Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mà cuộc sống này đầy mê say…

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một bầu trời xanh bát ngát với vầng mây ấm trên đầu, những âm thanh của người bay lên từ mặt đất. Người, một phụ nữ xinh đẹp đang trong độ tuổi ba mươi, giảng dạy văn chương và làm thơ như một tỏ bày giao cảm. Đấy là Thanh âm trong thơ của Tạ Anh Thư, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - Saigonbooks, 2021.

Công bố tập thơ đầu năm 2017 Người lạ, NXB. Thanh niên, tập thơ thứ hai năm 2018 Người có sẵn lòng mang vết thương, Saigonbooks - NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2018, và nay với Thanh âm, Tạ Anh Thư đã bước vào khu vườn thơ ca Việt với những bước chân nhẹ nhàng, đằm thắm.

Cảm xúc, ý tưởng và bút pháp của thơ Tạ Anh Thư gần như nhất quán: ở đó người đọc nhìn thấy nhân vật trữ tình là một người luôn lắng nghe mình, lắng nghe người, lắng nghe đời, suy tư và chia sẻ.

Mình là...

Lắng nghe mình là nhu cầu lớn nhất của nhà thơ. Mình, là người “vẫn đang trên những chuyến tàu”, không cần tên gọi; mình, là người chạm từng phút giây, từng ngày tháng, những biến chuyển sắc thái của ngoại cảnh, rồi tự hỏi, sao mọi cái cứ trôi qua mà tôi ở lại?; mình, người gặp gỡ rồi dạt trôi trong một tình yêu, một niềm thương như là định mệnh; mình, người tha thiết những tương giao, nhưng thường lạc loài giữa đám đông phố xá; mình, người than “lầm lỡ một đời” mà vẫn không thôi hy vọng về hạnh phúc…

Cái mình ấy xuất hiện trong lời tự tình của em, của ta, hay trong cái nhìn của anh, của người. Sẽ nhận ra những sóng đôi nương nhẹ nhau để “còn một chút này” mà nhớ. Trong tất cả tiếng lòng ấy, người đọc cảm giác như có một cái gì đó buộc mình neo lại vĩnh viễn một thời, thời hoa niên gặp gỡ và chọn nhận; tưởng như nhìn thấy một nhân duyên đang trong tình thế lưỡng nan, và tình cảnh “ngó ý” “tơ lòng” làm mình day dứt. Và mình muốn người quên, mình muốn cái chết một lần được chết: Trên đồi cỏ khô/cái chết/đợi đến ngày được chôn vào huyệt mộ. Ta mang đến mọi điều thay đổi/sao riêng ta chẳng được đổi thay?. Nào có ai hay. Cái chết muốn một lần/được chết đi/để trở thành sự sống (Điều ước của cái chết). Bài thơ xuất phát từ một trải nghiệm cá nhân đau đớn, đã chạm đến một ý nghĩa triết lý bất ngờ.

Và... người đã đến

Và ở đó, người xuất hiện. Người, là một một dáng hình thân thuộc với mình, dù cả hai đã cách nhau cả một vực sâu. Nhân vật thân thuộc - xa lạ - thân thuộc chiếm nhiều câu chữ trong tập thơ này. Có những dòng âm vang hương cổ tích, bởi vì tình yêu ấy đượm cả thời thơ dại, bởi vì ân nghĩa ấy trĩu cả cỏ cây: Mấy trăm năm/Người nhớ lời hẹn từ tiền kiếp/Vườn xưa nếp lá nằm/Bần thần từ nẻo về thăm. Đón người/Một đại lộ rỗng không/Dấu hương tuyệt tích. Làm sao trăng không là trăng cũ/Tiếng không là tiếng xưa. Lẽ ra canh Mạnh Bà nên uống cạn/Người ắt đã quên/ Như cần quên. (Lời hẹn). Dù chịu nhận một hoàn cảnh buồn: Người tính toan một chốc/Ta lầm lỡ một đời (Dẫu bao lần rộng lượng), mình vẫn thấu hiểu sâu xa về tình thế của một người không có cơ chọn lựa Anh tung một đồng xu/Mặt nào cũng sương mù (Sương mù).

Cùng trong nỗi niềm riêng ấy, có tiếng dội âm âm của đời làm nên những suy tư thế sự. Quan sát xưa và nay về những bậc tài hoa - những người luôn một lòng thao thức làm sao giữ vẹn chính mình giữa những cơn gió bụi - bài thơ Kẻ sĩ là những tra vấn cứng cỏi và bi thiết về thế đứng của người trí thức: Ngươi là ai giữa bàn cờ thế cuộc (…) Ngươi kêu chi những tiếng bi thương/Ngươi mộng chi những giấc ngông cuồng/Rồi tóc bạc mới biết mình thảm bại. Nhưng chẳng lẽ thuận tùy/làm cánh bèo dạt trôi theo sóng/Sống lênh đênh chịu kiếp ươn hèn/Chỉ khóc thầm những lúc trăng lên? Cánh cung đời đã lắp mũi tên/Phóng một lần cho biết mình đã sống…

Và những giọt cảm nghiệm thiền vụt hiện trong một mái đầu còn chan chứa thanh xuân làm ngạc nhiên người đọc: … Giấu trong áng tóc/Một mớ chiêm bao/Sáng ra tỉnh mộng/Ồ hồn nơi nao. Lội bùn tát nước/Mơ bắt ông trăng/Giật mình ngó xuống/Tay đầy sương giăng. Trèo lên non biếc/Đuổi gió đòi mây/Ngờ đâu tỉnh lại/Bên thềm gió lay. Khóc người hôm trước/Ước người nghìn sau/Nào hay thức dậy/Mái đầu trắng phau. Hư hư thực thực/Thực thực hư hư/Người trong biển mộng/Chờ về như như (Như).

Không gian, thời gian và vạn vật trong thơ Tạ Anh Thư nằm trong từ trường tâm cảm chung của thơ Việt: chiều, đêm, phố xá, biển, trời sao, mưa, khu vườn, nóc nhà, ô cửa, rặng cây, bụi cỏ, ngọn lau, giáo đường, viên sỏi… Tất cả không xa lạ, nhưng chúng làm nên ám ảnh nhờ quyện vào tâm ý, mạch nhịp và giai điệu. Ở đó, người đọc luôn gặp được những khoảnh khắc nói về sự vật mà bừng lên sắc màu tâm trạng: Con chim kêu lạc giọng/Chiếc rổ rơm xoay trong cơn giông/Lật tung giấc mơ hạnh phúc (Sương mù).

Đọc thơ Tạ Anh Thư, tôi cứ nhớ đến những bức họa của Claude Monet: nắm bắt khoảnh khắc của nội tâm và ngoại cảnh, thể hiện bằng bút pháp óng ả mà mong manh, hiện đại mà tiết chế, đường nét sắc màu nhòa đi mông lung trong ánh ngày và ánh nhìn: Mắt khép tổ rơm gác cũ/Nếp áo lên men từ cơn gió trước/Chiều nay thoảng hương bần thần (Đừng cất tiếng). Buông mình qua các thể loại thơ khác nhau, Tạ Anh Thư ung dung hơn với thể tự do, nhưng các bài bảy chữ, năm chữ và bốn chữ của cô thì thường giàu nhạc tính.

Rằng mình và người sẽ tiếp tục bước đi

Đi qua Thanh âm của Tạ Anh Thư, không ai nghĩ ấy là khu vườn đang giữa mùa xuân. Bởi Thời gian không mang theo ánh sáng/Thời gian mang theo tiếng thở dài (Tưởng tượng). Bởi ở đó rất nhiều dốc gió và sóng bời; chiều hoang tiếng khóc, lắm khi người lạc trôi giữa mênh mang vô xứ, những cơn dốc lòng và dốc đời ngút thở, bơ vơ (Dốc). Nhưng cái ánh sáng run rẩy của phút giao mùa đó; cái trái tim tha thiết với đời nhắc nhau Giữ cho ta khỏi lạc kiếp người (Tiếng vọng) đó; cùng một khẳng định khiêm nhường: Em sẽ là em hôm nay/Đích đáng một lần hiện diện/Như cây lau trên nương/Uốn mình khi gió đến (Cuộc đời ta chưa sống); và cái kết Phục sinh, đã làm ta hy vọng. Rằng mình và người sẽ tiếp tục bước đi, đầy mê say, trong cuộc sống này.

Thơ Tạ Anh Thư là thơ của nữ tính phong nhụy. Hiện đại và nhẹ nhàng, thanh lịch và tinh tế, ấy là phong cách, nơi thơ và nơi người. Có lẽ tất cả bắt nguồn từ cá tính, từ nếp nhà, từ đặc trưng nghề nghiệp của nhà thơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới