Chủ Nhật, 15/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mảng bán lẻ tạp hóa trở thành điểm sáng của BP và Shell trong đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mảng bán lẻ tạp hóa trở thành điểm sáng của BP và Shell trong đại dịch

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Bán lẻ tạp hóa và cà phê, bánh nướng... đang đóng góp tỷ trọng lợi nhuận lớn hơn trong kết quả kinh doanh của hai tập đoàn dầu khí BP (Anh) và Shell (Anh - Hà Lan), giúp bù đắp đáng kể mức suy giảm của doanh số ở mảng dầu mỏ của họ trong đại dịch Covid-19.

Mảng bán lẻ tạp hóa trở thành điểm sáng của BP và Shell trong đại dịch
Một cây xăng của Shell ở Anh. Bên trong trạm xăng này còn có cửa hàng tiện lợi Shell Select. Ảnh: Daily Post

Bán lẻ hàng hóa tiện lợi lời hơn bán xăng

Các chuỗi cây xăng nổi lên như là một trong những bộ phận kinh doanh có lãi nhất của BP và Shell trong đại dịch Covid-19 khi họ mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ tạp hóa ở các chuỗi này để tận dụng nhu cầu thực phẩm và đồ uống tăng mạnh. Điều này khuyến khích hai ‘ông lớn’ dầu khí này thúc đẩy kế hoạch mở mảng kinh doanh bán lẻ mà họ đặt cược rằng có thể đủ sức bù đắp cho xu hướng suy giảm doanh thu dầu khí trong dài hạn.

Shell đang quản lý mạng lưới 45.000 cây xăng trên toàn cầu và dự định mở thêm 10.000 cây xăng nữa trong năm năm tới.

Lúc đó, chuỗi trạm xăng của Shell sẽ lớn hơn cả chuỗi cửa hàng Starbucks hay McDonald’s. BP, hiện tại có 19.000 cây xăng, cũng có kế hoạch khai trương thêm 6.700 cây xăng nữa ở các thị trường tăng trưởng trong 10 năm tới.

“Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể bù đắp tác động của đà suy giảm nhu cầu nhiên liệu ở các thị trường phát triển nhờ tăng trưởng ở mảng hàng hóa tiện lợi”, Emma Delaney, Giám đốc bộ phận sản phẩm và khách hàng của BP, nói với các nhà đầu tư tại một cuộc thảo luận chiến lược kinh doanh vào năm ngoái.

Giới tư vấn và kinh doanh cho rằng bán cà phê, thực phẩm và các mặt hàng gia dụng khác ở các cây xăng là mảng kinh doanh hấp dẫn vì biên lợi nhuận của chúng thường cao hơn so với mảng dầu mỏ và lợi nhuận cũng ổn định hơn vì giá cả của chúng không biến động mạnh như giá dầu.

BP và Shell cho biết tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) ở mảng bán lẻ của họ, bao gồm các cây xăng cũng như dầu nhờn và các nhiên liệu cao cấp là trên 20% mỗi năm, cao hơn tỷ suất ROI 15% ở các dự án dầu mỏ và tỷ suất ROI 10% ở các dự án năng lượng tái tạo.

Dữ liệu của Hiệp hội cửa hàng tiện lợi quốc gia Mỹ cho thấy trong năm 2019, biên lợi nhuận của đồ ăn nóng tại các cây xăng ở Mỹ đạt khoảng 54% và con số này ở mặt hàng bánh kẹo và tạp hóa lần lượt là 50% và 40%. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của một gallon (3,78 lít) xăng ở Mỹ vào năm 2019 chỉ là 9%, theo dữ liệu của IHS Market.

Mảng bán lẻ của Shell đạt lợi nhuận kỷ lục 1,6 tỉ đô la Mỹ trong quí 3-2020, đóng góp hơn 50% tổng lợi nhuận của tập đoàn này trong cùng quí. Những năm trước đây, mức đóng góp này chỉ dao động từ 20-30%.

Mảng bán lẻ của BP cũng nắm bắt tốt các cơ hội trong đại dịch, giúp doanh thu quí 3 của BP tăng lên mức cao nhất trong gần hai năm. Doanh số tăng mạnh ở mảng bán lẻ đã bù đắp cho mức suy giảm 15% ở doanh số ở mảng dầu mỏ của BP.

Mở thêm nhiều dịch vụ ở cây xăng

Huibert Vigeveno, Giám đốc mảng hạ nguồn (phân phối và bán lẻ) của Shell, cho hay các cây xăng có thể điều chỉnh để thích ứng với nhu cầu nhiên liệu suy yếu và tận dụng thói quen mua sắm đang thay đổi của người tiêu dùng bằng cách bán nhiều hàng tạp hóa và bánh nướng hơn. Trong chín tháng đầu năm 2020, khách hàng mua sắm ở các cây xăng của Shell với mức chi phí trung bình cao hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vigeveno cho biết Shell bán được 450 triệu gói snack, 350 triệu chai bia lạnh và 250 triệu tách cà phê mỗi năm và đang tăng tốc triển khai các dịch vụ mới tại cây xăng bao gồm làm điểm nhận hàng đặt mua trực tuyến và giao hàng đến tận nhà khách hàng. Chẳng hạn tại Anh, khách hàng có thể đặt mua snack và đồ uống từ các cây xăng của Shell thông qua các ứng dụng giao đồ ăn như Uber Eats và Deliveroo.

Sabine Benoit, giáo sư tiếp thị ở Đại học Surrey (Anh) nhận định khi mở các cây xăng mới, hai ‘ông lớn’ dầu khí này chú trọng đến lợi nhuận ở mảng bán hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm, thay vì nhiên liệu.

Bà cho rằng bằng cách cung cấp thêm các dịch vụ ở các cây xăng, BP và Shell muốn thu hút khách hàng ghé đến thường xuyên hơn.
Bà nói: “Nhiêu liệu đóng góp phần lớn doanh thu ở các cây xăng nhưng lợi nhuận chủ yếu đến từ các cửa hàng tiện lợi tại đây”.

“Trước đại dịch Covid-19, chúng tôi cũng giao hàng từ các địa điểm bán lẻ của chúng tôi nhưng chỉ có khoảng 200 cây xăng cung cấp dịch vụ này. Giờ đây, con số này đã lên đến hàng ngàn và vẫn tiếp tục tăng” Vigeveno nói. BP cũng đang mở thêm dịch vụ giao hàng tận nhà từ các cây xăng để tăng doanh số và đã ký kết thỏa thuận hợp tác với ứng dụng giao hàng đồ ăn Glovo ở Tây Ban Nha và ứng dụng Deliveroo ở Anh.

BP, đang sở hữu chuỗi cây xăng Amoco và chuỗi cửa hàng tiện lợi ampm ở Mỹ, cho biết sẽ đầu tư vào các thương hiệu thực phẩm riêng và tìm kiếm hợp tác trong lĩnh vực bán lẻ để tăng lợi nhuận của các cây xăng, bù đắp cho mức thu nhập được dự báo sẽ suy giảm ở các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch.

Cả BP và Shell đều cho biết sẽ cung cấp nhiều dịch vụ hơn ở chuỗi cây xăng hiện tại của họ ở các thị trường phát triển như Mỹ và Đức. Đồng thời, họ sẽ mở thêm cây xăng mới ở các thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của xe điện đặt ra một bài toán khó cho các cây xăng vì phí sạc pin không mang lại lợi nhuận nhiều như bán xăng. Hơn nữa, xe điện có thể được sạc tại nhà hoặc nơi làm việc. Tập đoàn dầu khí Total của Pháp ước tính tại châu Âu, chỉ có khoảng 5% xe điện sạc pin ở các cây xăng. Dù vậy. Shell và BP vẫn lên kế hoạch trang bị hàng ngàn tụ sạc pin ở chuỗi cây xăng của họ.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới