Thứ Sáu, 18/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mở tour xem chim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở tour xem chim

Hồng Phúc

Mở tour xem chim
Nguyễn Hoài Bão (hàng trước, giữa), trong một chuyến đưa khách đi xem chim. Ảnh: TƯ LIỆU.

(TBKTSG) - “Nếu được mơ ước lại, tôi vẫn sẽ làm bạn với chim”, Nguyễn Hoài Bão, một trong những nhà điểu học hàng đầu Việt Nam, Giám đốc Công ty Vietnam Wildtour, công ty có thị phần lớn nhất về tổ chức các tour đưa khách đi xem chim hiện nay, cho biết khi kể câu chuyện khởi nghiệp của mình.

Từ thú vui kỳ lạ

Xem chim là thú vui kỳ lạ. Người xem có khi không quan tâm đến màu sắc của con chim mà chỉ cần biết đến sự xuất hiện của nó, biết được sự tồn tại của nó trên đời. Và đôi khi, người ta chỉ cần nghe tiếng một con chim chưa thấy lần nào trong đời cũng đã hạnh phúc.

Xem chim là thú vui tốn kém, cực nhọc, dù mưa hay nắng cũng thức khuya dậy sớm chỉ để đi theo tiếng chim. Mỗi ngày có khi người xem phải leo núi băng rừng hàng chục cây số, rình rập ngó nghiêng mà chẳng thấy bóng dáng chim. Ăn uống đôi khi chỉ một mẩu bánh mì, khi thì trái chuối, gói xôi lót dạ. Giới xem chim hay dùng từ “crazy lovely”, ý nói những người xem chim là điên điên khùng khùng nhưng dễ thương. Với những người đã xem khoảng 5.000 loài chim trên thế giới, để xem thêm được một loài mới có thể phải bỏ ra đến 10.000 đô la Mỹ.

Anh Bão chia sẻ: “Cái hay là trong cuộc đời này có rất nhiều thứ để tìm hiểu. Khi tìm hiểu là ta được chinh phục và hiểu biết. Đam mê xem chim cũng được coi như một môn thể thao. Môn này chọn rất kỹ người chơi. Con chim có đặc điểm là không bao giờ đứng yên một chỗ, cũng không đoán trước được hành trình của nó. Sự không đoán trước đó tạo ra sự thú vị, đòi hỏi người xem chim phải đằm thắm, chịu khó, kiên nhẫn và phải hiểu biết về chim”.

Với gần 900 loài chim, trong số đó có khoảng 70 loài có tầm quan trọng đặc biệt Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có quần thể chim đa dạng sau các quốc gia Nam Mỹ (Nam Mỹ có hơn 1.000 loài, trong đó Peru có tới 1.500 loài). Cùng với Thái Lan, Indonessia, Malaysia, Việt Nam gần đây trở thành điểm đến của giới mê chim và điểu học.

Vietnam Wildtour của Nguyễn Hoài Bão là công ty nhỏ, có chưa tới 10 nhân viên, nhưng là công ty chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam trong việc tổ chức các tour du lịch xem chim trên khoảng 15 khu vực tại Việt Nam.

Nguyễn Hoài Bão lớn lên với bầy chim, bầy vịt ở Cam Lộ, Quảng Trị. Cũng là tuổi thơ chạy rông trên đồng bắt chim, tát cá, rồi mê chim tự bao giờ. Anh chịu khó hỏi tên từng loại chim và ngồi hàng giờ ngắm chúng.

Anh thi đậu vào khoa Sinh, trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM. Học xong, anh được giữ lại trường, trở thành giảng viên ngành động vật học. Từ đó, anh bắt đầu đi sâu nghiên cứu các loài chim và việc bảo tồn chúng.

Một hôm, anh đăng ký làm thành viên trang web của những người mê chim, birdingpal, và sau đó được nhiều thành viên ở nước ngoài nhờ đưa đi xem các loài chim ở Việt Nam. Khi thì hùn tiền với họ, khi thì được họ bao trọn gói và hướng dẫn họ như bạn đồng hành, rồi làm thêm điều phối viên cho các dự án về sinh thái, anh ngày càng được giới xem chim nước ngoài biết đến.

Đến ước mơ bảo tồn môi trường sinh thái

Năm 2001, Bão tốt nghiệp đại học. Tháng 11-2005, Bão cùng hai người bạn lập ra Vietnam Wildtour với số vốn 4 triệu đồng, chuyên tổ chức tour xem chim. Anh kể: “Mình thấy nhiều người nước ngoài quan tâm đến việc bảo tồn chim, động vật hoang dã, người dân bản địa và hệ sinh thái, lại sẵn sàng chi tiêu. Đặc biệt, khách Anh, Mỹ, Úc, Đức, Hà Lan rất thích môn xem chim. Đây là cơ hội phát triển thành nghề”.

Gom góp thêm được 10 triệu đồng, cả ba thuê mặt bằng mở văn phòng ở đường Lê Lai (quận 1) và tuyển thêm một nhân viên. Họ dự kiến sẽ bù lỗ trong ba năm để phát triển thị trường. Thế nhưng mới năm đầu công ty đã lỗ gần 100 triệu đồng. Hai người bạn của Bão đã phải đi kiếm việc khác. Nhờ bố mẹ cầm sổ đỏ vay ngân hàng được 50 triệu đồng, anh vẫn không bỏ cuộc và tin rằng mình sẽ thành công.

Năm 2006, công ty bắt đầu có khách, vẫn một mình anh vừa làm giám đốc vừa dắt khách rong ruổi từ Bắc vào Nam, đến Ba Vì, Phan Xi Păng, Sa Pa, Bạch Mã, Tam Đảo, Cát Tiên, Tràm Chim, Đà Lạt, Phong Nha Kẻ Bàng, Cúc Phương... Năm đó anh đưa được bốn đoàn đi xem chim, mỗi đoàn 2-3 khách. Năm 2007, lần đầu tiên anh có được đoàn khách 10 người (đoàn đi xem chim thường không quá 10 người) và đi 3-4 tuần với doanh thu lớn.

Giá tour xem chim của Vietnam Wildtour cho đoàn khách sáu người đi trong ba tuần khoảng 3.800 đô la Mỹ/người, đoàn bốn người khoảng 4.200 đô la Mỹ/người. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với các công ty nước ngoài do họ phải gửi hướng dẫn viên sang Việt Nam và mất thêm chi phí ăn ở cho hướng dẫn viên. Còn nếu tự đi, khách sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí hơn.

Năm 2009 và 2010, ngoài khách Anh, Mỹ, công ty còn đón khách Nhật, Singapore. Họ là những người đam mê chim, yêu thiên nhiên. Có những người gửi danh sách 10-15 loài chim và yêu cầu chỉ cần thấy chúng, còn đi đâu, làm gì công ty tự tổ chức. Niềm đam mê quả kỳ lạ. Có những người anh gọi là khách amateur đi xem chim mà kiến thức về chim còn giỏi hơn cả những giáo sư điểu học hàng đầu thế giới.

Dịch vụ xem chim chỉ diễn ra được khoảng 3-4 tháng trong năm vì vướng mùa mưa. Hiện trung bình mỗi năm Vietnam Wildtour có năm tour dài ngày, hàng trăm tour ngắn ngày, số khách tăng lên mỗi năm, giá tour trung bình 3.000 đô la Mỹ/người. Hiện đã có khách đặt chỗ cho năm 2013. Công ty anh giờ có tám người, ngoài một số hướng dẫn viên tại địa phương, doanh số mỗi năm trung bình hơn 1 tỉ đồng. Từ hơn một năm nay, Vietnam Wildtour còn nhận đưa khách sang Campuchia, Lào và sắp tới là Myanmar. Nhận ra thị trường, một số doanh nghiệp cũng đã bắt đầu mở tour xem chim.

Mong ước của Bão là tổ chức được các tour cho giới trẻ, tham gia và làm các chương trình giáo dục môi trường. Anh cũng hỗ trợ các hoạt động cộng đồng để họ có ý thức tốt hơn về bảo tồn động vật và môi trường. “Ở Việt Nam, nhiều người nghĩ rằng chim quý có thể bán được nhiều tiền. Còn đối với người yêu chim, chim càng quý hiếm càng cần giữ môi trường sống cho chim. Muốn giữ chim phải giữ sinh cảnh sống của chúng, giữ môi trường sống của chúng”, anh nói.

Hiện nay Bão và các cộng sự vẫn tập trung vào dịch vụ xem chim, nhưng đầu tư nhiều vào chất lượng tour. “Hạnh phúc nhất là sống được bằng đam mê của mình. Khi làm việc, tôi quên mất mình cần kiếm tiền, mà chỉ cần thấy một con chim đã rất vui. Chỉ cho khách xem, niềm vui còn được nhân đôi, nhân ba”, anh tâm sự, “Hồi nhỏ ở quê, chim đầy trong vườn, giờ đây mỗi lần đi Tây Nguyên lại muốn rơi nước mắt vì rừng bị mất quá nhanh”.

Nạn phá rừng, ý thức bảo vệ sinh thái kém, cùng với thói quen ăn thịt chim, chơi chim, thú hoang dã đã khiến Việt Nam đứng đầu danh sách báo động các nước có tỷ lệ đa dạng sinh học cao nhưng số lượng cá thể thấp. Tại sao người nước ngoài sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đô la Mỹ để đến xem một con chim mà ta thì ra sức phá hủy môi trường? Trăn trở với câu hỏi đó, cuối tuần anh lại xách máy ảnh, ống nhòm vào rừng. n

Khướu Kon Ka Kinh Garrulax konkakinhensis (Chestnut-eared Laughingthrush), bộ Passeriformes - họ Tilamidae, được mô tả lần đầu tiên cho khoa học năm 2001 (Eames & Eames, 2001), mẫu thu được lúc đó ở độ cao 1.600-1.700 mét tại vùng núi thuộc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Tuy nhiên, chúng hầu như không được nhìn thấy cho đến tháng 8-2010, khi đoàn khám phá của Vietnam Wildtour thực hiện khảo sát tại Lâm trường Mang Đen, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Đây là loài đặc hữu của Việt Nam (loài chỉ có ở Việt Nam) và được xếp vào bậc VU (độ quý hiếm bậc 3) trong sách đỏ thế giới 2010. Để xem được loài này, khách xem chim phải lặn lội đến vùng xa xôi hẻo lánh ở tỉnh Kon Tum. Hai năm gần đây từ khi tái phát hiện khướu Kon Ka Kinh, nhiều du khách đã không quản ngại khó khăn, tốn kém để xem bằng được loài này.Ảnh: Hoài Bão

_______

Công ty Vietnam Wildtour
55/8 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TPHCM
ĐT: 08.39153123
E-mail: info@vietnamwildtour.com
Website: www.vietnamwildtour.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới