Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mặt trái của làm từ nhà

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cứ tưởng được làm từ nhà, nhân viên sẽ thoải mái hơn, tự do hơn, chủ động hơn. Nhưng không, các công ty lớn khắp thế giới đang sử dụng ngày càng nhiều công cụ tinh vi để giám sát nhân viên, đo lường mức độ tập trung vào công việc. Vấn đề là các công cụ này không hoàn toàn chính xác, và nhìn qua, rất xâm phạm vào sự riêng tư của mọi người.

Theo tờ Wall Street Journal, trước đại dịch Covid-19, chừng 30% các công ty lớn có sử dụng một hình thức nào đó giám sát nhân viên, từ các phương tiện đơn giản như quẹt thẻ chấm công đến theo dõi các trang web nhân viên truy cập trong giờ làm việc.

Nay tỷ lệ này lên đến 60%, các phương tiện giám sát cũng tinh vi hơn, như biết lúc nào nhân viên rời bàn máy tính đi nơi khác, biết họ dùng phần mềm gì, trong bao lâu, thậm chí biết họ đang gõ nội dung gì, đọc được e-mail công việc…

Theo báo này, có công ty sử dụng các công cụ phân tích video để sau các cuộc họp từ xa “đọc” được biểu cảm nét mặt của nhân viên, các phản ứng của họ để đánh giá ai có đóng góp nhiều nhất và ai lơ là kiểu bất cần đời.

Một trường hợp theo dõi nhân viên cấp quản lý được tờ New York Times miêu tả: Carol Kraemer được tuyển dụng làm phó tổng giám đốc cao cấp, lương đến 200 đô la/giờ. Nhưng kỳ lương đầu tiên của bà lại khá thấp bởi công ty sử dụng phần mềm và chỉ tính giờ công nào máy cho là bà đang làm việc.

Thế nên khi bà tính toán trên giấy, đọc tài liệu, suy nghĩ giải pháp… lại không được tính vào lương. Hơn thế nữa, nhiệm vụ của bà là giám sát hơn một chục người nhưng thời gian bà đi chỉ bảo công việc cho họ cũng không được máy ghi nhận.

Cấp quản lý đã vậy, cấp thấp hơn thì sự theo dõi càng gắt gao hơn như nhân viên kho hàng Amazon bị theo dõi từng giây, tài xế UPS bị theo dõi từng chuyến giao hàng. J.P. Morgan theo dõi cách nhân viên dùng thời gian trong ngày, từ các cú gọi điện thoại đến việc soạn e-mail.

Barclays Bank ở Anh thỉnh thoảng nhắn tin cho nhân viên, kiểu “hôm qua không vào nhóm thảo luận đủ thời gian quy định” – sau đó bị phản đối dữ quá, phải bỏ. Tại UnitedHealth Group, nhân viên bị đo lường tần suất gõ máy tính, gõ ít sẽ bị trừ tiền thưởng…

Một mặt, công ty phải giám sát nhân viên, đánh giá hiệu quả làm việc để khen thưởng hay chấn chỉnh kịp thời. Cũng có nhiều nhân viên coi phim trong giờ làm việc, chơi game trên máy tính văn phòng hay tụ tập tán gẫu với đồng nghiệp. Không giám sát họ sẽ làm nản lòng nhân viên chăm việc.

Mặt khác, sự theo dõi bằng công nghệ ngày càng mang tính can thiệp vào cuộc sống riêng tư của nhân viên, nhất là khi họ làm việc từ xa, sống chung với gia đình. Bị theo dõi từng giờ từng phút, thậm chí đi vệ sinh cũng ngại ngùng bị máy ghi nhận trong khi công việc cần sự sáng tạo, đa dạng là một cảm giác không dễ chịu chút nào.

Mức độ đo lường của các loại công nghệ theo dõi chỉ dừng ở các biểu hiện năng suất bề ngoài chứ không thể đo được thái độ làm việc vì kết quả sau cùng của một nhân viên giỏi, biết sắp xếp thời gian.

Một nhân viên bán hàng trong siêu thị nói máy đo tốc độ quét hàng tính tiền làm chuẩn mực đánh giá hiệu quả của nhân viên là không chính xác. Bởi nếu gặp khách hàng lớn tuổi, họ bỏ thời gian ra giúp khách thay vì hối thúc là tốt hơn cho uy tín của siêu thị.

Các chuyên gia được tờ Wall Street Journal phỏng vấn đều nói giám sát nhân viên liên tục có thể tạo ra tâm lý không tin tưởng nhau và bóp nghẹt năng suất vì không giành không gian cho sự sáng tạo.

Rất dễ phát sinh tranh cãi khi tổ chức cho triển khai các biện pháp theo dõi mà không thông báo rõ cho nhân viên, nhất là khi kết quả theo dõi tạo ra sự bất công và không chính xác. Quan trọng nhất là sự tổn thương đến uy tín công ty nếu chuyện giám sát trở thành đề tài bàn tán ngoài xã hội và bị lên án trên các mạng đông người dùng.

Đáng nói là trên mạng xã hội hiện đã xuất hiện nhiều video bày cho nhân viên văn phòng cách “đánh lừa” phần mềm theo dõi như một phần mềm giả thao tác nhấp chuột để máy móc ghi nhận “đang hoạt động tích cực” trong khi người nhân viên này có thể đang đi uống cà phê với đồng nghiệp. Đúng là chuyện “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mọi thứ thái quá đều không đúng, thậm chí gây hỗn loạn. Vì vậy không nên cổ súy quá mức cho mô hình “Home Working”. Đó chỉ là một phần nhỏ của dây chuyền xử lý công việc, chỉ phù hợp với một số lĩnh vực đặc thù, như IT chẳng hạn. Trong khi đó hoạt động đa dạng tại một tổ chức/ doanh nghiệp lại là một loạt hệ thống tương tác phức tạp, không đơn thuần chỉ trao đổi dữ liệu, mà phải luôn có “khuôn mặt thực” của con người thì mọi chuyện mới hoàn tất. Mọi người hiện đang nói quá nhiều về AI, tự động hóa…Thậm chí sa đà vào việc tán dương công nghệ thần sầu, đến mức vô hiệu hóa vai trò chủ công của loài người. Họ quên mất một điều rằng, con người chỉ cần làm một động tác nhỏ, ví dụ “plug power out”, là mọi thứ đương nhiên phải quay về trật tự cũ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới