(KTSG Online) - Ngân hàng thương mại được phép thành lập không quá 5 chi nhánh trong một năm tài chính. Số lượng chi nhánh mới mở tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm ít nhất 50% tổng số chi nhánh được phép thành lập.
- Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng cường quản lý rủi ro việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán
- Ngân hàng Nhà nước thanh tra 11 ngân hàng về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Sau 10 năm triển khai, Thông tư số 21/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo thông tư "Quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại" thay thế Thông tư 21.
TTXVN dẫn thông tin từ đơn vị soạn thảo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhằm hạn chế tình trạng phân bổ mạng lưới hoạt động không đồng đều giữa khu vực nông thôn, vùng sâu và khu vực thành thị, đồng thời khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển mạng lưới ngoài khu vực thành thị, dự thảo sửa đổi mục 4, Điều 7 như sau: ngân hàng thương mại được phép thành lập không quá 5 chi nhánh trong một năm tài chính. Số lượng chi nhánh được phép thành lập tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm ít nhất 50% tổng số chi nhánh được phép thành lập trong một năm tài chính.
Một trong những mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra là đến cuối năm 2025 có ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%.
Chính vì thế, Thông tư 21 sẽ được sửa đổi theo hướng khuyến khích các tổ chức tín dụng mở mới các chi nhánh, phòng giao dịch ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời giảm dần chi nhánh, phòng giao dịch ở khu vực thành thị, nhằm góp phần hiện thực hoá Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.