Miền Trung tìm lợi thế cạnh tranh cho khởi nghiệp
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Các nhà quản lý, doanh nghiệp cùng các nhà khởi nghiệp (Start-up) hôm nay, 31-8 đã ngồi lại với nhau để tìm ra đâu là lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp tại khu vực miển Trung.
Các doanh nghiệp và nhà quản lý trao đổi về lợi thế cạnh tranh cho khu vực miền Trung tại sự kiện được tổ chức tại Không gian làm việc chung Surf space, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm |
Tại hội thảo “Đi tìm lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung”, ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), chia sẻ hiện bây giờ khởi nghiệp Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung vẫn chưa xác định được lợi thế cạnh tranh là gì. Vì vậy, đây là cơ hội để những người liên quan tìm ra lợi thế cạnh tranh để từ đó phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ông Phan Hải, Chủ tịch Công ty Giày BQ có trụ sở tại Đà Nẵng, chia sẻ TP.HCM vẫn là trung tâm phân phối lớn nhất cả nước. Trong khi đó, miền Trung sẽ tận dụng lợi thế của mình sẽ tham gia chuỗi giá trị. Theo ông Hải, đó chính là đặc tính bản đại “Ăn chắc mặc bền”. Người miền Trung bảo thủ, nhưng họ trung thành với sản phẩm họ đã chọn. Lâu nay, các công ty ko chú ý đến chuyện đầu tư sản phẩm phục vụ nhu cầu này mà họ chỉ thực hiện các chương trình sales, bán hàng tồn. “Đây là dư địa và cơ hội cho start-up để đầu tư phân khúc sản phẩm mới và lấy cảm tình từ người tiêu dùng”, ông Hải – từng là chủ tịch Hội doanh nhân trẻ - chia sẻ và cho biết thêm cơ sở hạ tầng CNTT sẵn sang và du lịch dịch vụ mạnh là những thế mạnh khác.
Ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc DNES, cũng chia sẻ hầu hết dự án start-up thành công trong những năm qua của Đà Nẵng đều đến từ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch. Ông nói thêm kinh nghiệm làm việc trong một ngành nghề sau đó khởi nghiệp sẽ là lợi thế cạnh tranh.
Trong khi đó, theo ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, nông nghiệp và du lịch sinh thái chính là lợi thế cạnh tranh của Quảng Nam cũng như khu vực miền Trung nhờ thiên nhiên ưu đãi. Hiện nay,tỉnh cũng khuyến khích các start-up tham gia OCOP - chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. “Hiện nay, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 100 triệu đồng cho một điểm bán hàng OCOP, 50% nhưng không quá 500 triệu đồng cho một trung tâm OCOP cấp huyện và 50% nhưng không quá 1 tỉ đồng cho một trung tâm OCOP cấp tỉnh”, ông Sinh nói.
Ông chia sẻ thêm các start-up không nên nóng vội vì tăng trưởng nhanh với khởi nghiệp sáng tạo là bất khả thi, đặc biệt là thị trường khó tính như miền Trung.
Tham gia sự kiện, ông Nguyễn Phạm Hà Minh, Giám đốc Không gian hỗ trợ khởi nghiệp (SIHUB), chia sẻ Cơ quan quản lý tại một địa phương phải có chiến lược xây dựng cụm ngành mà mình có lơi thế để phát triển. Các start-up cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) sẽ nhìn vào đó để lựa chọn kinh doanh.
“Khi chọn 1 địa phương khởi nghiệp, các start-up xem nơi này có chính sách phù hợp với mình hay không”, ông Minh nói và chia sẻ thêm riêng với các start-up, lợi thế cạnh tranh của họ là làm sao đưa sản phẩm đến khách hàng có chất lượng tốt nhất với chi phí thấp nhất trong thời gian nhanh nhất.