(KTSG) - CEO của Facebook Mark Zuckerberg hôm 28-10-2021 đã chính thức thông báo đổi tên Facebook thành Meta, động thái thay đổi thương hiệu này được cho là để tập trung vào xây dựng “metaverse” (vũ trụ ảo), một không gian ảo được kỳ vọng sẽ mở ra “chương mới” của Internet di động và định hình lại toàn bộ ngành du lịch.
NEOMA Business School, Pháp
Ở góc độ trải nghiệm người dùng, metaverse là sự kết hợp của “Thực tế ảo hoàn toàn nhập vai” (Fully-immersive Virtual Reality - FiVR) với “Môi trường cộng tác ảo” (Collaborative virtual environments - CVEs).
FiVR với kính VR cách ly người dùng hoàn toàn với thế giới thực bằng cách cung cấp nội dung tổng hợp hoặc 360 độ được chụp trong đời thực, tạo điều kiện cho họ đắm chìm hoàn toàn vào hình ảnh, kích thích các giác quan của người dùng, nhờ đó cho phép trải nghiệm du lịch ảo một cách rất thực. Còn CVE là một môi trường cộng tác ảo mà ở đó mọi người hầu như có thể tương tác với nhau thông qua hình đại diện, trò chơi điện tử 3D đa người dùng, trường học ảo là những đại diện tiêu biểu của môi trường này. Nó bổ sung khả năng giao tiếp xã hội mà FiVR không có.
FiVR hiện đã và đang được triển khai trong du lịch cho mục đích lập kế hoạch, quản lý, tiếp thị, giới thiệu thông tin, giải trí, giáo dục, mở rộng khả năng tiếp cận hoặc bảo tồn di sản hoặc tài nguyên du lịch quý hiếm. Chẳng hạn như các chuyến tham quan khách sạn ảo, chuyến bay ảo, thắng cảnh ảo, bảo tàng ảo, giao diện đặt phòng ảo...
Trong tương lai, khi phối hợp với CVE tạo thành một metaverse du lịch hoàn thiện thì chúng ta có thể cùng các đối tác đi du lịch ảo đến bất cứ một điểm đến nào trên thế giới, thậm chí lên các hành tinh, thế giới giả tưởng... Không những thế, chúng ta còn có thể tương tác ảo không chỉ bằng thị giác với tất cả mọi người ở đó (người dân địa phương, khách du lịch, người sao Hỏa...). Ý tưởng phân phối đa kênh tích hợp (Onmi-channel) trong du lịch hoàn toàn có thể thực hiện (tức khả năng cho người dùng trải nghiệm thử điểm đến trước khi đến thật). Thế giới ảo Avatar trong bộ phim cùng tên của đạo diễn James Cameron đang đến gần hơn với thế giới thực. Lượng người dùng vũ trụ ảo metaverse tăng gấp chục lần sau một năm, các chuyên gia kỳ vọng quy mô thị trường sớm cán mốc 1.000 tỉ đô la Mỹ.
Sự phát triển và ứng dụng của công nghệ số và metaverse chắc chắn sẽ thay đổi sâu sắc cách mọi người sống và đi du lịch. Hệ quả tất yếu chúng sẽ chuyển đổi và định hình lại toàn bộ ngành du lịch.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF, 2017) đã ước tính rằng trong đến năm 2025, số hóa sẽ tạo ra tới 305 tỉ đô la giá trị bổ sung cho riêng ngành du lịch thông qua việc tăng lợi nhuận, trong khi khoảng 100 tỉ đô la giá trị được tạo ra trong lĩnh vực này sẽ chuyển từ những người chơi truyền thống sang những đối thủ kỹ thuật số mới với các mô hình kinh doanh sáng tạo và khả năng tạo ra giá trị. Việc chuyển đổi kỹ thuật số cũng được dự báo sẽ tạo ra lợi ích trị giá 700 tỉ đô la cho khách hàng và xã hội rộng lớn hơn, thông qua việc giảm tác động môi trường, cải thiện an toàn và bảo mật, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian cho người tiêu dùng. Thế hệ Z và Millennials là những công dân nòng cốt của thế giới kỹ thuật số. Cách họ sử dụng và những gì họ mong đợi từ công nghệ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các dịch vụ du lịch được cung cấp.
Các điểm đến, doanh nghiệp và lĩnh vực du lịch cần phải tiếp nhận đầy đủ các công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh và tạo ra giá trị. Bởi lẽ tài nguyên du lịch quý hiếm rồi sẽ không còn quý hiếm khi công nghệ ảo có thể thay thế hoàn toàn. Các chính phủ do đó có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thiết lập các điều kiện khung để hỗ trợ các mô hình kinh doanh du lịch được nâng cao kỹ thuật số, chuỗi giá trị và hệ sinh thái. Trước mắt có ba nội dung Việt Nam cần tập trung để chuẩn bị cho du lịch thực tế ảo và xa hơn là vũ trụ du lịch ảo, đó là:
Số hóa tài nguyên du lịch: Các di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản phi vật thể, thắng cảnh... cần được đầu tư số hóa. Trong ngắn hạn việc này sẽ hỗ trợ tích cực công tác xúc tiến quảng bá; tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển điểm đến.
Xây dựng không gian lưu trữ tài nguyên thực tế ảo: Chúng ta cần rút kinh nghiệm và học hỏi Trung Quốc trong việc quản lý tài nguyên số trước thềm thời đại metaverse. Cần xem tài nguyên số là tài nguyên quốc gia và không gian lưu trữ tài nguyên số sẽ là một phần lãnh thổ và quốc gia nắm giữ toàn quyền kiểm soát.
Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch và giải trí số: Doanh nghiệp du lịch truyền thống sau Covid-19 đã dần nhận ra tính bức thiết của việc chuyển đổi số nhưng năng lực và nguồn tài chính giới hạn. Họ cần được kết nối với các doanh nghiệp công nghệ để cho ra đời một mô hình kinh doanh lai giữa kinh doanh du lịch truyền thống và dịch vụ cung cấp các trải nghiệm số và thực tế ảo.
Các điểm đến, doanh nghiệp và lĩnh vực du lịch cần phải tiếp nhận đầy đủ các công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh và tạo ra giá trị. Bởi lẽ tài nguyên du lịch quý hiếm rồi sẽ không còn quý hiếm khi công nghệ ảo có thể thay thế hoàn toàn.
Ngoài ra, cần thúc đẩy các mối quan hệ đối tác công tư và hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa truyền thống với các doanh nghiệp kỹ thuật số và các cơ sở giáo dục để tăng cường chia sẻ, đổi mới và phổ biến kiến thức. Tập hợp các tác nhân có chuyên môn đa dạng và bổ sung cho nhau trong lĩnh vực công nghệ, du lịch và các lĩnh vực khác, để tạo ra một môi trường kinh doanh kỹ thuật số năng động.
Trải nghiệm của du khách rồi sẽ đạt đến một tầm cao mà chưa ai có thể đoán trước được sẽ như thế nào. Nhưng dù là thế nào đi nữa, sự phát triển và ứng dụng của công nghệ số và metaverse chắc chắn sẽ thay đổi sâu sắc cách mọi người sống và đi du lịch. Hệ quả tất yếu chúng sẽ chuyển đổi và định hình lại toàn bộ ngành du lịch. Một câu hỏi đang đặt ra là liệu metaverse sẽ chỉ giúp tăng cường trải nghiệm trước - trong - sau du lịch hay sẽ thay thế hoàn toàn việc du lịch trong thực tế?
Câu trả lời cũng sẽ thật khó nói trước nhưng trong giai đoạn đầu, metaverse chắc chắn sẽ mang lại cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận thị trường mới, phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch mới, áp dụng các mô hình/quy trình kinh doanh mới, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị du lịch toàn cầu và hệ sinh thái kỹ thuật số. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu không tìm hiểu, liên kết và đầu tư vào quá trình số hóa ngay lúc này, có khả năng sẽ không tồn tại, chứ chưa nói đến sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.