(KTSG) - Kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi từ ngày 22-10 của TPHCM đã không thể thực hiện. Không thể chờ đợi Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM đã quay sang đề nghị Viện Pasteur chấp thuận cho sử dụng vaccine Pfizer để tiêm trước cho 780.000 trẻ em ở TPHCM và bắt đầu tiêm từ ngày 27-10.
Gần hai tuần kể từ khi Bộ Y tế ban hành Công văn 8688 “đề nghị” sở y tế các tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và “Xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10-2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện”, các địa phương vẫn không thể tiêm phòng cho trẻ em chỉ vì Bộ Y tế không chịu công bố loại vaccine nào được phép sử dụng để tiêm, trong khi cũng chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 10. Có lẽ nhờ TPHCM “xé rào” nên đến chiều ngày 26-10 Bộ Y tế mới chính thức công bố loại vaccine được sử dụng là Pfizer.
Không có lời giải thích chính thức nào từ Bộ Y tế cho sự chậm trễ này, ngoại trừ phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn “Sẽ sử dụng những vaccine đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và bảo đảm an toàn cho trẻ” và thông tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-10 là “vaccine cho trẻ 12-17 tuổi vẫn chưa về”, mặc dù những ai có quan tâm đều biết loại vaccine thích hợp cho lứa tuổi này đã có ở Việt Nam từ lâu rồi.
Từ những thông tin trên, cũng có thể suy đoán rằng do Bộ Y tế thận trọng và muốn “nghiên cứu kỹ lưỡng” để “bảo đảm an toàn cho trẻ” nên chậm trễ trong việc công bố loại vaccine được phép sử dụng. Giả sử suy đoán này là đúng thì cũng khó chấp nhận, vì việc nghiên cứu, đánh giá loại vaccine thích hợp cho trẻ em lẽ ra phải được thực hiện từ sau ngày 28-8, thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phải có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế tỏ ra khá kiên quyết trong việc trì hoãn tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em mà lý do chính là nguồn cung vaccine còn thiếu, cần ưu tiên cho người trưởng thành trước.
Vaccine thiếu thì hầu như ai cũng thấy, nhưng Việt Nam cũng đang có cơ hội để tự chủ được nguồn vaccine sản xuất trong nước và trong vấn đề này dường như Bộ Y tế cũng đang rất chậm trễ.
Gần 5 tuần kể từ khi Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia thông qua vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen, với đánh giá đạt các yêu cầu về an toàn và tính sinh miễn dịch, và chuyển hồ sơ sang Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để tiếp tục xem xét trước khi trình Bộ Y tế đề xuất cấp giấy đăng ký lưu hành, vẫn chỉ có sự im lặng.
Không rõ hồ sơ cấp phép cho Nanocovax còn thiếu những gì, nhưng nếu có thiếu thì chắc chắn cũng không liên quan đến hai tiêu chí quan trọng nhất, đó là tính an toàn và hiệu quả. Còn nếu chỉ vướng một số giấy tờ, chủ yếu là cho đủ thủ tục, mà hội đồng trì hoãn việc đề xuất cấp phép cho Nanocovax trong suốt hơn năm tuần qua, trong khi hàng triệu người vẫn ngày đêm ngóng chờ được tiêm phòng Covid-19, thì không thể chấp nhận được.
Trong chương trình kỳ họp thứ 2, khóa 15 của Quốc hội đang diễn ra, dự kiến sẽ có các phiên chất vấn, trả lời chất vấn nên hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ Y tế về những sự chậm trễ trên để giải tỏa thắc mắc cho cử tri.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng nên chất vấn vì sao Bộ Y tế lại chậm trễ trong việc tư vấn điều trị cho các F0 tại các trung tâm thu dung trong đợt dịch lần thứ 4 này và tại sao thuốc điều trị cũng như túi thuốc F0 có được là nhờ quận 6 ở TPHCM “xé rào”, rồi sau đó mới áp dụng rộng trong cả nước, chứ không phải đến từ tư vấn của Bộ Y tế, mặc dù bộ đã có hơn một năm kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Phải chăng những ý kiến tư vấn của bác sĩ cho quận 6 đã không đến được Bộ Y tế, hay đã đến mà không được quan tâm; và liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho tỷ lệ tử vong ở TPHCM những tháng trước lên đến gần 4%/số ca nhiễm không?
Bài viết rất súc tích và chính xác, nói thay cho hàng triệu người còn đang chờ được tiêm vaccine. Thật khó hiểu với sự chậm trễ không một lời giải thích từ Bộ Y Tế
Đơn giản là Bộ Y tế ngại khó, sợ trách nhiệm, nhưng chúng ta có may mắn là sở y tế các địa phương đã mạnh dạn gánh trách nhiệm của bộ, đưa tiến trình chống và ngăn cản đại dịch của chúng ta đi đúng hướng.
Thượng chính, hạ thuận. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Nếu cấp trên chuẩn mực thì cấp dưới không thể xuề xoà, đại khái. Bây giờ thì ta hiểu được lý do vì sao ở Việt Nam khi triển khai chống dịch có hiện tượng mỗi địa phương mỗi kiểu ? Bởi vì sự đổi mới sáng tạo của địa phương là cần kíp cho cuộc sống trong điều kiện trung ương bất cập, chưa theo kịp tình hình, hoặc bị động với các tình huống phát sinh. Có lẽ chẳng ai muốn đẻ ra thêm thủ tục/ app gì thêm cho mệt, nhưng nếu không làm vậy thì càng có nguy cơ rủi ro nhiều hơn cho chính mình và cộng đồng ?