Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mã số vùng trồng Quản lý ‘hộ chiếu vàng’ còn lỏng lẻo

Nguyễn Ngọc Trâm(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Mã số khi được cấp chứng tỏ sản phẩm canh tác trong vùng trồng liên kết đã đáp ứng các điều kiện cần thiết để xuất khẩu chính ngạch, giúp nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và khả năng tiếp thị của các sản phẩm này trên phạm vi toàn cầu. Không ngẫu nhiên khi mã số vùng trồng được xem là hộ chiếu vàng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, mức độ quan tâm chưa đúng mực và cách quản lý lỏng lẻo của các cơ quan quản lý có liên quan đối với việc cấp và quản lý mã số vùng trồng đang gây ra những tổn hại đáng nói.

Vườn mãn cầu ở Tây Ninh. Ảnh: H.P

Báo cáo cuối năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về thực trạng xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2022 cho thấy những con số tăng trưởng vượt bậc. Riêng trong tháng 12-2022, xuất khẩu nông sản đạt 4 tỉ đô la Mỹ, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm khoảng 53,22 tỉ đô la. Con số này thể hiện mức tăng 9,3% so với năm 2021 và lập mức cao kỷ lục mới. Đáng chú ý, các sản phẩm nông nghiệp sơ cấp đã đóng góp tới 22,59 tỉ đô la trong doanh thu này, tăng trưởng 4,8%. Để có được mức tăng trưởng này, việc cấp cũng như quản lý mã số vùng trồng nắm giữ một vai trò rất quan trọng bởi mã số vùng trồng là chìa khóa cho xuất khẩu hay nói cho đúng hơn là hộ chiếu vàng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Căn cước của mỗi vùng trồng

Mã vùng trồng trọt đóng vai trò là định danh thiết yếu cho các vùng nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát và điều tiết sản xuất, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Các mã này, cùng với việc phân bổ cơ sở đóng gói, tuân thủ các quy tắc và điều kiện tiên quyết cụ thể của quốc gia mà hàng hóa đó sẽ đến. Mặc dù các quy định liên quan đến việc cấp mã vùng trồng có thể khác nhau giữa các thị trường, nhưng về bản chất, mã số này đều được dùng để truy xuất nguồn gốc, giám sát các vùng trồng được chỉ định, cũng như làm cơ sở để quản lý điều kiện trồng phải đáp ứng của vùng đó.

Trong mỗi khu vực trồng trọt được chỉ định, các bên nhận mã số phải ghi lại sự hiện diện của các sinh vật gây hại, các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại được áp dụng, việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu là bắt buộc, đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp như trái cây tươi. Cách trồng trọt theo quy chuẩn như vậy đẩy nhanh quá trình mang hàng hóa nông sản Việt Nam lên kệ hàng thương mại của các thị trường hạn chế và khó tính, như Mỹ hay châu Âu. Vậy bản chất của mã số này là một “căn cước của mỗi vùng trồng”.

Mức quan tâm và cách quản lý còn lỏng lẻo

Mới đây, 710 mã số vùng trồng bị thu hồi và những mã số vùng trồng bị thu hồi chủ yếu thuộc về các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận… phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Trong số 710 mã này, có tới 450 mã thuộc về tỉnh Tiền Giang. Những mã số này bao gồm cả mã vùng trồng và mã cho cơ sở đóng gói trái cây.

Việc kiểm tra để duy trì sự đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của mã số vùng trồng là điều bắt buộc và có thể dẫn tới sự hủy bỏ mã số vùng trồng. Tuy nhiên, sự hủy bỏ hàng loạt lại thường là hệ quả của việc cấp mã số vùng trồng hay cơ sở đóng gói trên cơ sở lỏng lẻo, thiếu sự kiểm tra, cũng như thiếu chỉ tiêu xác định cụ thể. Ở nhiều địa phương, không chỉ Tiền Giang, việc cấp mã số nhiều năm về trước chỉ dựa vào danh sách do địa phương đề nghị, không có hồ sơ cũng như thẩm định cụ thể như hiện nay nên danh sách có bao nhiêu yêu cầu thì được cấp bấy nhiêu mã số. Bởi vậy, kể cả ở thời điểm này, việc thu hồi những mã số vùng trồng hay mã số cơ sở đóng gói không đạt tiêu chuẩn vẫn là một con đường chông gai và lâu dài.

Vấn đề mã số vùng trồng không chỉ dừng ở quản lý cấp địa phương lỏng lẻo, chưa thực sự coi trọng việc thẩm định và giám sát theo quy chuẩn nghiêm ngặt, hay thậm chí là cấp cho cơ sở chưa đủ điều kiện, mã số vùng trồng còn bị làm giả. Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – cho hay tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu vẫn còn và vẫn đang làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra là nếu đã không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, làm thế nào vùng trồng có thể lấy mã số, và tại sao khi đã có mã số, vùng trồng lại trượt khỏi mức quy chuẩn kỹ thuật để thậm chí bị thu hồi?

Ngoài ra, nhiều vùng trồng ở Việt Nam có thế mạnh về một loại hoa quả nhất định nhưng do thiếu các chuyên gia hướng dẫn cũng như cơ quan chuyên môn giúp đỡ một cách thực tế tại nơi trồng trọt và sản xuất, các nông dân hay nhà ươm trồng không thể tạo ra loại quả hợp chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu dẫn tới người dân mất đi cơ hội xuất khẩu.

Ví dụ như sầu riêng, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN&PTNT đã ký nghị định thư yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các yêu cầu trong nghị định thư, không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật được phía Trung Quốc quan tâm.

Đối với điều khoản đăng ký, theo nghị định thư, tất cả các vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói sầu riêng sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được Bộ này và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư này, thì có thể truy xuất nguồn gốc được chính xác.

Trước khi lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ NN&PTNT phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, đến thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc chưa công nhận bất kỳ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nào cho sầu riêng của Việt Nam.

Một ví dụ khác là năm 2018, cơ quan kiểm dịch thực vật Malaysia phát hiện 67 lô hàng ớt của Việt Nam có dư lượng của một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép của Malaysia và ngay lập tức có lệnh ngừng nhập khẩu.

Sau nhiều lần đàm phán và giải thích, đến tháng 4-2021, Malaysia dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nhưng kèm theo một điều kiện gồm một loạt quy định rất chặt chẽ và chỉ chấp nhận ớt xuất khẩu từ vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được đăng ký tại Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam và phải được kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu.

Việc sản phẩm nông sản từ vùng trồng không đáp ứng được tiêu chí chất lượng và kỹ thuật nhưng vẫn được xuất đi và chỉ được phát hiện bởi cơ quan kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu cho thấy sự quan tâm không đầy đủ, giám sát không tới nơi của hệ thống cấp phép và kiểm soát mã số vùng trồng. Với mỗi một sai lầm như vậy, cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong tương lai có thể bị thu hẹp lại do tiếng xấu khó gột.

Hệ thống hóa mã số vùng trồng và tăng cường giám sát kiểm tra

Đón cơn gió “Chuyển đổi số nông nghiệp”, việc hệ thống hóa mã số vùng trồng và thực sự đưa nó vào thực tiễn sử dụng là cần thiết. Việc tạo ra hệ thống nhưng không giáo dục các công ty, hộ kinh doanh, hay cá thể thực hiện sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản là không có ý nghĩa thực tiễn.

Ông Hà Tấn Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Bang Bình – doanh nghiệp trồng thanh long có quy mô khoảng 900 héc ta, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 200 héc ta – cho hay: “Bước đầu đăng ký mã số cũng có khá nhiều thông tin, nên cũng mất khá nhiều thời gian, nhưng việc cung cấp càng nhiều thông tin trên cơ sở dữ liệu thì sẽ càng có lợi cho doanh nghiệp sau này. Khách hàng hiện nay cũng chú trọng vấn đề về chất lượng, truy xuất nguồn gốc để yên tâm mua hàng. Khi doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng thì khách hàng sẽ truy xuất nguồn gốc, khi đó sẽ yên tâm mua sản phẩm. Và khi khách hàng mua càng nhiều thì doanh nghiệp sẽ càng tăng doanh số”.

Hệ thống hóa mã số vùng trồng còn giúp các cơ quan địa phương hiểu về tình hình mã số vùng trồng của địa phương mình cũng như dễ quản lý, giám sát và kiểm tra hơn. Ở những tỉnh với số lượng vùng trồng lớn, hệ thống sẽ quy hoạch hóa các mã vùng trồng để địa phương hiểu được thế mạnh cũng như sản phẩm nông sản nào có tiềm năng nhưng còn trở ngại trong xin mã vùng trồng. Từ đó, cơ quan phụ trách địa phương có thể hỗ trợ hoặc xin hỗ trợ chuyên môn để giúp vùng trồng đáp ứng chỉ tiêu và kỹ thuật nhằm xin được mã số.

Việc khuyến khích và đào tạo doanh nghiệp cùng tham gia và đẩy thông tin lên hệ thống giúp cho việc quản lý chặt chẽ, tránh việc giả mạo mã số vùng trồng hay giả mạo danh tính công ty để xuất khẩu hàng.

Cần có sự phân công cụ thể và công bố rộng rãi cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số ở mỗi địa phương; chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra đề nghị cấp mã số hoặc giám sát các đơn vị đã được cấp mã số và báo cáo về cấp trung ương để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Việc sử dụng hệ thống mã số vùng trồng còn giúp cấp trung ương nắm bắt tình hình mã số vùng trồng và quản lý một cách thống nhất từ trung ương tới địa phương, theo đó, mỗi năm, dựa trên báo cáo số liệu của hệ thống, Bộ NN&PTNT có thể ra những chính sách thúc đẩy hay trợ cấp loại hàng hóa xuất khẩu nào hoặc tổ chức chương trình đào tạo quản lý cho vùng trồng nào. Cũng dựa trên thông tin thu được từ hệ thống số này, các tỉnh, thành phố sẽ xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế – xã hội.

Việc tăng cường giám sát kiểm tra vùng trồng có mã số và hàng hóa của vùng là rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội xuất khẩu nông sản của nước nhà.

(*) Văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, Manhattan, New York, Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới