Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Máy tính bảng iPad lần đầu được lắp ráp tại Việt Nam

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau tai nghe AirPods, máy tính bảng iPad sẽ là dòng sản phẩm thứ 2 được hãng công nghệ Apple gia công lắp ráp tại Việt Nam, theo hãng tin Nikkei Asia.

Theo hãng tin Nikkei Asia, máy tính bảng iPad sẽ là dòng sản phẩm thứ 2 được hãng công nghệ Apple lắp ráp tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Sforum

Theo hãng tin Nikkei Asia vừa thông tin, lần đầu tiên Apple chuyển một số hoạt động sản xuất máy tính bảng iPad ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam sau khi các đợt giãn cách vì Covid-19 nghiêm ngặt của nước này gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong nhiều tháng.

Trước đó vào đầu năm ngoái, Nikkei cho biết Apple đã cân nhắc việc mở rộng các cơ sở sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc, với điểm đến dự kiến là Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp sau đó đã khiến kế hoạch này phải hoãn lại.

BYD, một trong những nhà lắp ráp iPad tại Trung Quốc, đã giúp Apple xây dưng dây chuyền sản xuất ở Việt Nam. Theo Nikkei, dây chuyền có thể sẽ sớm lắp ráp một số lượng nhỏ iPad trong thời gian gần. Nikkei cho biết iPad sẽ trở thành dòng sản phẩm thứ 2 được Apple gia công lắp ráp tại Việt Nam, sau tai nghe AirPods.

“Động thái này không chỉ cho thấy nỗ lực không ngừng của Apple trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam đối với công ty”, Nikkei nhận định và cho biết Apple đã xuất xưởng 58 triệu chiếc iPad trong năm ngoái, với phần lớn các nhà cung cấp thiết bị này tập trung ở Trung Quốc.

Để bảo vệ hơn nữa trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng, Apple cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng cường nguồn cung cấp bổ sung các thành phần như bảng mạch in và các bộ phận cơ khí và điện tử, đặc biệt là những sản phẩm được sản xuất tại và xung quanh Thượng Hải, nơi các hạn chế liên quan đến Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu hụt và chậm trễ hậu cần.

Ngoài ra, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp nhanh chóng di chuyển để đảm bảo nguồn cung cấp một số chip, đặc biệt là những chip liên quan đến nguồn điện, cho iPhone sắp tới.

Cụ thể, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tích lũy linh kiện, với mục tiêu đảm bảo không bị thiếu hụt trong vài tháng tới. Các yêu cầu này áp dụng cho toàn bộ các sản phẩm của hãng, bao gồm iPhone, iPad, AirPods và MacBook, theo Nikkei.

Hãng công nghệ này hy vọng các nhà cung cấp có thể chuẩn bị đủ các thành phần bổ sung để bù đắp được số lượng sản xuất ở Thượng Hải và các tỉnh lân cận như Giang Tô, nơi có nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng cao hơn, theo các nguồn tin.

Nikkei cho biết hãng công nghệ của Mỹ này thậm chí đã giúp một số nhà cung cấp gánh thêm chi phí hậu cần cho vận tải hàng không và đường bộ để đảm bảo các nguyên vật liệu quan trọng cho quá trình sản xuất đến đúng thời hạn.

Trước đó ngày 22-5, Wall Street Journal đưa tin Apple đang tìm cách thúc đẩy sản xuất các sản phẩm của hãng ở bên ngoài Trung Quốc do chính sách kiểm soát Covid-19 chặt chẽ của Bắc Kinh. Ấn Độ, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á là các nước được Apple cân nhắc dịch chuyển sản xuất.

Hiện có hơn 90% sản phẩm của Apple như iPhone, iPad và máy tính MacBook được sản xuất tại Trung Quốc, do các nhà thầu phụ thực hiện.

Tại Việt Nam, Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp nào nhưng có đến 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Được biết, các đối tác của Apple ở Việt Nam gồm Foxconn, Pegatron, Luxshare,… đã đầu tư lớn vào Việt Nam để sản xuất trong thời gian qua, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh khu vực phía Bắc.

3 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì mới và đáng mừng. Nếu chỉ chuyển giao quy trình gia công lắp ráp thôi thì chiến lược FDI của ta vẫn mãi như cũ. Nghĩa là For Dwarf Interest (Lợi ích nhỏ nhoi). Làm sao thoát ra được bẫy thu nhập trung bình ?

    • cái đó phụ thuộc vào người đi làm thuê ở các công ty FDI đó có chịu khó làm việc và học hỏi hay không. Nếu chịu khó học thì sẽ nâng cao được trình độ, hiểu cách quản lý vận hành một dây chuyền sản xuất ntn, cách làm việc với con người, cách lãnh đạo, tổ chức,… Kể cả kỹ thuật, công nghệ dù là loại công nghệ đã cũ thì cũng vẫn là cơ hội tốt để học hỏi và tiến bộ. Đến chừng học hỏi làm được nhuần nhuyễn thì mới đón được các cơ hội khác cao hơn, công nghệ tiên tiến hơn, thậm chí là mở ra các công ty Việt Nam có công nghệ tương đương. Còn nếu cả việc gia công mà cũng không muốn làm, cho rằng là thấp, thì cứ mãi khua môi múa mép tinh tướng bố đời tiếp đi, chứ không bao giờ phát triển được.

  2. Bài học FDI đã gần 40 năm rồi chứ chẳng phải chơi (là khoảng thời gian đủ để Korea/ Japan/ Sing… cất cánh mạnh mẽ). Nhưng ta vẫn chưa thuộc bài. Từ xe máy, ô tô, ti vi, tủ lạnh, điện thoại… cho đến những sản phẩm tiêu dùng khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới