(KTSG Online) - Tình trạng các khu công nghiệp ở miền Bắc nhiều lần bị cúp điện đột ngột trong tháng 6 gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp. Sự bức xúc được báo chí đăng tải cho thấy, kết quả từ nỗ lực thu hút đầu tư trong thời gian qua có thể đổ sông đổ biển nếu tình trạng cúp điện như hiện nay còn tiếp diễn.
- Lo thiếu điện, Thủ tướng chỉ đạo khẩn còn EVN đề nghị nhường khí cho sản xuất điện
- Lo thiếu điện nhưng điện tái tạo làm xong lại "đắp chiếu"
Tình trạng cúp điện không chỉ diễn ra theo lịch được báo trước mà còn xảy ra đột ngột do lưới điện quá tải đã xảy ra tại nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng… trong tháng này.
Thật đáng giật mình khi người đại diện của Công ty Canon Việt Nam (khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được báo Lao Động ngày 7-6 trích dẫn: “Trừ một số ít năm có thời tiết mát mẻ, trong 23 năm qua, kể từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 2001, Canon luôn phải đối diện nguy cơ mất điện trong khi sản xuất, đặc biệt vào cao điểm mùa hè tháng 6”.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Peony (khu công nghiệp VSIP Từ Sơn, Bắc Ninh) đã thống kê, từ năm 2019 đến hết năm 2022, những sự cố liên quan đến việc mất điện đã làm họ bị thiệt hại khoảng 1 triệu đô la Mỹ. Riêng năm 2022, tại doanh nghiệp đã xảy ra đến 8 lần nhảy điện, mất điện không được thông báo trước(*).
Nếu mất điện đột ngột khi đang sản xuất, máy móc, linh kiện đắt tiền có thể bị hư hỏng. Kế hoạch sản xuất xáo trộn, hàng ngàn công nhân vẫn phải trả lương khiến doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn. Với các công ty chế biến thực phẩm, ngoài thiệt hại do đình trệ sản xuất như trên họ còn phải gánh thêm chi phí thuê máy phát để chạy kho lạnh bảo quản thành phẩm. Mỗi ngày cúp điện doanh nghiệp tốn thêm hàng chục triệu đồng tiền nhiên liệu và thuê máy phát điện.
Tình trạng cúp điện các khu công nghiệp ở Việt Nam đã "nổi tiếng" đến mức báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 9-6 có bài viết “Power Shortage Hits Vietnam, a Production Hub for Apple and Samsung” phân tích tình trạng thiếu điện có thể ảnh hưởng về lâu dài đến khả năng thu hút các nhà sản xuất nước ngoài. Bài báo này còn đề cập đến khả năng một số đối tác truyền thống như các nhà sản xuất thiết bị cho Apple hay Samsung sẽ phải cân nhắc trong các quyết định đầu tư trong tương lai(**).
Dù bài báo này chỉ nêu ra như một giả thiết, nhưng rõ ràng nếu tình trạng cúp điện các khu công nghiệp không được khắc phục thì về lâu dài, việc mất điện kéo theo mất “đại bàng” là chuyện có thể xảy ra.
Để góp phần giải toả áp lực thiếu điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã vài lần đề xuất cho phép phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà sử dụng tại chỗ, không phát điện lên lưới. Đây là giải pháp cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên cho đến hiện tại, theo báo Thanh Niên, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới để triển khai thực hiện(***).
Trong khi đó, cơ chế khuyến khích cho việc đầu tư phát triển điện mặt trời tự dùng đã hình thành. Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quí 2 năm nay.
Theo dự thảo, nghị định này sẽ tạo ra khung pháp lý thông qua 7 chính sách, trong đó có chính sách rất quan trọng là “tín dụng xanh”. Nếu tận dụng chính sách về “tín dụng xanh”, doanh nghiệp sản xuất có thể tìm nguồn vốn đầu tư điện mặt trời mái nhà để tự dùng, giảm tải được đáng kể cho nguồn điện lưới vào ban ngày. Nếu đầu tư thêm bộ lưu điện thì nguồn điện mặt trời có thể trữ lại để dùng cho cả ban đêm.
Vì vậy, cần sớm có chính sách hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà đi kèm với cơ chế ưu đãi “tín dụng xanh” để doanh nghiệp tham gia tự sản xuất điện. Giải pháp này vừa có lợi cho sản xuất giúp giảm tải nguồn điện truyền thống, vừa phát triển năng lượng tái tạo cho nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải mà Chính phủ đang thúc đẩy. Đây cũng là cách để “đại bàng” không bay mất vì thiếu điện.
---------------------
Mất đại bàng, vẫn còn ít. Mất luôn đại sự, đó là uy tín và năng lực thương hiệu quốc gia.