(KTSG Online) – Dù không bằng thời kỳ đỉnh cao, nhưng diện tích mía của Hậu Giang, vùng trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn được duy trì, bất chấp nhà máy sản xuất lớn nhất trong vùng đóng cửa. Tuy nhiên việc rải vụ để bán mía chục quanh năm trong thời gian qua đang khiến cho kế hoạch khôi phục vùng nguyên liệu đồng loạt của các doanh nghiệp ngành đường gian nan hơn.
Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) mới đây đã thông qua việc tạm dừng sản xuất vụ ép 2024-2025 đối với nhà máy đường lớn nhất khu vực này là Phụng Hiệp (Hậu Giang). Đây là vụ thứ hai liên tiếp Casuco đã phải đóng cửa nhà máy này.
Nhà máy đóng cửa, nông dân đổi hướng
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng giám đốc Casuco cho biết, niên vụ 2024-2025, đơn vị này có kế hoạch liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu với quy mô 700 héc ta, tuy nhiên, kết quả thực hiện chỉ đạt trên 245 héc ta, với sản lượng mía nguyên dự kiến khoảng 29.400 tấn.
Theo ông, để nhà máy duy trì hoạt động có hiệu quả, yêu cầu đặt ra là cần phải có mía nguyên liệu đưa vào liên tục, đạt tối thiểu 2.500 tấn/ngày. Tuy nhiên sản lượng mía hợp đồng với nông dân (29.400 tấn) không đáp ứng nên đơn vị này dừng sản xuất vụ 2024-2025 đối với nhà máy đường Phụng Hiệp.
Trước đó, vụ ép 2023-2024, nhà máy đường Phụng Hiệp cũng dừng sản xuất khi lãnh đạo Casuco đánh giá lượng mía nguyên liệu ký kết không đáp ứng để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Vụ ép gần đây nhất, tức vụ 2022-2023, nhà máy đường Phụng Hiệp có kế hoạch huy động 80.000 tấn mía nguyên liệu để sản xuất, nhưng thực tế chỉ gom được hơn 14.500 tấn. Điều này, khiến kết quả hoạt động của doanh nghiệp bị lỗ 21,3 tỉ đồng, thay vì mục tiêu lãi 2,02 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, trước vụ 2022-2023 khoảng 3-5 năm, ngành mía đường khu vực ĐBSCL đã rơi vào khủng hoảng, nông dân "tháo chạy" khỏi loại cây trồng chủ lực này ngày càng nhiều khi giá mía nguyên liệu bán cho nhà máy không đủ để bù vào chi phí sản xuất, tức nông dân thua lỗ. Điều này, khiến diện tích mía từ 14.000-15.000 héc ta giảm xuống còn chỉ 2.500-3.000 héc ta cách đây một, hai năm.
Ông Phạm Quang Vinh, Thành viên HĐQT của Casuco xác nhận, thời kỳ đỉnh cao, khu vực ĐBSCL có cả chục nhà máy đường hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn hai nhà máy hoạt động, nhưng trong trạng thái cầm chừng, đó là nhà máy đường Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và nhà máy đường Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng).
Khi ngành mía đường lao dốc, không ít nông dân của huyện Phụng Hiệp, đã chuyển hướng sản xuất bán mía chục (tức mía ép lấy nước giải khát) thay vì bán nguyên liệu cho nhà máy. Dù trong đó, nhiều nông dân có hơn 20 năm gắn bó với loại cây trồng này.
Việc chuyển hướng của nông dân đúng thời điểm nhu cầu mía chục tăng cao, trong khi nguồn cung giảm mạnh (vì diện tích đã thu hẹp). Vì vậy, giá bán mía chục có lúc được đẩy lên trên 3.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần so với giá bán cho nhà máy ở thời điểm trước đó.
Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Thành Phép, ngụ ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp thừa nhận, hai năm trước, mía chục trúng giá, có thời điểm vượt mức 3.000 đồng/kg. “Lúc đó, bán mỗi héc ta thu về trên dưới 350 triệu đồng, tức lợi nhuận khoảng 270-280 triệu đồng/héc ta”, ông Phép cho biết.
Hay ông Ngô Văn Thọ, ngụ ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp cũng cho biết, hai năm trước, mía chục tăng giá rất mạnh, giúp nông dân thu lãi ít nhất cũng 200 triệu đồng/héc ta. “Trước đó, khu vực này diện tích mía giảm 30-40%, nhưng hai năm nay, người dân quay lại trồng nhiều hơn khi mía có giá”, ông cho biết.
Số hộ quay lại với cây mía khá nhiều, nhưng ở thời điểm hiện tại, giá mía chục được thương lái mua tại ruộng chỉ còn 1.300-1.400 đồng/kg. “Diện tích tăng lại, nhưng thời điểm này mưa bão nhiều nên giá giảm”, ông Phép giải thích.
Không dễ quay lại “sản xuất bán cho nhà máy”
Trong khi đó, dù nhiều năm không đạt kế hoạch đề ra, nhưng ông Chung của Casuco cho biết, đơn vị này tiếp tục có chính sách liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy, với quy mô 700-800 héc ta trong niên vụ 2025-2026. “Chúng tôi mong bà con nông dân hợp tác với Casuco ký hợp đồng đầu tư”, ông nói trong cuộc trao đổi với KTSG Online.
Tuy nhiên, vị Tổng giám đốc của Casuco thừa nhận, kế hoạch này không dễ dàng, bởi một phần nông dân đã chuyển hướng sản xuất bán mía chục, tức trồng và thu hoạch diễn ra quanh năm, không còn tập trung vào một thời điểm như trước. “Đây là cái khó trong huy động nguồn nguyên liệu”, ông nói.
Ông Thọ ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thừa nhận, sau nhiều năm nông dân chuyển đổi sang trồng bán mía chục, khiến vụ mùa diễn ra quanh năm. Chỉ tay về phía ruộng mía, ông nói: “Cùng một ruộng, nhưng có số chuẩn bị bán, số thì đang sinh trưởng. Bây giờ người dân trồng phổ biến như vậy rồi”.
Còn theo ông Phép, mía trồng một lần tận dụng ít nhất hai năm, tức thu hoạch xong vụ đầu tiên, nông dân tận dụng gốc mía sẵn có tiếp tục chăm sóc để thu hoạch vụ tiếp theo. “Tình trạng mía thu hoạch ý nói không đồng loạt như vậy sẽ còn kéo dài”, ông nói khi trao đổi với KTSG Online.
Để hiện thực hoá kế hoạch, theo Casuco, sẽ mất ít nhất 2-3 năm để người nông dân chuyển trở lại hình thức sản xuất tập trung, đồng loạt như trước. Được biết, hiện tại khu vực ĐBSCL còn khoảng 3.500 héc ta diện tích sản xuất mía, với sản lượng thu hoạch khoảng 100 tấn/héc ta. Đây là con số hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu nguyên liệu để nhà máy đường Phụng Hiệp khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, việc nông dân rải vụ sản xuất để bán mía chục quanh năm là một trở ngại rất lớn đối với việc khôi phục vùng nguyên liệu sản xuất tập trung và đồng loạt.
Qua thực tế như đã diễn ra, rõ ràng nông dân vẫn chưa có động lực đủ mạnh để cam kết với nhà máy, nhất là khi việc bán mía nước mang lại lợi nhuận cao hơn. Do vậy, nếu không có những biện pháp đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân như: hỗ trợ tài chính hoặc cam kết thu mua với giá ổn định, đôi bên cùng có lợi, thì kế hoạch “khôi phục” vùng nguyên liệu mía cho nhà máy sẽ gặp nhiều khó khăn cả trước mắt lẫn dài hạn…