Lý lẽ nào để phán xét quan tòa?
![]() |
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) - Dự thảo Luật Bồi thường nhà nước, vừa được công bố để lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp xã hội, có ghi nhận khả năng yêu cầu bồi thường trong trường hợp bị thiệt hại do thẩm phán cố ý ra bản án trái với những tình tiết khách quan của vụ án.
Khả năng này hình thành trong điều kiện có một điều khoản trong Bộ luật Hình sự mà bất kỳ người nào làm công việc xét xử cũng phải dè chừng. Đó là điều 295, nói về tội ra bản án trái pháp luật: “Thẩm phán, hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù...”.
Thoáng đọc, người ta dễ có cảm giác tư tưởng làm nền tảng cho điều luật rất tròn trịa, có căn cứ vững chắc và hợp lý, hợp lẽ phải: là người cầm cân nảy mực và bảo vệ công lý, biết mình đang làm trái luật mà vẫn làm thì rất đáng bị trừng phạt, thậm chí cần phạt nặng để nêu gương. Tuy nhiên, vấn đề, mà thực ra chưa có ai giải quyết thấu đáo, là các tiêu chí của hành vi “ra bản án trái pháp luật” được xác định như thế nào? Thế nào là “biết mình xử sai mà vẫn xử”?
Hiện diện trong xã hội có tổ chức, thẩm phán hay quan tòa được hiểu là người đại diện cho quyền lực công, dùng pháp luật và công lực để dập tắt các vụ xung đột giữa các thành viên, nói chung là các cuộc khủng hoảng trong quan hệ xã hội giữa người và người như tranh chấp tài sản, ly hôn, xâm phạm thân thể, của cải hoặc phẩm giá, danh dự của người khác...
Áp dụng pháp luật, về phần mình, là một công việc tế nhị. Nó xuất phát từ cách hiểu của người áp dụng về ý nghĩa của quy tắc pháp lý. Là con người tự do, bất kỳ thành viên nào của xã hội đều có quyền tiếp cận các quy tắc của luật và có quyền giải thích nội dung của các quy tắc ấy theo ý mình.
Không ai bị buộc phải hiểu, nhìn nhận chuẩn mực qua lăng kính của ai khác, dù đó có là người đại diện cho nhà chức trách, là cấp trên trong quan hệ công tác. Ai cho rằng một người nào đó đã hiểu sai luật rồi hành động theo cách hiểu đó mà gây thiệt hại cho mình, thì cứ đưa vấn đề ra trước một người thứ ba, trung lập, khách quan, tức là quan tòa hoặc trọng tài, nhận ủy thác quyền lực công để phân xử.
Bản thân người có quyền phân xử cũng tiếp cận và tìm hiểu luật như mọi người, nghĩa là một cách hoàn toàn độc lập. Bởi vậy, không loại trừ khả năng có sự khác biệt giữa các quan tòa hoặc trọng tài về cách hiểu luật, dẫn đến việc ra bản án, phán quyết không giống nhau. Do đặc điểm của tổ chức tòa án và của thủ tục tố tụng, mà trong trường hợp không đồng ý với cách hiểu và áp dụng pháp luật của thẩm phán cấp dưới, thẩm phán cấp trên có quyền nói rằng thẩm phán cấp dưới đã xử sai. Thế nhưng, đó tuyệt đối không phải là sự phán xét, không phải là tiêu chí để đánh giá sự tuân thủ pháp luật của thẩm phán cấp dưới.
Giả sử bản án của tòa cấp dưới bị tòa cấp trên hủy, sau đó, khi xử lại, tòa cấp dưới vẫn giữ nguyên phán quyết cũ, thì cũng không thể nói rằng thẩm phán cấp dưới đã làm trái luật. Đơn giản vì cấp dưới và cấp trên không gặp nhau trong quá trình phân tích luật. Ở các nước tiên tiến, nếu bản án của tòa cấp dưới bị hủy thì việc xét xử lại sẽ được giao cho một tòa cùng cấp ở một quản hạt tư pháp khác. Trong không ít trường hợp, tòa cấp dưới ở nơi khác lại cũng xử giống hệt như tòa cấp dưới có bản án đã bị hủy; thế rồi, đến lúc nào đó, trước sự kiên định quan điểm của các tòa cấp dưới, tòa cấp trên buộc phải từ bỏ quan điểm của mình.
Có trường hợp thẩm phán bị mua chuộc và phân xử theo đúng ý muốn của một bên nào đó; khi ấy, thẩm phán chỉ phạm tội nhận hối lộ. Nếu ra lệnh tiêu hủy chứng cứ để có thể xét xử theo hướng bất lợi cho một bên nào đó, thẩm phán chỉ chịu trách nhiệm đối với việc thủ tiêu chứng cứ, vật chứng... Thiệt hại gây ra trong những tình huống ấy, nếu có, được bồi thường theo luật chung về trách nhiệm dân sự.
Suy cho cùng, trong một xã hội được tổ chức tốt và thượng tôn pháp luật, không thể xây dựng được căn cứ khoa học, đạo đức cho việc đánh giá chất lượng pháp lý của hoạt động xét xử. “Quan tòa xử trái pháp luật” là một khái niệm vô nghĩa; đúng hơn, đó là khái niệm đặc thù của xã hội hành chính hóa, trong đó thẩm phán ứng xử về mặt nghề nghiệp, không phải theo pháp luật một cách độc lập, mà trong sự ràng buộc của mối quan hệ thượng cấp - thuộc quyền.
Nếu có ai là người có quyền phán xét thẩm phán, thì ai là người sẽ phán xét người đó? Để trả lời câu hỏi này, người ta phải đi mãi, theo vòng xoáy của cơ chế thượng cấp - thuộc quyền, đến vô cùng. Người chỉ huy cao nhất trở thành một thiết chế không thể định hình, có quyền ra lệnh từ trong bóng tối, nhưng không bao giờ phải chịu trách nhiệm về hậu quả của những mệnh lệnh ban ra.
TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN