(KTSG Online) – Chính quyền TPHCM và một số địa phương gần đây đã thể hiện sự quyết liệt thu hồi dự án “treo” hoặc mạnh tay hơn trong việc xử lý các dự án chậm trễ, trong mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế, sự phát triển của đô thị và cuộc sống người dân.
- TPHCM thu hồi dự án khu Mả Lạng của Bitexco sau 16 năm không triển khai
- Hà Nội, TPHCM đề xuất cơ chế gỡ vướng cho dự án bất động sản chậm tiến độ
Tình trạng các dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài là vấn đề nhức nhối kéo dài tại nhiều địa phương. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, bức xúc trong nhân dân mà còn phát sinh những hệ lụy xấu về thu hút vốn đầu tư, trở thành rào cản và điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế của các địa phương.
Quyết liệt xử lý dự án chậm triển khai
Cách đây gần 9 năm, khi trao giấy chứng nhận đầu tư thành lập khu công nghệ hạ tầng Saigon Silicon City trong Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), lãnh đạo thành phố và người đứng đầu Ban quản lý SHTP từng đặt nhiều kỳ vọng dự án sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư chất lượng, công nghệ mới, công nghệ nguồn…
Bởi khi đó chủ đầu tư cam kết sẽ phát triển dự án trở thành một đô thị thông minh, sẵn sàng cơ sở hạ tầng và tiện ích nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Dự án từng được kỳ vọng thu hút đến 1,5 tỉ đô la Mỹ vốn của các nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực Thung lũng Silicon (Mỹ) về đầu tư nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Đến năm 2019, khu đất có diện tích 52 héc ta đất của dự án này chỉ có tòa nhà điều hành cùng công trình phụ trợ chưa hoàn thiện… Cả công trường hiện chỉ là một bãi hoang phế, các cơ sở đã xây dựng đã xuống cấp; trong khi những nhà đầu tư thứ cấp được cấp phép vào Saigon Silicon City thì hủy dự án vì không thể đợi nhà phát triển hạ tầng dự án giao mặt bằng lâu hơn nữa.
Trong khi đó, trong thời gian qua, hàng loạt nhà đầu tư tìm cơ hội sản xuất tại SHTP thì lại không còn nhiều đất “sạch”.
Trước thực trạng trên, Ban quản lý SHTP đã kiến nghị UBND THCM chấp thuận cho nhà đầu tư chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án. Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 tại Khu công nghệ cao (SHTP) vào trung tuần tháng 2-2023, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu các sở ngành liên quan phối hợp với SHTP, đẩy nhanh thủ tục chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất với dự án khu công nghệ hạ tầng Saigon Silicon City ngay trong năm 2023.
Hiện tại, SHTP đang xúc tiến các thủ tục để chấm dứt dự án và thu hồi đất để tạo cơ hội cho nhà đầu tư có tiềm lực đến tham gia.
Trong khi đó, với các dự án bất động sản đô thị, chính quyền thành phố cũng thể hiện sự quyết liệt thu hồi dự án “treo”. Thành phố mới đây đã từ chối để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án khu phức hợp, trung tâm thương mại 6,8 héc ta giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Trần Đình Xu – Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng) sau 16 năm không triển khai.
Trước đó, lãnh đạo thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và UBND quận 1 khẩn trương thực hiện việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh tại cuộc họp ngày 20-2-2023.
Từ năm 2000, TPHCM đã có chủ trương bồi thường, giải tỏa, thu hồi đất khu Mả Lạng nhằm chỉnh trang đô thị và giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai. Năm 2006, dự án được chuyển cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để đầu tư khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn không triển khai được do vướng pháp lý.
Không chỉ dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, trước đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM cũng đề xuất điều chỉnh cục bộ Khu tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), có diện tích hơn 1,2 héc ta. Khu đất này được UBND thành phố chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc với chức năng đất phức hợp, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2007. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, đến nay dự án có chức năng thương mại, dịch vụ như văn phòng, khách sạn cao cấp này vẫn “bất động”.
Còn tại quận Bình Thạnh, bán đảo Bình Quới – Thanh Đa có diện tích gần 430 ha được UBND thành phố phê duyệt phát triển khu đô thị từ năm 1992. Tuy nhiên, sau ba thập kỷ, dự án vẫn “nằm trên giấy”, gây lãng phí lớn tài nguyên đất đai.
UBND thành phố sẽ quyết liệt thu hồi các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị “treo” nhiều năm, dự án không còn khả thi hoặc nhà đầu tư không còn năng lực tiếp tục thực hiện dự án. Đồng thời, UBND thành phố giao các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư trên cơ sở bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
TPHCM những năm qua phải “chắt chiu” từng diện tích đất cho sản xuất công nghiệp, trong khi đất trong đô thị thì ngày càng khan hiếm cho các nhà đầu tư mới có nguồn lực tài chính và kinh nghiệm phát triển dự án… Do đó, việc chính quyền thành phố “mạnh tay” thu hồi những dự án “treo” hoặc chậm triển khai như nói trên được giới phân tích cho là phù hợp để không lãng phí nguồn lực xã hội nhằm phát triển kinh tế và bức xúc trong dân.
Giải phóng nguồn lực về đất đai và tài chính
Không riêng TPHCM mà tình trạng dự án “treo”, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài,… là thực trạng nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay. Thực tế này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, bức xúc trong nhân dân mà còn phát sinh những hệ lụy xấu về công tác thu hút đầu tư, trở thành rào cản, điểm nghẽn cho phát triển kinh tế của các địa phương.
Thời gian qua, chính quyền các địa cũng thể hiện sự quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong việc xử lý những dự án chậm triển khai hoặc các chủ đầu tư thiếu năng lực, dây dưa kéo dài thời gian thực hiện.
Là một trong những địa phương có đến khoảng 700 dự án, tổng diện tích đất được cấp hơn 5.000 héc ta chậm triển khai, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã và đang vào cuộc quyết liệt, kiên quyết thu hồi các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Thạch Thất vào ngày 4-4 vừa qua về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.
Theo Baochinhphu.vn, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu kiên quyết thu hồi, chấm dứt và hỗ trợ thu hồi các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ỳ, kéo dài và coi đây là việc làm thường xuyên, định kỳ hàng năm. Với các dự án đầy đủ thủ tục thì cho triên khai ngay theo phân kỳ và từng bước.
“Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng cũng quyết liệt thu hồi ngay các dự án chậm triển khai… Dù dự án quan trọng đến đâu cũng không để tổn hại đến lợi ích của người dân”, Baochinhphu.vn dẫn lời Chủ tịch Trần Sỹ Thanh.
Việc số lượng lớn các dự án “ôm” đất nhưng không triển khai dự án dẫn tới tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực của thủ đô.
Hoặc tỉnh Khánh Hòa đang cho rà soát 111 dự án (trong đó trên địa bàn thành phố Nha Trang có 40 dự án) chậm tiến độ hoặc không triển khai để có hướng xử lý. Trong năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa được giao nhiệm vụ chủ trì cùng các sở, ngành liên quan rà soát các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai trong thời gian dài.
Hàng loạt địa phương khác như Lâm Đồng, Bình Dương,… trước đó cũng cho biết sẽ quyết xử lý triệt để các dự án “treo” hoặc chậm triển khai trong thời gian dài gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực xã hội và bức xúc trong dân…
Xử lý triệt để các vấn đề trì trệ
Các chuyên gia cho rằng việc thu hồi đất và chủ trương dự án ở nhiều địa phương vẫn chậm triển khai, còn ì ạch, chưa nghiêm… Điều này dẫn đến không chỉ làm khổ người dân bị quy hoạch treo mà còn làm lãng phí nguồn lực xã hội, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính…
Thực trạng này xảy ra một phần do chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm). Bên cạnh đó, thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng… kéo dài; thị trường thay đổi, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là do buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi.
Trên thực tế tại các địa phương như TPHCM, Hà Nội,… có những dự án “treo” hàng thập kỷ, hoặc chậm triển khai không bị thu hồi bắt nguồn từ những bất cập trong quy định ở thời điểm ban đầu thu hút đầu tư của hơn 30 năm trước chưa được chặt chẽ. Chính sách khi ấy chủ yếu hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, trong khi phần chế tài từ phía cơ quan quản lý khi nhà đầu tư chậm triển khai dự án thì còn nhiều hạn chế.
Sau đó, Luật Đất đai 2003 và 2013 đều quy định nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cũng khẳng định câu chuyện các dự án “treo” hàng thập kỷ không bị thu hồi là vấn nạn đã diễn ra từ nhiều chục năm trước, bắt nguồn từ những bất cập trong hệ thống luật, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Cụ thể, theo quy định thì một dự án đầu tư được gọi là “treo” nếu sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai đã đề ra.
Luật Đất đai 2003 quy định, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn.
Đến luật Đất đai 2013, sửa thành các dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất. Thế nhưng, luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư.
Theo ông Đức, mỗi luật đưa ra một mốc thời gian khác nhau làm khó cho việc xử lý các dự án chậm triển khai. Trong khi đó, còn có thêm quy định về gia hạn, số lần được gia hạn nên nếu tính tổng ra, các dự án có thể được “treo” tới 5 – 6 năm.
Mặc dù vậy, luật sư Đức cho rằng, danh sách các dự án lớn “treo” tại TPHCM hay Hà Nội hiện nay đều đã quá những mốc thời gian cho phép rất nhiều. Hầu hết đều là những dự án quy mô rất lớn, chậm trễ hàng thập kỷ. Do vậy, vấn đề không còn chỉ nằm ở luật mà có trách nhiệm rất lớn từ những người triển khai.
Dù vậy, ông Đức thừa nhận công tác thu hồi cũng không dễ dàng khi mà các dự án đã có chủ đầu tư cắm cọc. Bởi lẽ khi nhà đầu tư bỏ ra một đồng cũng là tài sản hợp pháp của họ. Trong khi một dự án có nhiều lý do dẫn đến vướng mắc, không thể triển khai. Nếu trường hợp không đàm phán được với chủ đầu tư thì kể cả với doanh nghiệp vi phạm, nhà nước cũng không thể thu hồi tài sản hợp pháp của họ. Với trường hợp các dự án đã có công trình xây dựng dang dở thì còn phức tạp hơn.
Do đó, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị cần sửa từ gốc của vấn đề, đó là luật. Đầu tiên, cần thống nhất thời gian dự án được cấp phép, sau bao lâu không triển khai thì bị thu hồi. Sau đó, Quốc hội cần ban hành luật với chế tài cụ thể đối với các dự án “treo” quá hạn.
Đó là nếu dự án chậm lỗi do phía chính quyền thì phải đền bù thỏa đáng thiệt hại của cả người dân và chi phí cơ hội cho chủ đầu tư. Đồng thời, chỉ rõ người chịu trách nhiệm cá nhân là người phê duyệt hay có trách nhiệm dỡ bỏ dự án, không quy trách nhiệm về phía nhà nước một cách chung chung như hiện nay.
Nếu lỗi thuộc về chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, cố tình chây ỳ thì xử phạt thật nặng, đền bù cho người dân, thậm chí yêu cầu khởi tố.
Các ý kiến khác cũng cho rằng nếu có dấu hiệu của việc nhà đầu tư đã có hành vi “giả tạo” khi lập dự án đầu tư để thực hiện mục đích khác hoặc chậm trễ làm dự án, cơ quan nhà nước cần phải thực hiện nghiêm việc thu hồi lại dự án theo luật định để không còn dự án treo.
Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải thường xuyên rà soát bằng thanh tra, kiểm tra để phát hiện những chủ đầu tư vi phạm quy định về sử dụng đất, từ đó đề xuất phương án và cho chủ đầu tư thời gian khắc phục. Nếu sau đó chủ đầu tư vẫn không thay đổi phải cương quyết thu hồi dự án.