Mã gen của một thành phố
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Ảnh chụp quán cà phê Givral hôm 4-4-2010. Ảnh: Vĩnh Nguyên. |
(TBKTSG) - Mỗi thành phố thực sự có một mã di truyền riêng của nó. Đó chính là địa sinh thái, địa văn hóa và tiến trình lịch sử quyết định diện mạo, thể trạng của nó qua thời gian.
Ví mỗi thành phố như cơ thể con người, hai giáo sư Michael Fredric Roizen và Mehmet Cengiz Oz đã phân tích trên khía cạnh kiến trúc để chứng minh rằng, việc nắm bắt mã gen của mình sẽ quyết định thế nào đến lối sống, hành xử đối với cuộc đời mỗi người.
“Mỗi thành phố đều trải nghiệm thăng trầm của quá trình lão hóa; việc những người quản lý và dân cư của thành phố điều tiết tốt hay xấu (quá trình này) sẽ quyết định việc thành phố sẽ già đi một cách lịch thiệp và trang nhã hay lâm vào nghịch cảnh, bừa bãi, lộn xộn, và suy tàn” (trang 8, Bạn mãi trẻ, NXB Trẻ 2010).
Vậy cái mã gen của một thành phố nằm ở đâu?
Tôi đã đọc đâu đó trong một cuốn sách của học giả Vương Hồng Sển, kể rằng, có lần ông đi dạo trên đường phố Sài Gòn, thấy người ta đang tụ tập cưa hai cây cổ thụ trên vỉa hè, mà đi không đành. Tôi còn nhớ ông mô tả cái cảm giác xót xa tần ngần, đi đi lại lại, rồi lấy cây gậy chống đo mặt vân gỗ, nghe hương gỗ mà đoán tuổi cây…
Tôi lại nhớ có lần được đến tham quan một điểm trong tour du lịch Macau - phế tích nhà thờ Saint Paul. Ngôi nhà thờ thuộc hình thái kiến trúc thuộc địa Bồ Đào Nha, qua thời gian, nay tất cả chỉ còn là một bức tường loang lổ và một tầng hầm trưng bày mươi bức tượng thánh.
Vậy mà nó đã đi vào trong hầu hết các sách hướng dẫn du lịch và chương trình tour như là một điểm đến không thể thiếu được khi đặt chân đến Macau. Mỗi ngày có hàng chục ngàn người đến, ngắm bức tường nhà thờ và cảm nhận về một Macau không chỉ có sòng bạc!
Có lẽ nhiều thành phố cổ kính và trang nhã khác của châu Âu cũng thế. Việc giải “mã gen” và hành xử trân trọng với sự “già đi” của thành phố là điều luôn được người dân và nhà chức trách nghĩ đến. Vì họ hiểu rằng, đó mới thực sự là phần đời sống tinh thần, phần chiều sâu và sự giàu có của một thành phố, đó mới chính là dấu chỉ gắn bó thiêng liêng giữa cư dân với thành phố quê hương mình đang sống.
Vậy, cũng có thể hiểu, hành xử với cái mã gen của thành phố nơi mình sống không chỉ qua việc nắm bắt lịch sử, hiểu biết ngõ ngách… mà còn qua những thứ rất cụ thể, bình thường: biết giá trị của một cái cây, một bức tường, một dòng sông hay một công viên… đã đóng góp vào đời sống hơi thở của nó trong tiến trình phát triển để cân nhắc, suy tính, giữ gìn bảo tồn và tôn tạo sao cho hợp lý hợp tình - không chỉ vì bản thân những vật thể, không gian ấy mà còn là biểu hiện tinh thần phải đạo với tiền nhân, với quá khứ, với bản sắc. Bởi vì, chúng ta ứng xử với những giá trị quá khứ thiếu suy xét thế nào thì thế hệ tương lai cũng sẽ ứng xử với chúng ta như vậy!
Những người bạn làm du lịch Sài Gòn thường ngao ngán khi nhắc đến “city tour”. Họ cho rằng, Sài Gòn chỉ là một thành phố trú chân qua đêm, một trạm trung chuyển của du khách. Buồn hơn, khi anh bạn là giám đốc một công ty du lịch nói với tôi rằng, nếu cái gì cũ cũng bị đập bỏ để xây các khối nhà cao tầng một cách bất chấp, “thiếu thương lượng” như hiện nay thì Sài Gòn vốn đã nghèo điểm đến văn hóa sẽ còn nghèo nàn hơn.
Nỗi ưu tư của anh bạn làm du lịch nhiều năm ròng chưa tìm được chìa khóa cho “city tour” là có nguyên do, khi cứ nhìn sự biến mất dần những bến Bình Đông, kênh Tàu Hủ vốn là con đường sông tơ lụa của Sài Gòn xưa, sự xuất hiện của các khu nhà cao tầng ngay giữa quận trung tâm ngang nhiên biến công viên thành mặt tiền của mình, hay một quán cà phê nhiều ký ức lịch sử như Givral bị đập bỏ...
Thành phố đang là một đại công trường. Sự thay đổi là một tín hiệu lạc quan nhưng nếu thiếu cân nhắc cái gì phải đập bỏ, cái gì cần gìn giữ, bảo tồn thì sẽ đem lại cảm giác hẫng hụt, bất an bởi sự mất độ gắn kết; nỗi hoang trống tinh thần xảy đến với chúng ta và thế hệ mai sau sẽ là điều khó tránh khỏi.