(KTSG) - Thuật ngữ metaverse (vũ trụ ảo) được tác giả Neal Stephensen đề cập trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash từ năm 1992. Nó mô tả một thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau qua các hình ảnh đại diện kỹ thuật số. Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch, cùng với các biện pháp phong tỏa và sự bùng nổ của tiền mật mã, metaverse đã nổi lên thành một xu hướng chính của các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó có ngành tài chính.
Nền kinh tế metaverse
Khái niệm metaverse, dùng để chỉ thế giới ảo, trong đó đất đai, cao ốc, avatar và các thứ khác có thể được mua và bán. Trong môi trường ảo này, mọi người có thể tương tác với nhau, đi đến các tòa nhà, mua hàng hóa và dịch vụ cũng như tham dự các sự kiện.
Theo Newzoo, một công ty nghiên cứu và phân tích trò chơi và thể thao điện tử, hệ sinh thái metaverse là một hệ sinh thái đa dạng rộng lớn và phong phú bao gồm các cổng, nền tảng và cơ sở hạ tầng đa dạng, cũng như nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng với danh tính, vị trí xã hội, trò chơi và các dịch vụ kinh tế.
Sự bùng nổ của metaverse được thúc đẩy bởi ảnh hưởng của đại dịch, theo đó, người dân đã tham gia các hoạt động trực tuyến nhiều hơn, cũng như hướng đến các hoạt động thực tế ảo. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ blockchain và NFT (non-fungible token) cũng đã thúc đẩy xu hướng này.
NFT là một loại token dựa trên blockchain. NFT có thể đại diện cho nhiều thứ, nhưng cho đến nay, ứng dụng này chủ yếu tập trung vào các tập tin số như nghệ thuật, âm thanh, video, các vật phẩm trong trò chơi điện tử và các hình thức sáng tạo khác.
Theo báo cáo của Nonfungible.com, giá trị thị trường của NFT đã tăng gấp ba lần trong năm 2020, đạt hơn 250 triệu đô la Mỹ. Trong quí 1-2021, doanh số của NFT đã tăng lên hơn 2 tỉ đô la, gấp hơn 20 lần so với quí trước. Các công ty lớn trên toàn cầu cũng đã bắt đầu tham gia, đưa ra các sản phẩm NFT của mình như nhãn hiệu thời trang cao cấp của Ý Dolce & Gabbana (D&G) đã ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên gồm váy, suit, áo khoác, mũ có thể đeo bằng avatar số. Trong khi đó, Facebook chuẩn bị cho ra mắt Novi, bằng cách kết hợp các ứng dụng NFT vào ví tiền số, và thể hiện tham vọng biến Facebook thành một “công ty metaverse”.
Trong nền kinh tế metaverse, thế hệ Millennials và Gen Z hiện đang là đối tượng tham gia chủ yếu. Các thế hệ này sẵn sàng chi các khoản tiền lớn cho các loại tiền mật mã, NFT và đất ảo để làm quà tặng trong các kỳ lễ lớn trong năm.
Một câu hỏi đặt ra là liệu CBDC có được chấp nhận trong nền kinh tế metaverse hay không? Hay chính phủ sẽ có các quy định đối với các loại tiền mật mã tư nhân để gia tăng sự cạnh tranh của CBDC trong nền kinh tế metaverse? Tuy nhiên, lịch sử thường cho thấy công nghệ luôn chiến thắng.
Grayscale Investments, công ty quản lý tài sản số lớn nhất thế giới, tin rằng ngành này sẽ được định giá hơn 1.000 tỉ đô la trong vài năm tới. Theo báo cáo(1) mới nhất của công ty, với tốc độ hiện tại, metaverse có tiềm năng cạnh tranh với các tổ chức Web 2.0 trị giá khoảng 15.000 tỉ đô la ngày nay.
Metaverse và tương lai ngành tài chính
Sự phát triển của metaverse cũng đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức tài chính hàng đầu trên toàn cầu như Goldman Sachs, Bank of America và Morgan Stanley. Các tổ chức này coi blockchain - công nghệ thiết yếu để phát triển metaverse và web3 và các thế giới số rất quan trọng để tiền mật mã có một vị trí trong xã hội. Các tổ chức này tin rằng công nghệ blockchain rất quan trọng vì nó cho phép nhận dạng từng đối tượng ảo mà không cần một cơ quan trung ương, điều đó rất quan trọng để theo dõi quyền sở hữu tài sản trong metaverse.
Tiền mật mã sẽ trở thành một phương thức thanh toán trong metaverse mà không có trung gian tài chính. Bên cạnh các khoản thanh toán nhỏ hơn các dịch vụ, các loại tiền mật mã sẽ được sử dụng cho việc thanh toán các tài sản số khác như đất ảo và ô tô, cũng như các hàng hóa xa xỉ khác trong metaverse. Trước sự phát triển các loại tiền mật mã, chính phủ một số quốc gia đã phát triển và thử nghiệm tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC) nhằm cạnh tranh với các loại tiền mật mã phi tập trung này.
Một câu hỏi đặt ra là liệu CBDC có được chấp nhận trong nền kinh tế metaverse hay không? Hay chính phủ sẽ có các quy định đối với các loại tiền mật mã tư nhân để gia tăng sự cạnh tranh của CBDC trong nền kinh tế metaverse? Tuy nhiên, lịch sử thường cho thấy công nghệ luôn chiến thắng. Nói cách khác, mọi người có thể ở trong một bữa tiệc ảo cùng nhau, mua tài sản số, hàng hóa và dịch vụ nhưng việc thanh toán cho các tài sản ảo và dịch vụ sẽ được quyết định bởi cộng đồng metaverse chứ không phải bởi các tổ chức, ngân hàng và công ty thanh toán truyền thống đang muốn trở thành một phần của nền kinh tế này.
Chính sự quan tâm của các triệu phú trẻ đối với tiền mật mã có thể thay đổi ngành quản lý tài sản, khi các ngân hàng cá nhân (private banks), nhà môi giới và các công ty quản lý tài sản sẽ cạnh tranh nhau để phục vụ cho một nhóm khách hàng mới, nhóm khách hàng sở hữu nhiều tiền mật mã.
Tại Hàn Quốc, các ngân hàng, công ty phát hành thẻ tín dụng và công ty bảo hiểm, đang nhảy vào cuộc đua, nhanh chóng sử dụng khái niệm metaverse để thu hút các thế hệ trẻ. Trong một báo cáo vào tháng 8-2021 của Korea Times cho thấy các công ty tài chính và ngân hàng đang tích cực xây dựng môi trường ảo cho khách hàng của họ.
Ví dụ, NH Investment & Securities, một trong những công ty chứng khoán lớn nhất của Hàn Quốc, chuẩn bị đưa ra nền tảng metaverse, sẽ cung cấp một không gian ảo, theo đó có khoảng 2.000 khách hàng có thể đồng thời tương tác và sử dụng các dịch vụ khác nhau, chẳng hạn như hội thảo và trò chơi phân tích đầu tư.
Một số ngân hàng Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị các dịch vụ metaverse, trong đó Ngân hàng Shinhan là một trong những ngân hàng đi đầu. Ngân hàng đang nghiên cứu phát triển nền tảng metaverse của mình (dự kiến sẽ được hoàn thành vào nửa đầu năm 2022), nền tảng này sẽ có chi nhánh ngân hàng ảo và cung cấp giáo dục tài chính, cùng những dịch vụ khác.
Trong nền kinh tế metaverse, thế hệ các nhà đầu tư tiếp theo là các nhà đầu tư trực tuyến - thay vì tập trung vào các khoản đầu tư truyền thống, nhiều nhà đầu tư thế hệ Millennials và Gen Z, từ thanh thiếu niên đến những người ở độ tuổi đầu 20, đang quan tâm đến tiền mật mã và công nghệ liên quan cùng với các loại tài sản số khác. Các khoản đầu tư bao gồm tiền số và blockchain, như bitcoin và ethereum; tiền meme, như dogecoin; NFT; và DeFi, hoặc tài chính phi tập trung.
Một khảo sát công bố vào tháng 6-2021 của CNBC cho thấy gần một nửa số triệu phú thuộc thế hệ thiên niên kỷ nắm giữ ít nhất 25% tài sản của họ dưới hình thức bằng tiền mật mã. Hơn một phần ba nhà đầu tư sở hữu tiền mật mã có giá trị chiếm ít nhất một nửa tài sản và khoảng một phần hai nhà đầu tư có sở hữu NFT.
Một lý do khiến những người trẻ tuổi chuyển sang các tài sản đầu tư thay thế như tiền mật mã vì lý do rất đơn giản: nhiều người không tin tưởng vào các tổ chức đầu tư truyền thống. Họ thích dựa vào nghiên cứu của riêng mình hơn là sử dụng thông tin chi tiết từ các tổ chức truyền thống, như các cố vấn tài chính từ các công ty tư vấn. Ngoài ra, giới trẻ còn có niềm tin vào công nghệ blockchain và tìm thấy sự kết nối với cộng đồng hay đơn giản là niềm vui trong thế giới tiền mật mã.
Chính sự quan tâm của các triệu phú trẻ đối với tiền mật mã có thể thay đổi ngành quản lý tài sản, khi các ngân hàng cá nhân (private banks), nhà môi giới và các công ty quản lý tài sản sẽ cạnh tranh nhau để phục vụ cho một nhóm khách hàng mới, nhóm khách hàng sở hữu nhiều tiền mật mã. CNBC dự báo trong những năm tới, chìa khóa để thu hút thế hệ khách hàng giàu có tiếp theo có thể là các sản phẩm dịch vụ về tiền mật mã hơn là các tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư tư nhân (private equity) và quỹ đầu cơ.
(1) The Metaverse, Web 3.0 Virtual Cloud Economies