Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Miền Trung rục rịch phục hồi lại du lịch

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các địa phương miền Trung như Đà Nẵng, Huế và Quảng Bình đang có động thái chuẩn bị đón khách du lịch quay trở lại, theo lộ trình từ khách địa phương đến khách nội địa và cuối cùng là khách quốc tế.

Chiều ngày 4-10, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế ký kết hợp tác xúc tiến du lịch và đầu tư với Công ty trách nhiệm hữu hạn Smart Media City (Hàn Quốc) và Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài.

Du khách địa phương chụp hình tại Hồ Tịnh Tâm, thành phố Huế trong thời gian dịch chưa bùng phát. Các địa phương miền Trung hiện nay đang lên phương án phục hồi du lịch, trước mắt thu hút khách địa phương và nội địa. Ảnh: Hiếu Trương

Các bên sẽ triển khai hoạt động xúc tiến và hỗ trợ các thủ tục pháp lý để tổ chức các tuyến bay thẳng hoặc quá cảnh từ Hàn Quốc đến Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài và ngược lại. Trước mắt, các chuyến bay charter của các hãng hàng không, máy bay cá nhân sẽ được tổ chức cho các đối tác Hàn Quốc có mong muốn hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, các tour du lịch từ Hàn Quốc đi đến Huế dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc kết hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến và Đầu tư tại Banyan Tree Lang Co dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12-2021.

Đồng thời Huế cũng sẽ giới thiệu các dự án, dịch vụ du lịch mà tỉnh miền Trung này đang kêu gọi đầu tư và hỗ trợ việc di chuyển các dự án, nhà máy của các đối tác Hàn Quốc từ nước ngoài đi/đến Thừa Thiên Huế.

Trước đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông báo từ 1-10 mở cửa phục vụ du khách tại các điểm di tích Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định (chỉ phục vụ tham quan khu vực ngoài trời, không tham quan tại nội thất các cung điện).

Du khách được đề nghị thực hiện tốt thông điệp “5K” (đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế); quét mã QR code Thẻ kiểm soát dịch bệnh trước khi vào tham quan; đối với khách ngoại tỉnh phải hoàn tất việc thực hiện giám sát y tế theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết trước mắt tỉnh kêu gọi người địa phương trải nghiệm du lịch, văn hóa của tỉnh. Khi các chuyên bay nội địa được mở lại kèm theo hướng dẫn chung từ Bộ Y tế, Thừa Thiên Huế sẽ đón thêm khách ngoại tỉnh đáp ứng đủ điều kiện.

Phục vụ khách tại chỗ cũng nằm trong kịch bản khôi phục du lịch của thành phố Đà Nẵng đang chờ lấy ý kiến các bên trước khi được phê duyệt.

Cụ thể, tháng 12 sẽ đón khách tại chỗ, sau đó sẽ đón khách nội địa vào tháng 1-2022 và khách quốc tế vào tháng 6-2022.

Đà Nẵng hiện đang thực hiện khảo sát tâm lý khách du lịch nội địa về du lịch Đà Nẵng dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2021 bên cạnh thực hiện nghiên cứu định hướng khách quốc tế và đề xuất giải pháp xúc tiến quảng bá du lịch giai đoạn 2022-2025, hội thảo trực tuyến cũng như  họp trực tuyến lấy ý kiến phản hồi của các đơn vị chuyên khai thác và phục vụ khách MICE với mục đích tham mưu điều chỉnh chính sách MICE trong thời gian đến.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Doanh nghiệp đã sẵn sàng để quay trở lại. Chúng tôi đã đã làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng mở cửa theo lộ trình từ du lịch tại chỗ đến trong vùng và sau đó là cả nước và quốc tế theo lộ trình mở đường bay”. Theo ông Dũng, nếu Đà Nẵng sớm có chủ trương thì thành phố sẽ trở thành một trong những địa phương đầu tiên tham gia luồng xanh, thẻ xanh trong kế hoạch mở lại các chuyến bay du lịch sắp tới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

“Chúng tôi đang tiến hành luồng xanh, đảm bảo hoạt động trơn tru khi khởi động lại các chuyến bay và du lịch”, ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT), chia sẻ. “Tôi nghĩ Đà Nẵng từng bước có thể tính toán áp dụng hộ chiếu vaccine cho điểm đến ngay từ bây giờ, cho phép các chuyến bay thuê chuyến, đưa công dân về nước, kết nối lại hàng không, không chỉ có lợi Đà Nẵng mà còn các địa phương lân cận như Quảng Nam hay Huế”.

Theo thông tin từ Sở Du lịch Quảng Bình, tỉnh này đã lên kế hoạch phục hồi du lịch được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ thời điểm này đến hết tháng 12-2021 và giai đoạn 2 từ 1-1-2022 đến 31-12-2023. Trong đó, giai đoạn 1 tập trung sửa chữa, nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái ”bình thường mới”. Giai đoạn 2, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát hoàn toàn, tập trung các giải pháp khôi phục hoàn toàn hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Bình cần có các hướng dẫn cụ thể để có thể sớm đón khách, sẵn sàng “đón đầu” thị trường du lịch; đẩy mạnh quảng bá, tạo “hành lang xanh” giữa Quảng Bình và các điểm du lịch thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước; ban hành hướng dẫn du lịch an toàn trong trạng thái “bình thường mới” bên cạnh vấn đề “hộ chiếu vaccine”, tạo thuận lợi cho du khách nói chung, du khách nước ngoài nói riêng; việc tiêm vắc xin cho lao động ngành du lịch; xem xét chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp…

UBND tỉnh Quảng Bình cũng sẽ sớm ban hành văn bản quy định về tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong giai đoạn phòng, chống dịch mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới