Thứ Hai, 9/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mở showroom nhưng lại bỏ quên trải nghiệm khách hàng

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Showroom hay điểm giới thiệu sản phẩm là nơi rất tốt để doanh nghiệp tiếp cận và chinh phục khách hàng thông qua việc tư vấn, dùng thử trực tiếp sản phẩm. Thế nhưng, đáng tiếc là một số doanh nghiệp Việt Nam tuy bỏ tiền đầu tư nơi trưng bày sản phẩm nhưng lại xem nhẹ việc trải nghiệm của khách hàng.

Ủng hộ hàng Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của nhiều người nhưng để mua thì cần trải nghiệm thực tế sản phẩm và cần cả sự tư vấn của doanh nghiệp. Mở showroom hay điểm giới thiệu sản phẩm là cách tiếp cận trực tiếp để khách hàng tìm hiểu và trải nghiệm sản phẩm qua sử dụng tại chỗ.

Không có gì thuyết phục tốt hơn khi khách hàng được xem sản phẩm trực tiếp, chứng kiến sản phẩm hoạt động ra sao và sử dụng thử để tìm hiểu tính năng. Một điểm quan trọng nữa là khách hàng cần được tư vấn để chọn mua được sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng, túi tiền của họ. Khâu tư vấn này rất quan trọng với các sản phẩm thiết bị có nhiều dòng, nhiều mẫu mà người nắm rõ nhất không ai hơn là nhân viên doanh nghiệp sản xuất ra các thiết bị này.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chú trọng đến việc mở điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm nhưng lại bỏ quên phần giúp khách hàng trải nghiệm, hoặc đã làm tốt khi mới mở nhưng sau đó lại không duy trì được.

Cách đây chừng ba năm, người viết bài này thường ghé mua áo mưa tại điểm trưng bày của một thương hiệu Việt Nam ở đường Thạch Thị Thanh (quận 1, TPHCM). Lúc điểm này mới mở, sản phẩm được trưng bày đầy đủ, sắp xếp dễ tìm và có thể mặc thử thoải mái. Nhân viên rất nhiệt tình hỏi nhu cầu của khách để giới thiệu mẫu mã, tư vấn chọn lựa.

Thế nhưng, khi ghé lại đây vào tuần trước, điểm trưng bày nói trên vẫn còn đó nhưng nhân viên không hề “ngó” đến khách mà chỉ chăm chú lo đóng gói hàng hóa. Các loại áo mưa được xếp dồn đống rất khó lựa chọn, chưa kể phần lớn diện tích được dành chỗ để chứa các thùng hàng như trong một nhà kho hơn là điểm trải nghiệm sản phẩm. Từ khi khách bước vào đến khi thất vọng bước ra khỏi điểm trưng bày này, không có nhân viên nào nhìn hay hỏi dù trên website doanh nghiệp vẫn giới thiệu đây là điểm trưng bày và bán sản phẩm.

Tương tự, tại một showroom của một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng về thiết bị điện nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM), nhân viên cũng để mặc khách tha thẩn đi xem hàng vì còn “bận” dùng điện thoại hay “tám” chuyện với nhau. Showroom này không bán hàng, có nghĩa nhiệm vụ chính là tư vấn để giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm. Thế nhưng, nhân viên phụ trách lại không tư vấn và chỉ làm đúng một việc là khi khách hàng hỏi mua thì chỉ qua tiệm bán đồ điện ở đối diện showroom.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài lại rất chú trọng đến việc khách hàng trải nghiệm sản phẩm của công ty. Chẳng hạn, gần đây, khi có nhu cầu mua máy khoan dùng pin, người viết bài này ghé một điểm trưng bày dụng cụ cầm tay của một thương hiệu Trung Quốc. Ngoài việc đầy đủ mẫu mã nhiều dòng máy, nhân viên còn hỏi kỹ nhu cầu sử dụng để giúp khách lựa chọn đúng sản phẩm cần thiết và điểm được đánh giá cao là người tư vấn rất am hiểu về sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất.

Việc bán hàng tại điểm trưng bày cũng là điểm khách hàng cần vì sau khi tìm hiểu, khách có thể mua luôn tại chỗ. Dù giá bán tại điểm trưng bày có thể cao hơn tại đại lý bán lẻ một chút nhưng khách hàng vẫn thấy thuận tiện và an tâm hơn vì bảo đảm chắc chắn đó là hàng thật.

Không chỉ doanh nghiệp trung bình mà các doanh nghiệp lớn như Apple, Samsung… cũng đặt trải nghiệm sản phẩm trực tiếp của khách hàng lên hàng đầu thông qua các showroom được đầu tư rất bài bản với đội ngũ nhân viên tư vấn chuyên nghiệp.

Muốn người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt Nam thì cần nhiều biện pháp. Trong đó, việc tăng trải nghiệm của khách hàng là điều không thể bỏ quên hay xem nhẹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới