Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Máy bay, du thuyền sẽ chịu thuế TTĐB

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Máy bay, du thuyền sẽ chịu thuế TTĐB

(TBKTSG Online) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đề xuất mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt tối đa đối với ô tô là 60%, giảm 10% so với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Chính phủ đề xuất. Cũng theo dự thảo này, lần đầu tiên máy bay và du thuyền sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Theo dự thảo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trình bày sáng 26-8 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế suất đối với hầu hết các loại ô tô được điều chỉnh tăng, có loại từ 30% lên 70%. Còn luật hiện hành, thuế suất đối với ô tô chở người được phân biệt theo số chỗ ngồi, 5 chỗ trở xuống là 50%, 6-15 chỗ ngồi là 30% và 16-24 chỗ ngồi là 15%.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế một số loại ô tô như quy định của dự thảo là lớn, có thể gây biến động cho thị trường và tác động đến sản xuất của doanh nghiệp. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có lộ trình, nhằm vừa hạn chế sử dụng ô tô trong điều kiện hạ tầng giao thông của Việt Nam, vừa tránh gây sốc đối với thị trường. Ủy ban đề xuất giảm thuế suất so với dự thảo ít nhất 10% đối với mỗi loại.

Dự thảo luật cũng quy định, máy bay, du thuyền phục vụ tiêu dùng cá nhân sẽ chịu thuế suất 15%, còn nếu sử dụng cho kinh doanh, vận chuyển hàng hóa thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cần có các tiêu chí để xác định loại máy bay, du thuyền phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là trong trường hợp vừa phục vụ nhu cầu cá nhân, vừa để kinh doanh. Mặt khác, cần khẳng định, chỉ máy bay chuyên dùng cho vận chuyển hành khách công cộng mới không phải nộp thuế, còn nếu sử dụng đa mục đích thì vẫn thuộc diện chịu thuế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, ô tô dưới 10 chỗ ngồi chịu thuế suất 50-70% là khá cao, còn máy bay, du thuyền chịu 15% là không hợp lý, vì thế, thuế suất với các mặt hàng cao cấp này cần được điều chỉnh lên 30%.

Mô tô có dung tích xylanh trên 175cc cũng được đưa vào diện chịu thuế. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng tình vì việc này sẽ phần nào khắc phục trình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường hiện nay, đồng thời điều tiết tiêu dùng và nâng ý thức tiết kiệm của người dân trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao.

Thuế suất đối với rượu bia do Bộ Tài chính đề xuất tăng cũng thu hút nhiều sự chú ý. Dự thảo đề xuất tăng thuế suất bia hơi, bia tươi từ 40 lên 50%, và giảm thuế suất bia chai từ 75% xuống 50%. Việc điều chỉnh thuế suất này góp phần thực hiện cam kết khi gia nhập WTO là áp dụng mức thuế suất thống nhất cho bia các loại.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, tăng thuế suất bia hơi sẽ giúp ngân sách tăng thu 200 tỉ đồng, trong khi giảm thuế suất bia chai sẽ giảm thu ngân sách khoảng 1.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo các thành viên của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, tăng thuế suất đối với bia hơi, bia tươi sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đến người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện thu nhập của người dân còn thấp. Vì thế, Ủy ban đề nghị có thuế suất hợp lý, để bảo đảm thực hiện cam kết quốc tế, mà không ảnh hưởng đến sản xuất và lợi ích người của tiêu dùng.

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bỏ máy điều hòa nhiệt độ ra khỏi diện chịu thuế với lý do ngày nay, máy điều hòa đã trở thành mặt hàng tiêu dùng bình dân, chứ không còn là đặc biệt như những năm trước nữa.

Theo dự kiến, dự luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được trình và thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm.

 BẢO CHÂU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới