Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Mọi gánh nặng sẽ đặt lên sàn thương mại điện tử’

Cẩm Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Quy định sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), có thể giúp giảm đầu mối kê khai, giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, nhưng gánh nặng này sẽ lại đặt lên các sàn vốn không có chuyên môn và không phải là đại lý thuế.

Mâu thuẫn với nhiều luật hiện hành

Theo kế hoạch, dự thảo một luật sửa bảy luật thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Quản lý thuế, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 khai mạc ngày 21-10-2024.

Trong đó, đáng chú ý là Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4, điều 42 Luật Quản lý thuế theo hướng: các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến (sau đây gọi là sàn TMĐT) sẽ chịu trách nhiệm kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn này.

Đề xuất này nhằm cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu mối kê khai, đáp ứng việc kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho các hộ, cá nhân có phát sinh hoạt động TMĐT. Thay vì hàng chục ngàn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai thuế thay, nộp thuế thay. Quy định này cũng giúp mở rộng nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quí 3-2024 của ngành tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, qua phỏng vấn sàn TMĐT trong nước, giám đốc các doanh nghiệp này đều khẳng định chính sách được ban hành thì họ có thể thực hiện được việc khai và nộp thay cá nhân bán hàng trên sàn(1).

Tuy vậy, trong văn bản góp ý sửa đổi Luật Quản lý thuế, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) không đồng tình với đề xuất trên ở nhiều góc độ.

Trước hết, theo VECOM, sửa đổi như vậy là mâu thuẫn với một số luật khác. Cụ thể, sàn TMĐT không phải đối tượng thuộc năm trường hợp tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cho cá nhân được quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Do đó, việc buộc trách nhiệm cho các sàn TMĐT phải kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn (gọi chung là người bán) là không phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, Luật Thuế giá trị gia tăng quy định rõ người nộp thuế này là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng. Luật này cũng chưa cho phép áp dụng cơ chế khấu trừ, quyết toán, hoàn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Như vậy, quy định tại khoản 4, điều 42 của dự thảo luật cũng mâu thuẫn với Luật Thuế giá trị gia tăng và không khả thi, đặc biệt sẽ dẫn đến thiệt thòi cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong trường hợp nộp thừa thuế.

Sàn phải chi hàng chục tỉ đồng mỗi năm để khai, nộp thuế thay

Đặc biệt, VECOM cho rằng quy định trên không phù hợp với thực tế và tạo ra nhiều gánh nặng cũng như chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Hiện, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng được áp dụng với nhiều mức thuế khác nhau cho các đối tượng, hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Việc phân loại người bán, cũng như phân loại mặt hàng, dịch vụ để tính toán mức thuế, kê khai và nộp thuế hầu như chưa thể thực hiện được một cách tự động đối với các sàn TMĐT. “Về bản chất, việc kê khai thay, nộp thuế thay chính là thu thuế thay cho cơ quan thuế. Đây là vấn đề nằm ngoài chuyên môn, lĩnh vực hoạt động chính của các sàn TMĐT nên sẽ tạo cho các sàn gánh nặng trong việc đầu tư và vận hành”, VECOM lo ngại.

Dẫn khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào năm 2022, VECOM cho biết, dự kiến, quy định kê khai thay, nộp thuế thay này đòi hỏi các sàn TMĐT phải đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Khoản tiền này dùng cho việc bổ sung nhân sự chuyên môn, thay đổi cấu trúc tổ chức và vận hành, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống, công nghệ, cơ sở dữ liệu... nhằm phục vụ việc thực hiện trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán, thay vì tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công việc kinh doanh cốt lõi.

“Mặc dù quy định này có thể giúp giảm đầu mối kê khai, giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, nhưng thực chất mọi gánh nặng sẽ được đặt lên các sàn TMĐT vốn không có chuyên môn và không phải là đại lý thuế. Điều này gây lo lắng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế”, VECOM nêu.

Ngoài ra, kinh nghiệm tại các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Mỹ..., đều không có quy định yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay (đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân) cho người bán. Người bán tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ về thuế của mình. Vì thế, VECOM đề xuất loại bỏ quy định trên.

Bộ Tư pháp băn khoăn, Bộ Tài chính vẫn kiên định

Thẩm định chính sách này, Bộ Tư pháp cũng băn khoăn về tính khả thi, khi Bộ Tài chính chưa có đánh giá về khả năng khai thuế thay, nộp thuế thay của nhà quản lý sàn TMĐT và chi phí phát sinh với nhà quản lý sàn TMĐT. “Nội dung này có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các nhà quản lý sàn TMĐT nên cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm tính hợp lý, khả thi”, Bộ Tư pháp đề nghị.

Giải trình ý kiến thẩm định, Bộ Tài chính cho biết, sàn TMĐT nắm được đầy đủ thông tin về người bán (mã số thuế/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ), cũng như thông tin về các giao dịch bán hàng thành công, doanh thu, chi phí của các cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên sàn. Đây là những thông tin cần thiết để thực hiện kê khai thuế.

Ngoài ra, cách tính thuế với hộ kinh doanh là đơn giản, dễ thực hiện. Số thuế phải nộp được tính theo tỷ lệ trên doanh thu, tỷ lệ tính thuế của hoạt động cung cấp kinh doanh hàng hóa là 1,5% (gồm 1% thuế giá trị gia tăng, 0,5% thuế thu nhập cá nhân).

Bên cạnh đó, các sàn TMĐT hầu như kiểm soát dòng tiền của người bán, trường hợp không kiểm soát được dòng tiền có thể yêu cầu cá nhân đóng tiền phí trả cho sàn cùng tiền thuế phải nộp để tiếp tục hoạt động trên sàn. Do đó, sàn TMĐT có đủ khả năng và chế tài để thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân cung cấp hàng hóa thông qua sàn, Bộ Tài chính khẳng định.

Cũng theo Bộ Tài chính, quy định này có thể làm tăng thủ tục hành chính đối với sàn TMĐT, như làm phát sinh chi phí trong việc tổ chức thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn. Tuy nhiên, sàn đã có sẵn các thông tin để thực hiện khai thay mà không mất thêm chi phí để thu thập thông tin, việc tính thuế là đơn giản, sàn có khả năng kiểm soát dòng tiền và có chế tài để yêu cầu người bán nộp tiền thuế. Đồng thời, cơ quan thuế cũng sẽ thiết kế các ứng dụng hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế, tạo thuận lợi tối đa trong việc thực hiện khai thay, nộp thay, góp phần giảm chi phí cho sàn TMĐT.

Với những lập luận trên đây, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quy định này trong dự thảo mới nhất của một luật sửa bảy luật. Dự thảo này được Quốc hội xem xét và thông qua theo quy trình một kỳ họp. Điều này có nghĩa, khi kỳ họp thứ 8 kết thúc vào tháng 11 tới đây, việc sàn TMĐT có phải kê khai, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh qua sàn hay không sẽ “ngã ngũ”.

Khoản 5, điều 6 của dự thảo một luật sửa bảy luật thuộc lĩnh vực tài chính quy định: đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua sàn TMĐT hoặc các nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) hoặc các tổ chức khác có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số không thuộc đối tượng được khai thay, nộp thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về các đối tượng, hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

(1) https://tuoitre.vn/de-xuat-san-thuong-mai-dien-tu-khai-nop-thue-thay-nguoi-ban-hang-20240927120657447.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Các sàn TMĐT kêu khóc tăng chi phí vậy thôi chứ khách hàng/người sử dụng luôn là bên chịu mọi chi phí, tính hết vào giá sản phẩm/dịch vụ thôi mà.

    Bên được lợi nhất là nhà nước, thu được thuế mà không tốn công sức nhất là trong những trường hợp này số thuế thu thì nhỏ nhưng số lượng người nộp thuế thì lớn (quên đi chuyện đóng thuế hàng chục tỷ, số đấy không biết có được 0.1%).

    Bên được lợi thứ hai chính là các sàn TMĐT, họ phải làm thêm việc – dù là pháp luật yêu cầu cho lĩnh vực kinh doanh của họ – nhưng họ sẽ tính hết chi phí cho khách hàng (là người bán hàng). Không những thế chắc chắn họ sẽ tính phí nhiều hơn chi phí thực (mà họ kêu ca phải bỏ ra thêm) để tranh thủ kiếm lời, không cần làm gì các sàn TMĐT vẫn sáng tạo thêm các loại phí mỗi năm đấy thôi.

    Người bán hàng vì ngại thủ tục lằng nhằng sẽ bị tính thêm phí, ví dụ nếu sau khi thực hiện thu thuế hộ các sàn TMĐT “sáng tạo” thêm ra một loại phí là 1% doanh thu chẳng hạn, thì coi như người bán hàng đã bị tăng thuế thêm khoảng 70% (thuế cá nhân bán hàng online là 1.5% doanh thu).

    Nếu ai hay mua hoặc là người bán hàng trên các sàn TMĐT như Shopee và Lazada (mà thực ra chỉ có 2 sàn này đang thống trị TMĐT VN) thì sẽ thấy những năm gần đây các sàn này càng ngày càng cố gắng tăng các loại phí và giảm trách nhiệm của mình, ai cứ thử gặp rắc rối với một đơn hàng mà muốn sàn hỗ trợ xem nó khó như thế nào, họ sẽ luôn đẩy sang cho hai bên mua-bán tự mà “xử” nhau. Không hiểu các sàn ăn 10% doanh thu trở lên để làm gì, thế nên hiển nhiên họ sẽ tận dụng mọi cơ hội để tăng phí, thu thuế là một cơ hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới