Mây đen trên bầu trời Quảng Đông
![]() |
Đường phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông lúc nào cũng mịt mù khói bụi do ô nhiễm công nghiệp |
(TBKTSG) - 20 năm trước, Quảng Đông là nơi tập trung nhiều nhất các nhà máy sản xuất nhỏ và các hộ sản xuất, xuất khẩu đứng đầu Trung Quốc. Quảng Đông như thanh nam châm thu hút lao động di cư từ các vùng nằm sâu trong nội địa.
Nhưng từ năm 2005, khi tiền lương tăng 14%/năm và đồng nhân dân tệ bắt đầu tăng giá, khuynh hướng này đã bị đảo ngược.
Dong Tao, nhà kinh tế học chuyên về châu Á của Ngân hàng Credit Suisse, cho biết luật lao động, thuế và luật môi trường cứng rắn hơn, giá năng lượng và nguyên vật liệu tăng đã khiến hàng ngàn nhà máy phải rời bỏ vùng châu thổ này. Ông cho biết thêm: “Cách đây 20 năm, Cao Hùng của Đài Loan là cảng chứa hàng lớn thứ 5 trên thế giới, nhưng ngày nay nó chỉ là một thành phố đau khổ với 20% người lao động thất nghiệp. Điều này cũng đang xảy ra tại Quảng Đông”.
Xét theo một số khía cạnh nào đó, sự quá độ của Quảng Đông hiện nay cũng là một phần trong các kế hoạch quan trọng của chính quyền Bắc Kinh. Những năm gần đây, các nhà lãnh đạo quốc gia và cấp tỉnh đã nhấn mạnh đến một mong ước mới. Đó là tạo ra “nguồn đầu tư chất lượng” cho các tỉnh. Họ muốn có tài chính cho các dự án công nghệ cao; và xa hơn nữa là leo lên bậc thang giá trị cao, chứ không chỉ tận dụng nguồn lao động dồi dào.
Các nhà lãnh đạo còn thúc đẩy các dịch vụ như hậu cần, công nghệ thông tin và ngân hàng. Hiện nay, hầu hết các dịch vụ này đều được thực hiện ở khu vực lân cận: Hồng Kông. Mục tiêu của họ là duy trì tỷ lệ tăng trưởng của Quảng Đông ở mức hai con số, tạo ra các công việc được trả lương cao hơn và giảm bớt sự lệ thuộc của tỉnh này vào các ngành sản xuất công nghệ thấp, sử dụng nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm cao.
Chu-Chia Lin, nhà kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Bắc), cho biết để thúc đẩy sự thay đổi, Quảng Đông đã bãi bỏ việc giảm thuế đối với các công ty xuất khẩu và ban hành luật mới về hợp đồng lao động. Điều này nhằm bảo đảm việc làm thêm giờ được chi trả xứng đáng, cũng như đảm bảo việc chi trả cho các nhân viên bị buộc thôi việc bất ngờ hoặc theo quy định.
Tỉnh Quảng Đông đang chiếm một phần tư lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Lao động nhập cư ước tính vào khoảng 17 triệu người, phần lớn là lao động trình độ thấp. Các công ty có chủ đầu tư nước ngoài sử dụng loại lao động này đang chịu sức ép của việc tăng thêm chi phí nên phải ra đi.
Albert Ting, Chủ tịch của tập đoàn Công nghệ CX, công ty có nhiều nhà máy đặt tại Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam, cho biết: “Sạch hơn và xanh hơn thì quá tốt. Nhưng tôi không chắc điều đó (chuyển đổi từ các xí nghiệp thâm dụng lao động sang công nghệ cao hoặc lĩnh vực dịch vụ) sẽ là một sự thay thế theo kiểu một-đổi-một”.
Credit Suisse ước tính, một phần ba các công ty xuất khẩu ở Quảng Đông sẽ có thể đóng cửa trong vòng ba năm tới. Vào ngày 2-6, tạp chí có ảnh hưởng lớn ở Hồng Kông là Business Weekly đã đăng một bài trang nhất tựa đề “Cuộc di cư của các doanh nhân Đài Loan”. Bài báo cho biết có khoảng 10.000 nhà máy, và trong đó có một số nhà máy có lịch sử 20 năm ở vùng này, đã chạy khỏi Quảng Đông để đến Việt Nam, Campuchia, Bangladesh hoặc Indonesia.
Các nhà phân tích cũng ước tính, cứ sáu nhà máy của Hồng Kông ở Quảng Đông thì có một đã đóng cửa và chuyển đến những vùng sâu hơn của Trung Quốc.
Wu Chin-ching, một nhà đầu tư người Đài Loan, người sở hữu 4 nhà máy hóa chất tại Quảng Đông, cho biết tính đến năm 2008, có khoảng 200 công ty đã đóng cửa. Đây là các tấm gương mà ông có thể bị buộc phải làm theo nếu tổn thất cứ tiếp tục leo thang. Nhưng ông nói: “Tôi sẽ nghiến răng và cố chịu đựng trước tình hình này”.
Một số nhà máy lớn hơn thì đang duy trì hoạt động hiện tại ở Quảng Đông. Nhưng họ cũng mở rộng hoạt động sang các quốc gia khác. Một số người xem việc di dời nhà máy như cơ hội chứ không phải mất mát.
Harley Seyedin, Chủ tịch Phòng Thương mại ở miền Nam Trung Quốc, cho rằng việc các công ty công nghệ thấp di chuyển đến các vùng sâu hơn của Trung Quốc sẽ “giải phóng đất đai và tài nguyên cho một lớp doanh nghiệp mới của các ngành công nghiệp sạch hơn, hiệu quả hơn và giá trị gia tăng cao hơn”.
Tuy nhiên, phần đóng góp của Quảng Đông trong tổng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang sụt giảm nhanh chóng ở một số lĩnh vực. Hàng dệt may xuất khẩu của Quảng Đông đã giảm 11,3% trong ba tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007. Nhưng điều này vẫn chưa thể biến Quảng Đông thành một Cao Hùng mới.
NGỌC TRUNG (Theo Newsweek)