“Mọi đen” và lịch sử
Ngô Thị Giáng Uyên
![]() |
minh họa: Khều. |
(TBKTSG) - Bạn không đọc nhầm đâu, tôi thật sự đã dùng chữ đó làm nhan đề bài này. Cần phải nói rõ tôi không phân biệt chủng tộc, không chỉ vì tôi sống ở Anh - một đất nước xem phân biệt chủng tộc là tội đáng khinh chỉ kém giết người và lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Chữ “mọi đen” tôi để trong ngoặc kép cũng không hàm ý chế giễu khinh miệt mà đơn giản chỉ nhằm trích dẫn lại một vấn đề gây tranh cãi.
Từ chuyện của người phương Tây da trắng
Cách đây không lâu, tôi có đọc một bài báo chuyên mục văn hóa trên tờ Economist, viết về việc mới đây, bản in hai cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” và “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” đã bỏ hẳn những chữ như nigger (mọi đen) và injun (mọi da đỏ) - những chữ được xem là tối kỵ trong xã hội hiện đại. Thay vào đó, bản in dùng chữ slave (nô lệ) cho toàn bộ hàng trăm chữ nigger trong tác phẩm của Mark Twain để không gây ấn tượng xấu cho các độc giả trẻ tuổi.
Bài báo không đồng tình với thay đổi đó, cho rằng làm như vậy đã che giấu một điều quan trọng khiến giới trẻ không cảm nhận được thân phận và cảm xúc của người da đen hoặc nô lệ nếu không biết họ từng bị gọi là gì và bị đối xử như thế nào. Hơn nữa, những chữ ta dùng trong cuộc sống không phải được chọn lựa một cách ngẫu nhiên hoặc bị sai khiến bởi một cuốn từ điển; chúng phản ánh mối quan hệ giữa người với người trong xã hội qua từng thời kỳ.
Với riêng tôi, dù thế nào đi nữa bạn cũng không thể thay đổi được lịch sử, không thể che đậy lịch sử. Cũng như trong “Cuốn theo chiều gió”, việc Margaret Mitchell để các nhân vật thiện tham gia đảng Klu Klux Klan khiến không ít người khi đọc đến đó đã nhướng mày, nhưng theo tôi, bà không cổ vũ nạn phân biệt chủng tộc mà vì đó là buổi giao thời với nhiều vấn đề nan giải, sau khi miền Nam thất thủ trong cuộc nội chiến của nước Mỹ.
Trước khi đọc bài báo trên tờ Economist nói trên, tôi đã trò chuyện với vài người bạn ở Anh về vấn đề này, chúng tôi có cùng suy nghĩ. Huck Finn gọi cậu bé da đen Jim là “mọi đen” vì Huck sống ở miền Nam nước Mỹ trong bối cảnh những năm 1830-1840, giai đoạn trước cuộc nội chiến giải phóng nô lệ, và “mọi đen” là chữ người da trắng gọi người da đen thời kỳ đó chứ không phải vì Mark Twain cố ý miệt thị người da đen. Nếu một tác giả đương đại năm 2011 để nhân vật trong tác phẩm của mình dùng chữ “mọi đen” mới là chuyện cần lên án.
(Tiện thể, ở Việt Nam hiện dùng chữ “da màu” như một cách nói lịch sự chỉ người da đen. Nếu bạn sang Anh, đừng dịch chữ này sang chữ “coloured” vì đó là từ ngữ mang tính khinh miệt, hãy gọi đơn giản là “black”, da đen).
...Đến chuyện người Việt da vàng
Tôi chưa sống ở phương Tây vài chục năm để nói mình hiểu hết tường tận mọi vấn đề ở đây, nhưng cũng đủ để nhận biết nơi tôi sống rất coi trọng sự phong phú chủng tộc. Và dường như chính người da vàng mới là người phân biệt chủng tộc nhất.
Trong phim truyền hình “Lost” có đoạn một người Mỹ gốc Phi bị một người Hàn Quốc tấn công. Khi được can ngăn và hỏi lý do, người Mỹ gốc Phi đã trả lời: “Anh có biết cuộc sống ở Mỹ không? Tôi sống ở Mỹ, và ở Mỹ dân gốc Hàn Quốc không ưa dân da đen như tôi”. (Không biết có phải vì bị phản ứng mà ở tập sau, nhà làm phim đã cho anh này đính chính: “Lúc đó tôi chỉ nói vậy thôi chứ không có ý đó”).
Còn tai nghe mắt thấy, có lần tôi đi mua sắm ở một cửa hàng Việt Nam ở London, người bán trò chuyện với nhau than hôm nay ế ẩm và kết luận: “Chắc sáng nay ra ngõ gặp Tây đen”. Nếu người bản xứ hiểu được tiếng Việt và ý nghĩa câu nói đó, người nói có thể bị ra tòa và đi tù.
Dĩ nhiên người da trắng phương Tây ngày nay vẫn có những người phân biệt chủng tộc, hoặc coi thường phụ nữ, hoặc ghét người đồng tính, nhưng đó chỉ là những cá thể chỉ dám thể hiện ngấm ngầm, còn nền tảng xã hội vẫn là ý thức và ứng xử văn hóa tiến bộ. Chỉ cần một lần đối xử xấu với người đồng tính hoặc người khuyết tật chẳng hạn, bạn có thể mất việc làm và hồ sơ cá nhân có tiền sự, đối với những nghề như phóng viên càng phải cẩn thận hơn gấp nhiều lần.
Tôi đã nghe có nhiều người Việt nói “sống ở phương Tây rất mất tự do”. Chắc cũng sẽ có người nghĩ sống ở Việt Nam tự do hơn: tự do miệt thị bọn da đen, bọn dân tộc thiểu số, bọn què, bọn pêđê, tự do coi thường đàn bà, tự do xem người mẫu 12 tuổi trình diễn thời trang để ta chụp hình lộ quần lót đăng báo...
Một xã hội với những thứ “tự do man rợ” đi ngược với xu hướng thế giới văn minh đó còn tệ gấp ngàn lần chữ “mọi đen” ở trên. Bối cảnh truyện của Mark Twain diễn ra cách đây gần hai trăm năm chứ không phải ở thế kỷ 21, khi người ta đã tiếp cận những tư tưởng văn minh nhưng vẫn làm ngơ mặc cái xấu hoành hành.