Miền Trung căng mình ứng phó với siêu bão Haiyan
Văn Nam - Ngọc Hùng
(TBKTSG Online) – Hơn 85.000 tàu cá và ngư dân ven biển các Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên … phải vào bờ neo đậu để tránh thiệt hại của siêu bão Haiyan dự kiến sẽ vào vùng biển miền trung trong ngày mai (9-11), theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương. Trong khi đó, nhiều hồ thủy lợi, thủy điện hôm nay bắt đầu xả lũ trước để tăng dung tích chứa đề phòng bão gây mưa lớn trong những ngày tới.
![]() |
Siêu bão Haiyan đang có hướng di chuyển vào miền Trung Việt Nam - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương. |
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương phát đi lúc 2 giờ chiều nay (8-11), dự báo đến 10 giờ ngày mai 9-11, vị trí tâm bão Haiyan cách đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 190 km về phía Đông Bắc, sức gió gần tâm bão mạnh cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17.
>> Áp thấp chưa tan, bão Haiyan lại đến
>> Siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền nam Phillippines
Đến 19 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão nằm trên khu vực các tỉnh Trung Trung bộ, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17.
Hiện tại Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gởi Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Phillippines, Indonesia, Malaysia đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, tàu thuyền của Việt Nam vào tránh trú và hỗ trợ cho ngư dân trường hợp bị nạn, gặp sự cố do bão.
Về tình hình an toàn hồ chứa, theo tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn, trong đó có nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp như hồ Đồng Bề (Thanh Hóa), hồ Khe Sặt, Thanh Thủy (Nghệ An), Đập Họ, Vực Rồng (Hà Tĩnh), Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi), Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định).
Do bão Haiyan sẽ vào vùng đất liền miền Trung và gây mưa lớn trong mấy ngày tới, từ 2 giờ chiều nay (8-11), nhiều hồ thủy lợi ở Hà Tĩnh đã xả lũ trước như hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác, hồ Tàu Voi, hồ Kim Sơn …
Về tình hình hồ thủy điện, hiện các hồ thủy điện lớn trong khu vực đang hoạt động bình thường. Tính đến 7 giờ sáng nay 8-11, đã có 17 hồ thủy điện xả tràn; trong đó có 8 hồ xả tràn với lưu lượng lớn từ 500 đến 4.400 m3/giây gồm thủy điện Bình Điền (901m3/giây), Hương Điền (1.114 m3/giây) ở Thừa Thiên - Huế, Sông Ba Hạ (4.400m3/giây) ở Phú Yên, Yaly (1.149 m3/giây) ở Gia Lai, Đắk Mi 4A (346 m3/giây), Sê San 3 (1.044 m3/giây), Sê San 4 (1.627 m3/giây), Plei Krông xả 546m3/giây v.v...
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cảnh báo từ ngày 10-11, do ảnh hưởng mưa của cơn bão số 14 (bão Haiyan) trên các sông từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện thêm một đợt lũ mới.
Mưa và lũ những ngày gần đây đã làm 1 nữ sinh tại Thừa Thiên Huế bị lũ cuốn trôi trên đường đi học về, 2 người chết ở Quảng Ngãi và Phú Thọ; 6 nhà sập, 134 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 260 héc ta cây nông nghiệp ở Bình Thuận và Lâm Đồng bị ngập úng, ngã đổ.
Khoanh, giãn nợ cho nông dân bị thiệt hại do bão Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Bình, cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết, các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn đã triển khai việc hỗ trợ người nông dân bị thiệt hại do bão. Cụ thể, các ngân hàng này đã xem xét khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão, và xem xét cho vay mới để tái sản xuất nếu phương án sản xuất mới khả thi. Hiện nay cho vay nông nghiệp, nông thôn đang chiếm khoảng 35% tổng cho vay toàn tỉnh Quảng Bình. “Dĩ nhiên khoanh nợ, giãn nợ cho các đối tượng này thì ngân hàng sẽ thiệt hại. Nhưng nếu không hỗ trợ thì về lâu dài ngân hàng cũng không có nguồn thu”, ông Hiếu nói và thừa nhận rằng cơn bão số 10 vừa qua chắc chắn sẽ khiến các ngân hàng trên địa bàn phát sinh thêm nhiều nợ xấu. Ông cho biết hiện nay nông dân đang vay vốn với lãi suất ưu đãi là 8% từ các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn và số nợ xấu phát sinh do bão vừa rồi vẫn chưa được thống kê. Về phía NHNN cũng có những chính sách hỗ trợ các ngân hàng cho vay nông nghiệp nông thôn như hỗ trợ các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên) thông qua hình thức tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với năm ngân hàng Nhà nước nhằm mở rộng nguồn vốn cho vay và có điều kiện hạ lãi suất huy động đầu vào, từ đó hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn cả nước (nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Thủy Triều |