Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mở chuỗi F&B Chuk Chuk, Kido hướng đến mở 1.000 cửa hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở chuỗi F&B Chuk Chuk, Kido hướng đến mở 1.000 cửa hàng

Lê Hoàng

(KTSG Online) - Ngày 7-6, Kido công bố chính thức tham gia thị trường F&B dưới thương hiệu Chuk Chuk chuyên bán kem, cà phê, trà, … với mục tiêu phát triển 1.000 cửa hàng vào năm 2025, trong đó có hình thức nhượng quyền thương mại.

Mở chuỗi F&B Chuk Chuk, Kido hướng đến mở 1.000 cửa hàng
Ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ việc đầu tư mở chuỗi Chuk Chuk tại buổi họp báo trực tuyến.

Số vốn đầu tư ban đầu là 100 tỉ đồng, trong đó Kido sẽ tham gia 61% vốn để nắm quyền chi phối hệ thống cửa hàng bán lẻ này và cho biết sẽ tiếp tục tăng vốn để mở rộng quy mô trong tương lai.

Bên cạnh việc kinh doanh các loại thức uống, các sản phẩm như trà, cà phê, ly, quà lưu niệm… cũng được bày bán tại hệ thống các cửa hàng. Ngoài ra, Chuk Chuk sẽ kết hợp kinh doanh các sản phẩm bánh tươi mang thương hiệu Kido’s Bakery, tạo nên combo bánh – nước.

Thương hiệu Chuk Chuk là một mảnh ghép thuộc chiến lược phát triển kinh doanh đa ngành của ban lãnh đạo Tập đoàn Kido, hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam.

Chuk Chuk phát triển đa dạng mô hình kinh doanh gồm có hệ thống cửa hàng, xe đẩy và kiosk. Trong đó, hệ thống cửa hàng sẽ tọa lạc ở những trục đường chính và trung tâm thương mại. Kiosk là sự kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường - nơi có mật độ người tiêu dùng cao. Mô hình xe đẩy sẽ mang đến một Chuk Chuk thu nhỏ tại vùng miền trên cả nước.

Lãnh đạo Kido cho biết, 2021 là năm then chốt để Chuk Chuk tập trung phát triển hệ thống cửa hàng, kiosk và xe đẩy bao phủ trên địa bàn TPHCM với mục tiêu phát triển 58 cửa hàng cho đến cuối năm. Theo đó, những cửa hàng đầu tiên của Chuk Chuk tại TPHCM sẽ mở cửa đón khách kể từ tháng 6 này. Ngoài ra, hệ thống kiosk và xe đẩy dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 7.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, trong năm đầu tiên chuỗi Chuk Chuk sẽ do Kido đầu tư thực hiện, chưa nhượng quyền thương mại. "Dịch Covid-19 khiến nhiều mặt bằng tốt bị bỏ trống, thì đây cũng là cơ hội cho Chuk Chuk thuê lại với giá khoảng chỉ còn khoảng phân nửa so với trước đây. Điều này khiến KDC mạnh tay đầu tư Chuk Chuk", ông Nguyên nói và tin rằng trong năm đầu tiên hoạt động chuỗi Chuk Chuk sẽ mang về lợi nhuận.

Về doanh thu, dự kiến năm 2021 sẽ đạt 141 tỉ đồng. Sang năm 2023, hệ thống phát triển rộng lớn hơn thì sẽ đạt khoảng 1.200 tỉ đồng, và sẽ tăng lên khoảng 7.800 tỉ đồng vào năm 2025.

Trong vòng 2-3 năm tới, hệ thống Chuk Chuk sẽ có mặt tại Hà Nội, các thành phố trực thuộc trung ương và các thành phố trọng điểm du lịch của Việt Nam. Song song đó, Chuk Chuk sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển sang các nước châu Á bằng việc triển khai chính sách nhượng quyền thương mại, hỗ trợ đối tác về mặt hình ảnh và chiến lược hoạt động.

Theo kế hoạch đến năm 2025, Chuk Chuk sẽ bao phủ thương hiệu trên khắp các tỉnh thành thuộc lãnh thổ Việt Nam với hệ thống 1.000 cửa hàng. Theo đại diện Kido, trong giai đoạn từ 2021 đến 2023, Chuk Chuk cũng sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển mở rộng sang các nước châu Á.

Công bố phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ Chuk Chuk này của Kido chỉ sau khoảng 2 tuần Tập đoàn Masan công bố một thành viên của tập đoàn này là Công ty TNHH The Sherpa đã chi 15 triệu đô la Mỹ để mua lại 20% cổ phần Công ty cổ phần Phúc Long Heritage, đơn vị sở hữu thương hiệu Phúc Long, cũng là chuỗi bán lẻ trà và cà phê lớn trên thị trường.

Lý giải về việc tham gia thị trường đang cạnh tranh khá gay gắt này, lãnh đạo Kido cho rằng ngành F&B tại Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng khi doanh thu toàn thị trường vào khoảng hơn 700.000 tỉ đồng trong năm 2020 (theo báo cáo của Euromonitor, BMI Research).

Bên cạnh đó, dựa theo kết quả thống kê dân số và nhà ở năm 2019 của Euromonitor cho thấy dân số của Việt Nam hiện có trên 96 triệu người, thu nhập bình quân đầu người (GDP) đã gia tăng một cách đáng kể, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ dẫn đến thị hiếu và sở thích của người dân đối với đồ ăn và thức uống cũng có sự dịch chuyển theo hướng tích cực.

Mặt khác, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sức mua toàn thị trường, khi các ngành hàng khác đang có chỉ số tăng trưởng âm như chăm sóc cá nhân, truyền thông, giáo dục, giải trí… thì ngành F&B đã có tốc độ phục hồi khả quan lên đến 9% trong những tháng đầu năm 2021 (Theo In Focus Research, 2021).

Mời đọc thêm:

Cà phê Ông Bầu đạt mốc 100, hướng đến 10.000 điểm bán

Kido bước vào mảng bán lẻ theo mô hình chuỗi cửa hàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới