(KTSG Online) - TPHCM là đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế của cả nước và là địa phương đang được Trung ương chỉ định thí điểm nhiều vấn đề mới; được phân cấp, phân quyền nhưng thực sự vẫn chưa có quy định hoặc nhiều quy định đã không còn phù hợp. Đây là những tồn tại, khó khăn được lãnh đạo TPHCM báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc của Đoàn công tác Trung ương với thành phố sáng nay 23-9.
- Kinh tế TPHCM đã tăng trưởng dương sau thời gian dài giảm sâu
- TPHCM có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP đặt ra từ đầu năm
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TPHCM đã xây dựng 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh với 9 nhóm giải pháp trọng tâm. Thành ủy đã chủ động ban hành nghị quyết cho giai đoạn phục hồi ngay khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Tình hình phục hồi và phát triển thành phố trong 9 tháng năm 2022 có nhiều khởi sắc và khá đồng bộ. Tổng thu ngân sách 9 tháng năm 2022 đạt trên 90% (tương đương 350.000 tỉ đồng). Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại - dịch vụ - du lịch phục hồi mạnh mẽ; thu hút FDI đạt 2,91 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng nêu những hạn chế yếu kém của thành phố: Là đầu tàu kinh tế của cả nước được chỉ định thực hiện nhiều vấn đề mới nhưng nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch cấp quốc gia luôn thiếu; thành phố được phân cấp, phân quyền nhưng các quy định chưa có hoặc đã không phù hợp khiến cơ chế vận hành của thành phố chậm triển khai.
Bên cạnh đó, tiềm lực phát triển của thành phố còn nhiều song mô hình công xưởng gia công giá rẻ đã không còn phù hợp; cần nhiều chính sách mới của Trung ương để thu hút khoa học công nghệ và đầu tư những lĩnh vực sản xuất đem lại giá trị cao hơn…
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận những kiến nghị của TPHCM về việc xin cơ chế ưu tiên các nguồn lực tài chính và cơ chế huy động các nguồn lực tài chính mà thành phố có nhiều lợi thế; xin mở rộng việc phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố; hoàn thiện thể chế cho thành phố Thủ Đức phù hợp với quy mô và vai trò theo mô hình thành phố trong thành phố… Ông biểu dương TPHCM đã có sự phục hồi, phát triển ấn tượng khi vực dậy từ kết quả tăng trưởng âm năm 2021, đến tăng trưởng 3,82% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Nhằm tháo gỡ ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực hiện nay, Tổng Bí thư đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa việc cơ cấu lại nền kinh tế của thành phố gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Thành phố sớm khắc phục tình trạng yếu kém về hạ tầng giao thông hiện nay, có các giải pháp căn cơ hơn để xử lý các vấn đề về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cấp nước, thoát nước, chống úng ngập; xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm” và ghi nhận, Trung ương sẽ sớm định kỳ hàng năm, hoặc khi cần thiết tổ chức làm việc ngay với TPHCM để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển...
Theo TTXVN, VOV