Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mở lại đường bay quốc tế: Sẽ là thử thách cho khả năng phòng chống dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở lại đường bay quốc tế: Sẽ là thử thách cho khả năng phòng chống dịch

Lê Thạch Anh

(TBKTSG) - Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa chống dịch an toàn, hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước bài toán không hề đơn giản: khi nào thì nên mở lại đường bay quốc tế?

Mở lại đường bay quốc tế: Sẽ là thử thách cho khả năng phòng chống dịch
Việc mở cửa lại đường bay quốc tế, tiền đề cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế được ví như máy thở trong cơn thoi thóp vì dịch Covid-19. Ảnh: LÊ ANH

Việc mở cửa trở lại với thế giới sẽ là động lực quan trọng giúp khơi thông dòng chảy kinh tế, đặc biệt là đối với nhóm ngành du lịch quốc tế. Nhưng động thái này cũng sẽ đưa tới những rủi ro cho công tác phòng chống dịch bệnh trong nước.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, số ca nhiễm không ngừng tăng lên và vaccin vẫn chưa được thương mại hóa. Đã có nhiều quốc gia thực hiện việc mở cửa quốc tế trở lại và ngay lập tức chứng kiến sự bùng phát của dịch Covid-19 (Úc, Hy Lạp, Ấn Độ...)(1).

Mặc dù đã có kinh nghiệm xử lý và kiểm soát dịch nhưng với một quốc gia đang phát triển và hệ thống y tế thường xuyên quá tải như Việt Nam, tâm lý chủ quan sẽ trở thành một điểm yếu, phá tan mọi thành quả của công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế của việc nối lại các tuyến hàng không quốc tế, đặc biệt đối với ngành du lịch là không thể phủ nhận.

Chuyến bay mở cửa trở lại của hàng không thương mại hôm 25-9 đã chấm dứt sáu tháng Việt Nam tự “thu mình” với thế giới để phòng chống dịch. Trong thời gian đó, ngành dịch vụ hàng không và du lịch Việt Nam đã chịu những tổn thất rất nặng nề, kéo theo sự sa sút của một loạt ngành sản xuất - dịch vụ liên quan.

Năm 2019, du lịch đóng góp 9,2% GDP; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỉ đồng (tương đương 32,8 tỉ đô la Mỹ), trong đó tổng doanh thu từ du lịch quốc tế là 421.000 tỉ đồng, chiếm 55,7%. Gần 80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không, cao hơn đáng kể so với mức bình quân của thế giới là 58% (theo UNWTO). Số liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể số lượng lao động trong các lĩnh vực liên quan đến du lịch(2).

Sáu tháng dừng bay quốc tế, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 98-99%(3), ước tính thiệt hại cho doanh thu ngành du lịch đã vào khoảng hơn 210.000 tỉ đồng (gần 10 tỉ đô la). Doanh thu du lịch lữ hành tám tháng ước tính đạt 13.100 tỉ đồng, giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%)(4). Theo khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gần 66% số doanh nghiệp du lịch và lữ hành đã phải cắt giảm hơn 50% số lượng nhân viên, trong đó gần 20% số doanh nghiệp phải cắt giảm toàn bộ nhân viên(5).

Mặc dù vẫn “sống sót” nhờ vào thị trường khách du lịch nội địa, việc Việt Nam đã và đang là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế, đặc biệt là du khách từ các quốc gia phát triển và có mức sống cao hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc... đang đặt doanh nghiệp du lịch Việt Nam vào thế phải “đá bóng” bằng một chân, và lại còn không phải chân thuận của mình.

Chính vì vậy, theo góc nhìn từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch và các lĩnh vực liên quan mật thiết, việc mở cửa lại đường bay quốc tế, tiền đề cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế được ví như máy thở trong cơn thoi thóp vì dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp du lịch thực sự đang rất cần một nguồn khách có khả năng chi trả hơn, để lấp đầy những khách sạn trống, sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng và ăn uống, mua sắm và tiêu dùng để có thể tăng doanh thu, trước hết để bù lỗ cho giai đoạn vừa qua và có thể ổn định trở lại. Đây có thể là một viễn cảnh tươi sáng mà các doanh nghiệp ngành du lịch đang hướng đến khi các đường bay quốc tế được nối trở lại.

Bên cạnh đó, từ góc nhìn của gần 5 triệu lao động trong ngành du lịch và các ngành liên quan, việc mở cửa cho khách du lịch quốc tế cũng như một chiếc phao cứu sinh trong cơn bão Covid-19. Giảm việc, mất việc, chuyển việc, thậm chí là thất nghiệp, đang là tình trạng phổ biến của nhóm lao động này.

Đã có những lao động phải tham gia vào các công việc tay chân hay những công việc trái ngành nghề bên cạnh công việc chính để duy trì mức sống bình thường. Khách du lịch quốc tế quay lại, đồng nghĩa với tiềm năng việc làm quay lại, những gánh nặng mưu sinh cũng nhẹ bớt phần nào.

Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại thị trường khách du lịch quốc tế cũng không phải không có mặt trái. Lo ngại lớn nhất vẫn là khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại, kéo theo giãn cách xã hội, bóp nghẹt đời sống kinh tế - xã hội mới đang dần bắt nhịp bình thường trở lại. Nếu thực tế đó xảy ra, ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn... thậm chí sẽ không thể phục vụ ngay cả thị trường nội địa, vốn đang là “chiếc phao” cho các ngành nói trên.

Một thực tế khác là sự trở lại của các bài toán đối với môi trường và sự biến mất của các lợi ích tức thời đối với khách du lịch nội địa. Có lẽ chưa bao giờ người dân trong nước được đi du lịch ở Việt Nam với giá cả “cạnh tranh” như thế khi các công ty lữ hành, hàng không, lưu trú, ăn uống... liên tục tung ra những khuyến mại kích cầu.

Một loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn 4-5 sao hạ giá ngang với các khách sạn 3 sao trong thời kỳ bình thường. Cũng có lẽ chưa bao giờ áp lực lên hệ thống giao thông và môi trường được giảm tải đến như vậy (giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, rác thải, ô nhiễm). Khi thời gian “tạm nghỉ” chưa đủ lâu để các hệ thống tái cơ cấu toàn diện, hướng đến sự phục hồi và phát triển bền vững hậu dịch bệnh, việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế đồng nghĩa với việc trạng thái trước dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng quay lại.

Cân nhắc lợi ích - chi phí của tất cả các bên liên quan, đứng từ góc độ người làm chính sách, cần hết sức thận trọng và có lộ trình mở cửa rõ ràng, từng bước, không chủ quan, nóng vội trong việc mở lại đường bay quốc tế. Ở thời điểm này, việc xây dựng những “hành lang an toàn” cần tiếp tục thực hiện trên cơ sở lựa chọn những quốc gia, khu vực thực sự đã khống chế và kiểm soát được dịch, có cơ sở dữ liệu để truy vết với những ca nghi nhiễm, và ưu tiên những đối tác quan trọng, có lưu lượng khách du lịch tới Việt Nam lớn.

Một nhiệm vụ cấp thiết nữa là sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, cả trong nước và với nước đối tác, trong việc đưa ra quy trình nhập cảnh tiêu chuẩn, xem xét yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay và trước khi nhập cảnh, theo dõi y tế, giám sát và truy vết với đối tượng người nhập cảnh trên cơ sở tích cực ứng dụng công nghệ mới, đảm bảo sự thuận tiện và thoải mái cho du khách.

Ở thời điểm gần mở cửa, việc xây dựng những “điểm đến an toàn”, các lộ trình, tour du lịch có sự kiểm soát y tế, sự tham gia của doanh nghiệp, người dân để tạo nên một hệ sinh thái du lịch mới, thích ứng với thời kỳ dịch bệnh là hết sức cần thiết.

Cuối cùng, an toàn của người dân trong nước và khách du lịch luôn phải được đặt lên hàng đầu, cần xây dựng phương án và luôn sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp, đặt ra những kịch bản để phản ứng kịp thời, phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh từ khi mới bùng phát, khoanh vùng và giảm thiểu thiệt hại một cách nhanh nhất.

(1) https://nhandan.com.vn/giao-thong/kien-nghi-mo-lai-mot-so-duong-bay-quoc-te-609959/

(2) http://dangcongsan.vn/kinh-te/kho-khan-chong-chat-voi-cac-doanh-nghiep-du-lich-561920.html

(3) http://dangcongsan.vn/kinh-te/bai-2-phuc-hoi-nganh-du-lich-thoi-covid-19-557022.html

(4) Tổng cục Thống kê (2020). Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2020. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=19721

(5) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/kho-khan-voi-lao-dong-nganh-du-lich-trong-bao-covid-19-456544/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới