Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lương cơ sở sẽ được tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí với mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng mà Chính phủ đề xuất vì cho rằng phù hợp với tình hình thực tế, theo ghi nhận tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 20-10.

Lương cơ sở dự kiến điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%), từ ngày 1-7-2023. Ảnh minh họa: DNCC

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước bằng 94% dự toán. Trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán.

Bộ Tài chính đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước đạt 17,2% GDP, thu từ thuế, phí đạt 13,9% GDP. Trong đó thu nội địa đạt 9,8%, thu dầu thô vượt 141%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 23,6%.

Về chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ước thực hiện hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán. Trong đó chi đầu tư, phát triển đạt 48,1% dự toán. Đánh giá cả năm, chi ngân sách nhà nước bằng 114,1% dự toán, trong đó giải quyết vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chi trả nợ lãi đạt 96,1%, chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán.

Đến hết tháng 9-2022, đã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương chủ yếu là để bổ trợ cho các địa phương chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân. Số dự phòng còn lại tiếp tục ưu tiên cho các công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, hỗ trợ người dân và các nhiệm vụ cấp bách khác trong các tháng cuối năm.

Bội chi tăng thêm cho nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và dự án cần đẩy nhanh tiến độ của Nghị quyết 43 là 0,41% GDP. Theo đó, bội chi ngân sách năm 2022 ước thực hiện bằng 4,5% GDP - trong phạm vi Quốc hội cho phép. Ông Hồ Đức Phớc cho biết, trong điều hành, Chính phủ đã và đang chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm chi, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết để tiếp tục giảm mức bội chi.

Sau khi đại diện Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023...

Ông Cường cho biết tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước vượt dự toán khá cao, tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán.

Nhưng Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng lưu ý một số vấn đề như cơ cấu tăng thu Ngân sách nhà nước vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn; thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ về ước thực hiện các khoản thu ngân sách nhà nước năm 2022, bảo đảm thu đúng, thu đủ, sát với tình hình thực tế; đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong việc nhiều năm liền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đạt dự toán; đề nghị đánh giá kỹ nguyên nhân của tình trạng nợ thuế có xu hướng tăng.

Về chi ngân sách năm 2022, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, báo cáo của Chính phủ cho thấy, chi ngân sách đã bảo đảm các nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề nổi lên trong việc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển; nên Ủy ban này đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, khả năng hoàn thành dự toán, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

Về dự toán ngân sách năm 2023, Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý, bối cảnh năm 2023 dự kiến thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tuy nhiên, áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng... là những thách thức, áp lực rất lớn đối với việc thực hiện các chỉ tiêu thu, chi ngân sách.

Về phương án phân bổ ngân sách trung ương, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị quán triệt một số nguyên tắc: phân bổ ngân sách phải bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn tại các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ giao vốn, chỉ bố trí vốn cho các dự án đủ thủ tục đầu tư; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản...

Nói về việc tăng lương cơ sở, ông Cường cho biết đa số ý kiến của Ủy ban này nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình. Bởi do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu ngân sách, lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 trở lại đây. Do đó nếu tiếp tục giữ mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một số người lao động trong khu vực nhà nước.

Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp. Nhất là trong bối cảnh hiện nay thì việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không rõ căn cứ nào để “định giá” tiền lương cơ sở là 1,8 triệu ? Mức lương này chắc chắn quá lạc hậu không chỉ ở vùng đô thị mà với cả vùng sâu và xa. Thay đổi quan điểm định giá tiền lương là tiền đề quan trọng nhất. Tiền lương cơ bản cần thiết phải dựa vào tiêu chí mức sống trung bình của xã hội và từng vùng, cơ cấu tiền lương phải đi đôi với cơ cấu số lượng và chất lượng cuộc sống. Tiền lương là công cụ để mở đường cho năng suất chất lượng xã hội và cả phẩm giá của người lao động. Nếu cứ mãi chỉ dựa vào cân đối ngân sách để tính thì lúc nào cũng lâm vào thế bí, mà không thấy được nguồn lực của xã hội là vô cùng to lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới