cho biết các công ty Trung Quốc nộp lượng đơn xin đăng ký bảo hộ bản quyền sáng chế liên quan đến các lĩnh vực trên cao gấp tám lần so với các công ty Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới