Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lưu ý với chủ nợ của doanh nghiệp phá sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lưu ý với chủ nợ của doanh nghiệp phá sản

Đặng Phúc Nguyên (*)

Lưu ý với chủ nợ của doanh nghiệp phá sản
Bất động sản thường được dùng làm tài sản đảm bảo khi vay vốn. Ảnh: THÀNH HOA

(TBKTSG) – Vụ việc được chia sẻ dưới đây là một kinh nghiệm thực tế cho các chủ nợ của doanh nghiệp phá sản có thể có giải pháp để xử lý khoản nợ của mình đã được bảo đảm bằng tài sản của một bên thứ ba.

Bất cập từ một vụ việc thực tế

Tháng 4-2017, Công ty TNHH X bị tòa án nhân dân thành phố H ra quyết định mở thủ tục phá sản với lý do X bị lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán nhiều khoản nợ đến hạn đã quá ba tháng. Trong các khoản nợ mà X phải trả có một khoản nợ gần 20 tỉ đồng đã đến hạn mà X vay của ngân hàng Z được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất của ông Y (tài sản bảo đảm) theo hợp đồng thế chấp ký giữa ông Y và ngân hàng (khoản nợ bảo đảm).

Với tư cách là chủ nợ có đảm bảo của X, ngân hàng Z đã nhiều lần tham dự các buổi làm việc và hội nghị chủ nợ của X theo thông báo của tòa án. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11-2017, khi nhận được quyết định tuyên bố phá sản đối với X (quyết định phá sản), ngân hàng Z mới giật mình khi thấy trong quyết định phá sản không đề cập đến việc giải quyết khoản nợ bảo đảm của X đối với mình. Điều này đã gây khó khăn cho ngân hàng Z khi ông Y cho rằng ngân hàng không có căn cứ để xử lý tài sản bảo đảm nói trên do quyết định phá sản không quy định về vấn đề này.

…đến quy định không rõ ràng của pháp luật phá sản

Trên thực tế, đây là một vấn đề mà nhiều ngân hàng với tư cách là chủ nợ của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản có thể gặp phải. Về nguyên tắc, sau khi tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (quản tài viên) sẽ đề xuất thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ xử lý vào thời điểm tòa án thụ lý vụ việc phá sản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo điều 41.3 của Luật Phá sản, việc tạm đình chỉ xử lý chỉ áp dụng đối với tài sản bảo đảm của doanh nghiệp phá sản mà không áp dụng cho cả tài sản bảo đảm của một bên thứ ba. Nói cách khác, tài sản bảo đảm sẽ không đương nhiên thuộc trường hợp được quản tài viên đề xuất để xử lý.

Trong khi đó, Luật Phá sản chỉ có điều 55.3(1) quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản của bên bảo lãnh thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh mất khả năng thanh toán mà không có thêm bất kỳ quy định nào cụ thể về việc xử lý các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của một bên thứ ba dưới các hình thức khác như cầm cố, thế chấp. Điều này khiến cho các chủ nợ được bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba rất lo lắng khi quyền lợi chính đáng cho họ chưa thực sự được bảo vệ.

Ngoài ra, khi xử lý vấn đề tài sản trong quyết định phá sản, thông thường nội dung của quyết định này chỉ bao gồm: (i) phương án phân chia giá trị tài sản trước và sau khi tuyên bố phá sản của doanh nghiệp và (ii) thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại của doanh nghiệp. Trong đó, tài sản được phân chia và thanh lý ở đây chỉ là tài sản của doanh nghiệp sau khi đã được kiểm kê theo quy định. Do vậy, trên thực tế đã có nhiều trường hợp tòa án chỉ giải quyết các nội dung liên quan đến tài sản của doanh nghiệp mà không xem xét đến việc xử lý các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba.

Chủ nợ có bảo đảm cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình?

Mặc dù tư cách “chủ nợ có bảo đảm” đã được công nhận khi khoản nợ của một chủ nợ được đảm bảo bởi một bên thứ ba, nhưng do Luật Phá sản không quy định cụ thể việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này nên các chủ nợ cần chủ động thực hiện một số biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Đầu tiên, trước khi X nộp đơn phá sản, với tư cách là bên nhận bảo đảm cho khoản nợ của X, ngân hàng Z có thể khởi kiện ông Y, trong vai trò là bên thế chấp, để yêu cầu ông Y thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc xử lý tài sản đảm bảo để trả khoản nợ cho ngân hàng (giải pháp khởi kiện). Tiếp theo, trong giai đoạn giải quyết vụ việc phá sản của X, ngân hàng Z cần làm việc với thẩm phán hoặc quản tài viên để tư cách “chủ nợ có bảo đảm” của mình được công nhận và cần có văn bản đề nghị tòa án ghi nhận kết quả giải quyết tranh chấp với ông Y. Khi đó, nếu X bị tuyên bố phá sản thì trong quyết định phá sản sẽ ghi nhận việc xử lý tài sản bảo đảm, tạo thành căn cứ để thực hiện trong giai đoạn thi hành án.

Trường hợp tòa án không ghi nhận việc giải quyết tài sản bảo đảm trong quyết định phá sản thì với tư cách là chủ nợ của X, ngân hàng Z sẽ có quyền đề nghị tòa án xem xét lại quyết định phá sản vừa ban hành(2). Theo điều 108.1 của Luật Phá sản, do quyết định phá sản có thể giải quyết vấn đề khác theo quy định pháp luật, ngân hàng Z có thể đề nghị tòa án sửa đổi theo hướng ghi nhận thành một mục riêng trong quyết định phá sản về việc xử lý các khoản nợ của X đã được bảo đảm bằng tài sản bảo đảm của ông Y. Trường hợp tòa án vẫn không giải quyết vụ việc giữa X, ngân hàng Z và ông Y liên quan đến tài sản bảo đảm thì ngân hàng Z có thể tiến hành giải pháp khởi kiện đối với ông Y, nếu vẫn chưa tiến hành khởi kiện. 

(*) Công ty Luật TNHH MTV DIMAC
(1) Trường hợp người được bảo lãnh hoặc cả người bảo lãnh và người được bảo lãnh đều mất khả năng thanh toán thì người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm thay cho người được bảo lãnh theo quy định của pháp luật.

(2) Điều 111 Luật Phá sản

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới