Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học: Hoàn thiện chuỗi giá trị từ nhà trường đến thực tiễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học: Hoàn thiện chuỗi giá trị từ nhà trường đến thực tiễn

Huỳnh Kim lược ghi

(TBKTSG) - Doanh nghiệp trong trường đại học là mô hình mới, tạo bước đột phá mà hiện nay chưa có nhiều trường áp dụng. Mô hình này đã được trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) thực hiện trong những năm qua, giúp sinh viên nâng cao tay nghề và kỹ năng thực hành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuần rồi, TBKTSG và DNC đã tổ chức hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy “Phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học”. Phóng viên lược ghi một số ý kiến tại hội thảo này.

Tường thuật trực tuyến: Mô hình "Doanh nghiệp trong trường đại học" tạo đột phá trong đào tạo ra sao?

Đại học Nam Cần Thơ đẩy mạnh mô hình 'doanh nghiệp trong trường học'

Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học: Hoàn thiện chuỗi giá trị từ nhà trường đến thực tiễn
Sinh viên thực hành tại Viện Nghiên cứu phát triển dược liệu DNC. Ảnh: Huỳnh Kim

GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng DNC:
Giúp sinh viên đến bậc thang cuối trong đào tạo

- Từ thập niên 1940, GS. Benjamin Bloom, chuyên gia tâm lý giáo dục, đã chỉ ra sáu mục tiêu của giáo dục là nhớ - hiểu - áp dụng - phân tích - đánh giá - sáng tạo.

Có thể nhận ra cách giáo dục - đào tạo của Việt Nam phần lớn dừng lại ở “hiểu”; học để thi có điểm cao trong hệ phổ thông. Với hệ dạy nghề và đại học thì khá hơn nhờ những giờ thực tập nhưng chưa đạt chuẩn cao. Trong khi đó, nhu cầu hiện nay, các nhà tuyển dụng nhân lực cần những người được đào tạo đến bậc thang cuối là “sáng tạo”.

Mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học” là mô hình mới, tạo bước đột phá mà hiện nay chưa có nhiều trường áp dụng. Hội đồng quản trị DNC đã có sáng kiến tổ chức bốn doanh nghiệp ngay trong nhà trường để khắc phục những trở ngại và nhược điểm trên.

Đây là mô hình giúp tìm nơi thực tập cho sinh viên nhằm nâng cao tay nghề và kỹ năng thực hành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ mô hình này, có thể hoàn thiện chuỗi giá trị từ nhà trường đến thực tiễn.

TS.LS. Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT DNC:
Để giúp đại học tự chủ và sinh viên có việc làm

- Phát triển doanh nghiệp trong trường đại học là điều tất yếu giúp tăng cường sự tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay. Số trường thành công chưa phổ biến nên việc xây dựng mô hình này vẫn là điều mới đối với Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn.

DNC nằm trong tốp đầu thực hiện thành công mô hình này. Khi thành lập cách nay hơn bảy năm, DNC đã lập ra tập đoàn Nam miền Nam và nay đã có thêm ba doanh nghiệp. DNC chủ trương học lý thuyết phải đi đôi với thực hành, để giúp sinh viên khi ra trường có việc làm nhờ làm được nghề mình đã học. Thực tế là ba khóa đầu, 95% sinh viên DNC đã có việc làm.

Lập doanh nghiệp trong nhà trường cũng nhằm kinh doanh, tạo công ăn việc làm; giúp cho việc giảng dạy, đào tạo tốt hơn và hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Do vậy, DNC kiến nghị chính quyền địa phương và Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các trường đại học phát triển mô hình này.

PGS.TS. Nguyễn Tri Khiêm, Trưởng khoa Kinh tế DNC:
Cần những chính sách cụ thể

- Để thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, Chính phủ cần có chính sách cụ thể hơn cho hoạt động chuyển giao công nghệ và công trình nghiên cứu khoa học như đặt hàng, hạn chế nhập khẩu khoa học công nghệ. Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể về miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp thuộc quản lý của nhà trường.

Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học hiện được xem là tối ưu nhằm tăng tính thực tiễn, giảm tính hàn lâm trong đào tạo. Để mô hình này đạt hiệu quả, nhà trường cần nghiên cứu các chính sách cụ thể, xây dựng hệ thống quản lý vận hành hoàn chỉnh; tuyển chọn các nhà quản lý có kinh nghiệm để quản lý và điều hành các doanh nghiệp trong nhà trường. Ngoài ra, phải liên kết hợp tác với các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học với giảng viên và sinh viên theo chiều sâu; tạo môi trường thực hành, thực tập cho người học.

Ông Nguyễn Du Hạ Long, đại diện Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC:
Một mô hình vô cùng cần thiết

- Có một nghịch lý đang tồn tại trong giáo dục đại học, đó là rất nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau đào tạo. Nguyên nhân, do việc đào tạo trong nhà trường chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên sau khi tốt nghiệp thiếu nhiều kỹ năng mềm.

Do đó, việc áp dụng mô hình “đại học - doanh nghiệp” là vô cùng cần thiết. Cần huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc xác định nhu cầu; xây dựng, đánh giá chương trình đào tạo và thiết lập chuẩn đầu ra; hỗ trợ chỗ thực tập và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp; triển khai tích cực việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận đào tạo, sử dụng nhân lực; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giữa doanh nghiệp và sinh viên theo các chuyên ngành cụ thể.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ:
Giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

- Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thường thấp hơn các khu vực khác trong nước; số doanh nghiệp FDI hoạt động cũng giảm dần trong những năm gần đây. Sự dịch chuyển lao động cũng tăng theo. Vì vậy việc đào tạo được nhân sự tay nghề cao là cơ sở tốt nhất để phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó có thể góp phần thu hút được nguồn lực đầu tư từ nước ngoài trong thời gian tới.

Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học là cần thiết để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế chính sách cho doanh nghiệp tham gia vẫn thiếu nên việc hoàn thiện mô hình để phát triển vẫn chưa tối ưu. Ngoài ra, công nghệ thay đổi nhanh cũng có thể gây sức ép lớn cho nhà trường và doanh nghiệp trong việc đáp ứng cơ sở hạ tầng phù hợp. Là nơi kết nối doanh nghiệp, VCCI Cần Thơ sẽ nỗ lực tìm giải pháp, tư vấn để có cơ chế hoạt động thuận lợi và phù hợp hơn với mô hình này.

Ông Nguyễn Trung Trí, Phó giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam:
Kết hợp doanh nghiệp trong và ngoài trường đại học

- Vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp thời gian qua vẫn chưa được xem trọng. Hậu quả rõ nhất là tạo nên sự mất cân đối về cung - cầu nhân lực chất lượng cao. Theo dự báo thì nguồn cung nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khan hiếm. Để tháo gỡ nút thắt này, các doanh nghiệp buộc phải liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo tìm kiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp trong trường đại học với doanh nghiệp ngoài xã hội sẽ tạo điều kiện cho người học cân bằng giữa kiến thức và thực tế, thực hành. Mô hình doanh nghiệp trong trường Đại học Nam Cần Thơ, do vậy, cần nhân rộng sự liên kết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với doanh nghiệp ngoài xã hội với tư cách là người sử dụng sản phẩm đào tạo bài bản.

Cần đa dạng hóa liên kết về hướng nghiệp; cấp học bổng; tạo nơi thực tập, kiến tập; đặt hàng; cử chuyên gia tham gia; góp ý chương trình, giáo trình; thông tin nhu cầu lao động của doanh nghiệp… Đồng thời bố trí và sử dụng nhân lực, thực hiện đãi ngộ, trả lương, bảo hiểm xã hội; tạo điều kiện cho người học được thực tập tại các doanh nghiệp chuẩn ngoài xã hội và doanh nghiệp trong trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới