Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

 Miền Bắc có thể bị thiếu 4.900 MW điện trong mùa nắng nóng năm nay

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong báo cáo tình trạng nguy cấp về cung ứng điện gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, do tiến độ các dự án nguồn điện mới còn chậm, trong mùa nắng nóng năm nay miền Bắc có khả năng thiếu hụt từ 1.600 đến 4.900 MW điện.

Nhân viên EVN kiểm tra vận hành các trạm biến áp. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, mặc dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiệu nắng nóng nhưng thực tế sản lượng điện đã tăng cao. TTXVN dẫn thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo, trong các tháng 6, 7 tiếp theo, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch. Với tình hình thủy văn và tiến độ đưa vào các dự án nguồn điện mới còn chậm, miền Bắc có khả năng thiếu hụt hàng nghìn MW điện trong mùa nóng này.

TTXVN cho biết, tại văn bản 2187/EVN-KTSX+TTĐ báo cáo tình trạng nguy cấp về cung ứng điện gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết, hiện nay, diễn biến thủy văn không thuận lợi, các hồ khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm nay chỉ bằng khoảng 70 - 90% so với trung bình nhiều năm. Một số hồ khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nước về kém như Đại Ninh, Trị An, Đak R’Tih, Sông Côn 2…

Tính đến ngày 24-4, mực nước nhiều hồ thủy điện đã xuống thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện trong thời gian còn lại của mùa khô 2023. Có 9 hồ đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết với tổng công suất khoảng 3.000 MW. Bên cạnh đó, đã có 18 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20%; 18 hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa có mực nước thấp hơn quy định; 22/31 hồ chứa vi phạm mực nước giới hạn trong hai tuần liên tiếp. Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống thuỷ điện là 4,5 tỉ kWh, thấp hơn 1,6 tỉ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỉ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Không chỉ thiếu nước cho phát điện, mà việc cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện than, điện khí cũng gặp khó khăn. Hiện khả năng cung cấp của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCT Đông Bắc) là 46 triệu tấn, thấp hơn so với biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 đã được phê duyệt là hơn 6 triệu tấn. Riêng với các nhà máy của EVN là thiếu 1,3 triệu tấn.

Về nhiên liệu khí, theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/Tổng công ty Khí Việt Nam, khả năng cấp khí trong năm 2023 tiếp tục xu hướng giảm so với các năm trước do một số mỏ chính bước vào thời gian suy giảm. Sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỉ m3, thấp hơn so với năm 2022 là 1,31 tỉ m3. Bên cạnh đó, một số mỏ khí đã có thời gian khai thác lâu, thường xuyên xảy ra sự cố, càng làm cho việc cung cấp khí cho sản xuất điện trở nên khó khăn.

Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió các tháng 5, 6, 7 cũng được dự báo có thể thấp hơn năm 2022, càng về cuối giai đoạn mùa khô khả năng phát có xu hướng càng giảm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định, trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra như công suất điện tại miền Bắc tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022; sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu... thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được lượng tiêu thụ tối đa trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600 - 4.900 MW.

1 BÌNH LUẬN

  1. Có công bằng không? Khi EVN luôn kêu thiếu nguồn, nhưng hàng ngàn MW điện gió điện mặt trời sản xuất ra không bán được. Hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư nằm đắp chiếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới