Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mặt hàng gas, trứng, thịt gia cầm,… ở TPHCM bắt đầu tăng giá bán

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đúng như dự báo trước đó, bước sang tháng 4-2022, một số mặt hàng thiết yếu đã được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý giá cho điều chỉnh tăng giá bán do chi phí sản xuất và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Điều này khiến người tiêu dùng sẽ phải chi thêm tiền mới có thể mua được những hàng hóa này.

Trứng gia cầm trên địa bàn TPHCM được điều chỉnh tăng 6-7% so với trước. Ảnh minh họa: TL

Với giá gas, từ ngày 1-4, giá bán lẻ tăng thêm 14.000 đồng/bình 12kg, do giá gas thế giới bình quân tháng 4-2022 tăng 42,5 đô la Mỹ/tấn so với tháng 3-2022.

Cụ thể chiều 31-3, đại diện Công ty Saigon Petro cho biết giá bán gas SP tăng 1.167 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương 14.000 đồng bình 12kg, áp dụng từ ngày 1-4 này. Theo đó, giá gas SP bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 516.000 đồng/ bình 12kg. Nguyên nhân tăng giá đợt này do giá gas thế giới bình quân tháng tăng 42,5 đô la/tấn so với tháng 3-2022.

Theo các doanh nghiệp, giá gas thế giới tăng đã đẩy giá gas trong nước tăng 1.167 đồng/kg (đã có VAT). Mức tăng này cao hơn so với dự báo trước đó.

Với mức tăng trên, Gas Citi Petro, Vimexco Gas, Gas Pacific cũng giá mới từ ngày 1-4 với mức tăng tương ứng: tăng 7.000 đồng/bình 6kg; tăng 14.000 đồng/bình12 kg; tăng 52.500 đồng/bình 45kg và tăng 58.000 đồng/bình 50kg.

Theo đó, giá bán lẻ gas đến tay người tiêu dùng không vượt quá 297.000 đồng/bình 6kg; 538.500 đồng/bình12 kg; 2,018 triệu đồng/bình 45kg; hơn 2,242 triệu đồng/bình 50kg.

Đây là tháng thứ ba trong năm 2022 giá gas tăng mạnh với tổng mức tăng trong 3 tháng đầu năm là 72.000 đồng/bình 12kg.

Trong khi đó, giá bán lẻ thịt gà, trứng gia cầm trong chương trình bình ổn trên địa bàn TPHCM cũng được điều chỉnh tăng.

Ngày 31-3, Sở Tài chính TPHCM công bố giá bán các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý mão 2023 trên địa bàn thành phố - áp dụng từ ngày 2-4. Theo đó, giá bán thịt gia cầm được điều chỉnh tăng từ 7-14% so với năm 2021.

Cụ thể, sau khi tăng, thịt gà ta ở mức 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg và thịt vịt 68.000 đồng/kg. Trứng gia cầm tăng 6-7% với trứng gà lên 29.500 đồng/chục (giá cũ 28.000 đồng); trứng vịt 35.000 đồng/chục (giá cũ 33.000 đồng).

Đối với rau củ quả và thủy hải sản, giá bán tùy vào thời điểm nhưng đảm bảo phải thấp hơn ít nhất từ 5-10% so với giá bán thị trường.

Một số sản phẩm vẫn được giữ giá bán

Ngược lại, mặt hàng thịt heo vẫn giữ giá bán lẻ như năm 2021 với thịt heo đùi 104.000 đồng/kg, thịt vai 130.000 đồng/kg, thịt cốt lết 125.000 đồng/kg...

Tương tự, nhóm hàng gạo giữ nguyên giá bán so với mức bình ổn năm 2021 với gạo trắng thường 5% tấm là 14.500 đồng/kg (không bao bì) và 15.500 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg), gạo Jasmine 15.500 đồng/kg (không bao bì) và 17.000 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg).

Nhóm đường ăn, muối ăn giữ nguyên giá bán so với mức giá bình ổn năm 2021 với đường RE là 24.500 đồng/kg, đường tinh luyện An Khê là 25.000 đồng/kg và muối ăn i ốt là 4.300 đồng/túi.

Mặt hàng dầu ăn cũng giữ giá như trước đó với dầu ăn thực vật Nakydaco là 40.500 đồng/lít, 81.000 đồng/bình 2 lít và 202.500 đồng/can 5 lít, dầu ăn Cooking là 40.300 đồng/lít.

Tương tự, giá bán hầu hết các mặt hàng thiết yếu khác như sữa, đồ khô, văn phòng phẩm... vẫn giữ nguyên như năm 2021.

Theo Sở Tài chính, sự điều chỉnh trên dựa vào kiến nghị của doanh nghiệp, biến động giá đầu vào, và tiêu chí chương trình. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm đảm bảo phải thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5-10%, và tùy từng thời điểm có thể xem xét điều chỉnh giá bán phù hợp, đảm bảo hài hòa quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Số doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn 2022 - 2023 là 34 đơn vị với 10 nhóm hàng, trong đó có 3 nhóm hàng được doanh nghiệp đề nghị tăng giá là dầu ăn (tỉ lệ điều chỉnh 24%), thịt gia cầm (tỉ lệ điều chỉnh 10-27%) và trứng gia cầm (tỉ lệ điều chỉnh 5 - 9%), 1 nhóm hàng lương thực chế biến (bún, phở ăn liền) giảm 2% theo chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; 6 nhóm hàng còn lại giữ nguyên giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới