Mây đen bao trùm hội nghị Davos
![]() |
Hội trường chính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Theo cuộc thăm dò các giám đốc doanh nghiệp, mất ít nhất ba năm kinh tế thế giới mới hồi phục - Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) - Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên (World Economic Forum) - khai mạc ngày 28-1 tại Davos, Thụy Sĩ - đang thảo luận sôi nổi về giải pháp cho hai vấn đề đe dọa nền kinh tế toàn cầu là suy thoái kinh tế lan rộng và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ.
Hội nghị tại Davos sẽ kéo dài trong 5 ngày, với số đại biểu tham dự đạt con số kỷ lục kể từ khi sự kiện này được tổ chức lần đầu năm 1971, bao gồm lãnh đạo cấp cao của 43 nước và vùng lãnh thổ, hơn 2.500 đại diện doanh nghiệp và nhiều tổ chức kinh tế-xã hội khác.
Tập trung vào các chủ đề nóng bỏng
Nhìn chung, các chủ đề được thảo luận đều xoay quanh việc tìm ra các giải pháp giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua khủng hoảng.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phát biểu mở đầu hội nghị với chủ đề "Định hình cho thế giới hậu khủng hoảng”.
Vấn đề quan tâm hàng đầu của hội nghị là viễn cảnh nền kinh tế toàn cầu. Nhiều đại biểu cùng chung nhận định kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục khó khăn trong năm 2009 hay chỉ phục hồi yếu ớt vào cuối năm. Một cuộc thăm dò các giám đốc doanh nghiệp tham dự hội nghị cho thấy phải mất tới ba năm kinh tế thế giới mới có thể hồi phục.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vào ngày thứ Tư (28-1), đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2009, tỷ lệ thấp nhất trong 60 năm qua. Các nền kinh tế phát triển như Nhật, Mỹ và Anh đều rơi vào suy thoái. Trước đó, hồi tháng 10-2008, IMF từng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2009.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển - từng được hy vọng vẫn duy trì được động lực phát triển và giúp bù đắp sự suy thoái ở các nước phát triển - cũng tăng trưởng chậm lại, chỉ còn 3,25% trong năm 2009 thay vì 6,25% như năm 2008.
Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác đang phải vật lộn với nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chủ chốt suy giảm nghiêm trọng; xuất khẩu sang Đài Loan giảm hơn 42% còn xuất sang Nhật giảm 35%.
Trong một báo cáo khác, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết sẽ mất khoảng 51 triệu việc làm trên toàn thế giới trong năm nay do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Số việc làm bị mất ở Nhật Bản, Tây Ban Nha, Mỹ và Anh gia tăng hàng ngày.
Những đại diện từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đặc biệt lo lắng về nguy cơ trở lại của chủ nghĩa bảo hộ. Họ lo ngại chủ nghĩa bảo hộ dẫn đến việc đóng cửa các thị trường phương Tây và tạo điều kiện cho các sản phẩm trợ cấp giá rẻ của các nước phát triển tấn công các thị trường mới nổi.
Các đại biểu tham dự diễn đàn không chỉ cảnh báo về mối đe dọa đến thương mại tự do mà còn tính đến việc chính phủ phương Tây hướng các ngân hàng được quốc hữu hóa hay tái cấp vốn chỉ đầu tư trong nước. Một vài ngân hàng đã bị xóa sổ bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện đang tiếp diễn, một số khác sống sót nhờ trợ giúp của chính phủ hoặc bị quốc hữu hóa.
Cần nỗ lực toàn cầu
Diễn đàn Davos lần thứ 38 này tập trung thảo luận việc tái cơ cấu quan hệ kinh tế thế giới, thiết lập hệ thống tài chính mới và đề ra các giải pháp vượt qua khủng hoảng. Các đại biểu đều nhất trí rằng chỉ một hành động phối hợp đa phương mới cho phép nền kinh tế toàn cầu vượt qua khủng hoảng.
Các nước đang phát triển, do không có “không gian tài chính” để tự đưa ra các gói kích thích kinh tế nên rất cần các nước giàu giúp đỡ để vực dậy nền kinh tế. Ông Heizo Takenaka thuộc Đại học Keio cảnh báo rằng chi tiêu của một chính phủ thì không đủ sức giải quyết khủng hoảng đang lan rộng toàn cầu và chỉ ra rằng Nhật Bản đã mất gần một thập niên để vượt qua suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ và một khung pháp lý phối hợp toàn cầu là các yếu tố then chốt để đưa nền kinh tế toàn cầu quay về quỹ đạo.
Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận về các chủ đề khác như đói nghèo, năng lượng, biến đổi khí hậu.
MỸ HẠNH (Tổng hợp)