“Mở toang” cánh cửa cho đảo ngọc Phú Quốc
T.H
(TBKTSG Online) - Một trong những vấn đề kinh tế đáng chú ý trong những ngày qua là dự án Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, khai mạc vào ngày 23-10.
![]() |
Theo đề án, đô la Mỹ được lưu hành tự do cùng tiền đồng Việt Nam tại đảo Phú Quốc. |
Tại đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc, Kiên Giang đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù. Theo đó, chính sách nhà ở cho phép người nước ngoài vào làm việc tại đặc khu có thời gian hợp đồng 3 tháng trở lên, được mua nhà tại đây.
Người nước ngoài được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu. Tổ chức, cá nhân nước ngoài (không bị giới hạn về điều kiện cư trú) được tự do mua bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu. Bao gồm nhà chung cư, nhà ở có sân vườn hoặc nhà liên kế, với thời hạn vĩnh viễn (đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự) hoặc thời hạn 99 năm đối với nhà chung cư.
Kiên Giang cũng muốn các dự án xây dựng nhà ở được hưởng chính sách ưu đãi đất đai và thuế cao nhất đối với các ngành nghề thuộc ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn (thuộc nhóm 200 tập đoàn hàng đầu thế giới) đặt trụ sở, chi nhánh tại đặc khu được miễn tiền thuê mặt bằng hoặc tiền thuê đất xây dựng trụ sở.
Với chính sách hỗ trợ tài chính nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao thì lao động là người nước ngoài, ngoài việc hưởng lương theo thỏa thuận (đối với các doanh nghiệp), còn được miễn thuế thu nhập cá nhân. Một chính sách đặc thù khác là lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong đặc khu Phú Quốc được miễn cấp giấy phép lao động.
Dự án Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt với nhiều cơ chế được đánh giá là đột phá và vượt trội. Qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng xây dựng được ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thành ba đặc khu kinh tế có môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tác động lan tỏa tới các địa phương trong cả nước. |
Trong chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng, phương án tại đề án là thành lập Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Quốc thực hiện chức năng quản lý tiền tệ, giám sát hoạt động ngân hàng và được Ngân hàng Nhà nước ủy quyền xác nhận đăng ký các khoản giao dịch vốn cho người cư trú và người không cư trú theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối tại đặc khu.
Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành chủ yếu trong đặc khu, cho phép đồng đô la Mỹ được lưu hành tự do trong đặc khu, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang đô la Mỹ.
Để khuyến khích và thu hút đầu tư, Kiên Giang còn đưa ra phương án là đối với các hợp đồng kinh tế có yếu tố nước ngoài phát sinh trong đặc khu, trường hợp các bên có liên quan cùng thống nhất có thể lựa chọn bất kỳ hệ thống luật pháp của nước nào để giải quyết tranh chấp. Trường hợp trong hợp đồng kinh tế không quy định cụ thể thì áp dụng luật pháp Việt Nam để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Mời bạn đọc cùng chia sẻ quan điểm về chính sách cho đặc khu kinh tế Phú Quốc.