Thứ bảy, 3/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Mạn phép” nói về sự thật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Mạn phép” nói về sự thật

Hồng Phúc

Trong cuốn sách mới xuất bản “Những yếu tố của báo chí” (Huỳnh Hoa và Sơn Tùng dịch từ nguyên tác The elements of journalism  của hai tác giả người Mỹ Bill Kovach và Tom Rosenstiel) cho rằng “sự thật là nguyên lý đầu tiên và gây lẫn lộn nhiều nhất trong báo chí”.

Tác giả dẫn một ví dụ có thật, kể lại việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara năm 1963 đáp máy bay đến Sài Gòn theo lệnh Tổng thống Lyndon Johnson vì Johnson muốn biết chuyện gì đang xảy ra tại quốc gia nhỏ bé cách nước Mỹ 10 ngàn dặm. Sau khi đến Việt Nam, McNamara đã tổ chức họp báo tại phi trường Tân Sơn Nhất và tại căn cứ không quan Andrew. Ông đều nói tình hình đáng khích lệ với nhiều tiến bộ.

Tám năm sau, New York Times và Washington Post đăng tài liệu mật ghi lại những gì các nhà lãnh đạo thực sự biết và nghĩ về cuộc chiến, trong đó có những gì McNamara thực sự báo với tổng thống, rằng tình hình vô cùng tồi tệ, đi ngược lại tất cả những gì chính ông nói trong hai cuộc họp báo. Sự thật được biết đến năm 1971 chứ không phải 1963.

Câu chuyện liên quan đến những lớp vỏ của sự thật, tác giả nhận xét, báo chí tường thuật lại chính xác những gì ông nói nhưng báo chí không thể biết sự thật về những gì ông ta biết.

Các lý thuyết về báo chí từ xưa tới nay luôn khẳng định rằng sứ mệnh đặt sự thật lên vai báo chí và đó là lý do nó được sinh ra. Cuộc đời làm báo được coi là hành trình đi tìm, “rượt đuổi” và nói lên sự thật.

Thị trường truyền thông thế giới đã có nhiều bài học về thái độ với sự thật. Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey (Mỹ) có lần đã phải lên truyền hình xin lỗi khán giả “Tôi đã từ bỏ quan điểm cho rằng sự thật không phải là một vấn đề quan trọng. Và tôi thành thật xin lỗi” bởi trước đó bà đã đồng ý với tác giả một cuốn sách (được giới thiệu trong chương trình của bà) rằng có thể nói dối vì mục đích tốt.

Một câu chuyện gây sự chú ý năm 2011 về nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ, Ron Haeberle, người mà nhờ những bức ảnh của ông, cuộc thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi) tưởng như đã bị chôn vùi được đưa ra ánh sáng. 70 tuổi, nhưng ông đã nhiều lần đi về giữa Mỹ và Việt Nam chỉ để đấu tranh rằng cần sửa lại chú thích sai về bức ảnh của ông trưng bày tại khu chứng tích Sơn Mỹ rằng “Trương Bốn, Trương Năm, sau khi bức ảnh được chụp, hai đứa bé đã bị bắn chết”. Ông Haeberle mất nhiều ngày và công sức, khiếu nại lên nhiều cấp để chứng minh rằng bức ảnh đã viết sai sự thật lịch sử vì nhân vật trong đó không phải là Trương Bốn, Trương Năm và người được chụp vẫn còn sống. "Bằng mọi giá tôi đi tìm sự thật nhân vật trong bức ảnh này là ai, họ còn sống hay đã chết. Khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn”, ông nói trong phóng sự của Phùng Nguyên (báo Tiền Phong).

Có bao nhiêu sản phẩm báo chí, bài báo đang nói được sự thật một cách ngay thẳng, chính trực? chỉ độc giả mới có thể trả lời. Nếu dạo qua một vòng các mạng xã hội, các ý kiến thất vọng về báo chí không phải là ít. Đáng tiếc là thời nay người ta nói với nhau rằng bây giờ đọc báo không phải chỉ để biết những thông tin báo đăng mà để đọc những gì nhà báo không đưa lên mặt báo. Tệ hơn, người ta đang sống giữa cái giả mà ngờ là thật, sống giữa cái thật mà ngờ là giả? Đó là thái độ e dè, nghi ngờ và sa sút niềm tin từ người đọc mà báo chí dường như chưa khi nào đối mặt rõ ràng như vậy.

Cũng trong cuốn sách trên, tác giả trích dẫn các khảo sát, nghiên cứu và thảo luận cho rằng, ngày nay công dân ngày càng bị bao vây bởi các sự kiện tràn ngập, nhưng sự phân biệt báo chí với các loại hình truyền thông và các nguồn thông tin khác ở chỗ báo chí theo đuổi sự thật mà không hề mưu cầu lợi ích. Công dân cần nhiều thêm những nguồn cung cấp thông tin rõ ràng, những ‘sự thật được xác minh’ bởi biên giới của những điều không thật đã lan rộng khắp nơi. Nhà báo cần làm rõ việc trước hết họ cần trung thành với ai, họ cần giúp độc giả trả lời câu hỏi truyền kiếp Tôi có thể tin gì ở đây?

Gần đây còn có hiện tượng ký kết các thỏa thuận "hợp tác truyền thông" giữa các báo với các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn và một số cơ quan thuộc chính phủ. Song điều được nhiều người thắc mắc là tại sao cơ quan thực thi quyền lực lại ký kết các hợp đồng hợp tác truyền thông với các cơ quan mà nhiệm vụ của họ sinh ra là để truyền thông và giám sát quyền lực? Các quy định công bố thông tin của các cơ quan nhà nước đã rõ. Nay có thêm các “hợp đồng con” này, liệu công chúng có được biết thêm những thông tin họ vẫn thắc mắc về tính chân thực của những chỉ số, thông tin, sự việc diễn ra liên quan đến các cơ quan thực thi quyền lực và là công bộc của người dân? Sự bất đối xứng thông tin giữa cái cơ quan nhà nước nói và thị trường cần liệu sau các hợp tác này có được cải thiện? Liệu các thỏa thuận hợp tác truyền thông sẽ đưa các tờ báo và độc giả đi tới gần với sự thật hơn hay việc tạo ra các phe cánh có điều kiện như vậy lại càng gây thêm sự bất đối xứng thông tin và ngăn cách công chúng với sự thật?

Với những chiếc ghế nóng, hàng ngày đụng chạm đến nhiều vấn đề nước sôi lửa bỏng của quốc gia và lợi ích của nhiều người, đương nhiên sức ép về dư luận xã hội rất lớn. Những đòi hỏi của công chúng về các thông tin chính xác, minh bạch là điều không dễ chịu nhưng không thể né tránh. Vì vậy, với các nhà lãnh đạo, việc học cách đối diện, tôn trọng sự thật cũng là tôn trọng công chúng và chính mình thực sự rất khó khăn và cần bản lĩnh.

Anh hùng phải là người đủ can đảm để tránh xa sự lừa dối, thậm chí với chính bản thân mình. Và cơ quan báo chí chừng nào còn tồn tại thì còn phải bảo vệ sự thật bởi chính sự thật cũng sẽ bảo vệ các nhà báo chứ không phải các “hợp tác truyền thông” có điều kiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới