Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lượng xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lượng xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh

Minh Tâm

Lượng xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh
Giá nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước nên giá bán lẻ đã giảm theo. Trong ảnh: nhân viên cửa hàng điều chỉnh giá theo quyết định của doanh nghiệp đầu mối. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG Online) – Tính đến hết ngày 15-6, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đã đạt trên 4,7 triệu tấn, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp đầu mối cho rằng, tình hình tiêu thụ khả quan và giá tốt là hai nguyên nhân chính dẫn đến điều này.

Số liệu thống kê (sơ bộ) do Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tính riêng trong nửa đầu tháng 6, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã nhập khẩu hơn 420 tấn xăng dầu các loại, trị giá hơn 242 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái (số liệu thống kê sơ bộ), lượng hàng tăng gần 10% nhưng giá lại giảm gần 35%.

Lũy kế từ đầu năm đến hết 15-6, tổng lượng hàng nhập khẩu đạt hơn 4,7 triệu tấn với tổng giá trị gần 2,7 tỉ đô la Mỹ. Xét về lượng, nửa đầu năm nay tăng 23% nhưng xét về giá trị lại giảm 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, dầu diesel, xăng, nhiên liệu bay có mức tăng nhiều nhất trong số các mặt hàng nhập khẩu.

Giá trị nhập khẩu giảm mạnh, có nguyên nhân rất rõ ràng là giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm theo xu hướng của giá dầu thô. Tính bình quân, mỗi tấn xăng dầu thành phẩm các loại nhập khẩu trong năm nay có giá trên 573 đô la Mỹ trong khi mức giá của cùng kỳ năm ngoái là trên 943 đô la Mỹ.

Vậy lượng nhập khẩu tăng vì sao?

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, lượng xăng dầu nhập khẩu tăng nhờ tình hình tiêu thụ khả quan. Ở kênh bán lẻ của tập đoàn này (bán trực tiếp tại các cửa hàng trực thuộc), lượng hàng bán ra tăng dao động 10-12% so với cùng kỳ (tùy vị trí, khu vực).

“Điều này phần nào cho thấy tình hình kinh tế có những chuyển biến tích cực, đúng như những công bố của Chính phủ”, ông Năm nhận định.

Petrolimex hiện có hệ thống cửa hàng trực thuộc lớn nhất trong các đầu mối với khoảng 2.500 điểm, gấp hàng trăm lần so với các đầu mối khác.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Năm, thị trường năm nay có sự tham gia của nhiều đầu mối. Và theo ông Năm, có vẻ các đầu mối tham gia thị trường đều đặn hơn chứ không đứt quãng kiểu giá giảm tăng nhập, giá cao ngừng nhập vì lỗ như tình trạng thường xảy ra ở các năm trước.

Lý giải hiện tượng này, ông Năm nhận định, nguyên nhân thứ nhất là giá các mặt hàng thành phẩm sau khi lao dốc vào năm ngoái thì từ đầu năm đến nay biến động không quá lớn (giá dầu các phiên chênh nhau vài đô la Mỹ/thùng).

Thứ hai là chính sách điều hành đã bám sát giá thế giới với việc 15 ngày điều chỉnh một lần và luôn đảm bảo lợi nhuận, hiệu quả cho doanh nghiệp.

“Những năm trước, ở rất nhiều thời điểm, để giữ giá bán lẻ, cơ quan điều hành cắt hoặc giảm lợi nhuận định mức của doanh nghiệp đầu mối. Những doanh nghiệp không có nhiệm vụ chính trị thì chắc chắn họ sẽ cân nhắc việc nhập hàng. Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, đầu mối luôn được đảm bảo lãi ở mức 300 đồng/lít như đúng quy định. Kinh doanh có hiệu quả nên các doanh nghiệp tham gia đều”, ông Năm nói thêm.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một đầu mối phía Nam lại cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở việc có thêm nhiều đầu mối tham gia thị trường trong bối cảnh giá nhập khẩu tốt và chính sách điều hành ổn định.

Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến các đầu mối không có mạng lưới cửa hàng trực thuộc lớn như đơn vị ông phải cạnh tranh gay gắt trong việc bán hàng cho tổng đại lý, đại lý. 

Và cách để các đầu mối thu hút đại lý phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là tăng chiết khấu (hoa hồng). Có những thời điểm, chiết khấu lên đến cả 1.000 đồng/lít dù định mức kinh doanh của mặt hàng xăng chỉ là 1.050 đồng/lít còn dầu là 950 đồng/lít.

Theo thông tin đăng tải trên website của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 22 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (có chức năng xuất nhập khẩu, phân phối) tham gia thị trường. Trong đó, có một đơn vị là Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex chỉ kinh doanh nhiên liệu bay, không kinh doanh các mặt hàng xăng RON92, dầu diesel…

Và theo thông tin của TBKTSG Online thì ba đầu mối đang chiếm thị phần lớn là Petrolimex; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro).

Xem thêm:

Xăng tăng giá, dầu giảm giá

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới