(KTSG Online) - Theo báo Lao Động, lương tối thiểu tính theo giờ (LTTTG) ở Việt Nam vừa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất(1). Đề nghị trên cũng đi theo hướng cơ chế lương tối thiểu tính theo tháng hiện hành, nghĩa là có sự chênh lệch áp dụng cho bốn vùng với điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Bộ này đưa ra mức lương tính theo giờ gồm vùng I: 22.500 đồng/giờ; vùng II: 20.000 đồng/giờ; vùng III: 17.500 đồng/giờ; vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Tạm gác chuyện các mức này hợp lý đến đâu, ở đây xin bàn vài vấn đề nhằm tham khảo xung quanh đề xuất này.
Trước hết, LTTTG là một quy định liên quan đến người lao động phổ biến và lâu đời tại nhiều nước trên thế giới. Còn tại Việt Nam, theo một số tài liệu về chế độ tiền lương tối thiểu, ngay từ năm 1947, một sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã đưa ra khái niệm về tiền lương tối thiểu. Từ đó đến nay, các quy định về lương tối thiểu ngày càng được quan tâm, đặc biệt là từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới kinh tế. Và hiện giờ, gần như năm nào chúng ta cũng thấy báo chí tường thuật những tranh luận - có khi không kém phần gay gắt - của các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia về mức lương tối thiểu mới sẽ có hiệu lực.
Tuy nhiên, lương tối thiểu tại Việt Nam từ trước đến nay vẫn tính theo tháng. Năm 1995, mức lương tối thiểu theo tháng do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành nhằm áp dụng tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở các tỉnh thành có thể được xem là một cột mốc cho sự phát triển ngành công nghiệp. Đến nay, cũng có thể nói đề xuất áp dụng LTTTG không chỉ là một bước gần thêm với thông lệ trên thế giới mà tự thân đề nghị này khi được chấp thuận còn là một chỉ dấu cho sự phát triển của ngành dịch vụ tại Việt Nam.
Nếu đồng ý rằng LTTTG cần thiết, vấn đề tiếp theo là bao nhiêu thì vừa. Đây sẽ là một đề tài gây tranh cãi. Nhằm bớt phần nào sự tranh cãi đó, chúng ta có thể nhìn một số trường hợp trên thế giới để tiến đến phương án thích hợp.
Lấy ví dụ ở Nhật chẳng hạn, chính phủ Nhật quy định mức LTTTG bắt buộc, nếu không tuân thủ người sử dụng lao động có thể bị xử lý theo pháp luật. LTTTG ở Nhật thay đổi tùy theo tỉnh (prefecture), dao động từ 714 yen (5,4 đô la Mỹ) đến 932 yen (7,05 đô la Mỹ)(2). Mức này có thể thay đổi qua các năm. Ngoài ra, một số ngành công nghiệp còn có LTTTG riêng cho ngành của mình và thường là cao hơn LTTTG theo tỉnh. Trong trường hợp có sự sai biệt giữa LTTTG theo tỉnh và LTTTG theo ngành công nghiệp, mức cao hơn sẽ được áp dụng.
Còn ở Mỹ, luật pháp nước này quy định LTTTG liên bang (toàn quốc) và LTTTG tiểu bang (địa phương). Theo Luật Tiêu chuẩn lao động công bằng liên bang (Federal Labor Standards Act), LTTTG được chính quyền tiểu bang và địa phương quy định và sẽ ưu tiên áp dụng thay cho quy định liên bang nếu mức này cao hơn quy định của liên bang(3). Tại các bang không có LTTTG riêng hay mức này thấp hơn quy định của liên bang, sẽ ưu tiên áp dụng mức của liên bang.
Theo website của Bộ Lao động Mỹ, năm 2022, mức LTTTG liên bang là 7,25 đô la(3). Trong khi đó, District of Colombia (thủ đô Washington) có LTTTG cao nhất nước Mỹ, 15,2 đô la/giờ, tiếp theo là bang Washington (14,49 đô la) và bang Massachusetts (14,25 đô la)(4). Tuy nhiên, các địa phương trong cùng một bang lại có thể quy định LTTTG riêng cao hơn mức chung của bang. Chẳng hạn, LTTTG cao nhất tại một địa phương ở Mỹ được áp dụng ở thành phố SeaTac bang Washington, ở mức 17,53 đô la/giờ, cao hơn hai lần so với mức tối thiểu của liên bang. Kế đến là thành phố Seattle (cũng thuộc bang Washington), ở mức 17,27 đô la/giờ.
Từ LTTTG ở Nhật và Mỹ trình bày bên trên, có thể thấy rằng: thứ nhất, mức LTTTG thay đổi theo điều kiện của các địa phương và có thể có chênh lệch rất đáng kể giữa các nơi; và, thứ hai, dường như quy định về LTTTG ở hai quốc gia này có xu hướng bảo vệ người lao động khi có sự chênh lệch trong mức lương tối thiểu (mức cao hơn sẽ được áp dụng).
Nhìn chung, thiết nghĩ, đặt vấn đề áp dụng LTTTG hiện giờ là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng cần tham khảo kinh nghiệm áp dụng LTTTG của các quốc gia đi trước để đồng thời hài hòa quyền lợi của người sử dụng lao động trong bối cảnh hiện nay, tránh việc áp dụng một cách máy móc tác động đến sự hồi phục kinh tế vừa mới bắt đầu còn khá mong manh.
------------
(1)https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-tra-luong-theo-gio-cho-nguoi-lao-dong-ra-sao-1052863.ldo
(2)https://www.minimum-wage.org/international/japan
Lương tính theo giờ là tiêu chuẩn để tính toán thu nhập cho cuộc sống của người lao động. Ở phần lớn các nước văn minh, dân quyền cao đã làm điều này từ lâu lắm rồi. Nền kinh tế của ta thì mở cửa hội nhập với tốc độ rất cao, nhưng khi tính toán thu nhập cho người lao động thì tốc độ “cởi mở tư duy” rất là chậm. Đây là nghịch lý cần phải xóa bỏ trong tư duy điều hành, kể cả tư duy của các ông chủ kinh doanh. Nếu không, sớm thì muộn, nguồn lực lao động không những bị hao mòn suy giảm mà còn mất lòng tin xã hội.