Mặt trái của nền kinh tế chia sẻ
Hoàng Việt
![]() |
Mô hình kinh tế chia sẻ đang phá vỡ các gói công việc truyền thống và lâu đời. |
(TBKTSG Online) - Sự thành công kỳ diệu của Uber và Airbnb (dịch vụ đặt phòng), đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào mô hình kinh tế chia sẻ với sự hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng người tiêu dùng song song với những đột phá và đấu tranh gay gắt vào các ngành công nghiệp truyền thống.
Các công ty khởi nghiệp đua nhau tạo nên những uber, những airbnb cho chính mình, ở trên mọi lĩnh vực; tất cả đều cố tạo ra những nền tảng chia sẻ. Mô hình kinh tế nền tảng (platform economy) xuất hiện hàng chục năm trước đó với eBay hay Amazon bắt đầu nghiêng về hướng kinh tế chia sẻ (sharing economy).
Nền tảng chia sẻ đang phá vỡ các gói công việc truyền thống vốn đã hiện hữu lâu đời nơi các công ty, tạo điều kiện cho người lao động và khách hàng – có thể là cá thể, tổ chức hay doanh nghiệp – gặp nhau, chọn nhau, tìm kiếm cơ hội tốt nhất cho mỗi bên. Nhưng khi nó phá vỡ các gói công việc thì cũng đồng thời phá vỡ các quyền lợi liên kết, từ việc chăm sóc sức khỏe đến bảo hiểm, từ khâu đào tạo đến nâng cao tay nghề và cả những động cơ thăng tiến. Và đây chính là thất bại xã hội lớn nhất của mô hình kinh tế này khi chính nó không định hình nên được một lực lượng lao động cho chính mình.
Mô hình kinh tế chia sẻ đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Người lao động trong các công ty theo mô hình nền kinh tế chia sẽ bị thiệt thòi về lâu dài. Họ không có bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình hưu trí và khóa đào tạo nâng cao kỹ năng như các công ty kinh doanh truyền thống.