Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mới giải ngân hơn 22% vốn đầu tư công năm 2022

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các bước quy trình phê duyệt giải ngân vốn dự án theo Luật Đầu tư công rất chặt chẽ, không thể làm tắt, nên số giải ngân mới đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng giao tính tới hết tháng 5-2022, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Thành Trung - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) - cho biết Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó là chủ trương đầu tư ba dự án quan trọng quốc gia thuộc chương trình, gồm cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Biên Hòa – Vũng Tàu.

Ông Trung cho biết thêm về danh mục nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình, chỉ trong hơn 4 tháng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có 9 văn bản gửi các bộ, cơ quan và địa phương đề nghị rà soát, đề xuất danh mục, và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình.

Trên cơ sở đề xuất, rà soát của các bộ, cơ quan, địa phương, bộ đã có 8 văn bản báo cáo về danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc chương trình.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vẫn còn khiêm tốn khi chỉ đạt hơn 16% kế hoạch vốn Chính phủ giao trong bốn tháng đầu năm 2022. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, ông Trung cho biết ước thanh toán vốn đầu tư công mới đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng giao tính tới hết tháng 5-2022, cao hơn 0,25% so với năm 2021 nhưng đó lại là năm ghi nhận tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021.

Việc giải ngân thấp ở các tháng đầu năm, theo ông Trung, chưa khẳng định được tỷ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp. Điển hình là giai đoạn 2017-2021 với tỉ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm của cả giai đoạn chỉ đạt khoảng 22-26% kế hoạch.

Đáng lưu ý, năm 2019 là năm có tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm cao nhất với 26,4%, nhưng tỷ lệ giải ngân cả năm chỉ đạt 78,83%.

Ngược lại, năm 2021 là năm có tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm thấp nhất với 22,12%, nhưng là năm có tỷ lệ giải ngân cả năm cao thứ hai với đạt 95,7%. Tương tự là năm 2020.

Với những diễn biến này, ông Trung cho rằng đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm và thực tế này có xu hướng trở thành quy luật bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán.

Cũng theo ông Trung, mỗi giai đoạn thuộc một dự án đầu tư công đều chịu phi phối bởi rất nhiều luật như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác.

Điển hình là giai đoạn hình thành chủ chương, dự án chịu chi phối từ định hướng phát triển đất nước, phát triển ngành, quy hoạch chiến lược tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành.

“Đó là căn cứ để xác định có nên xây dựng dự án”, ông Trung nói.

Tương tự, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ KHĐT – cho rằng các dự án đầu tư công thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần tiến hành cẩn thận, từng bước theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện các cơ quan thực hiện xong bước đầu tiên là Thủ tướng thông báo với các bộ, ngành, địa phương liên quan danh mục dự án với số tiền cụ thể để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ KHĐT cũng có công văn hướng dẫn đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt các chủ trương đầu tư này trong thời gian sớm nhất để bộ tổng hợp.

Với bước hai, Bộ KHĐT sẽ tổng hợp danh mục các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trình Chính phủ xem xét, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phê duyệt.

“Đây là quy định theo Luật Đầu tư công, Nghị quyết 43 của Quốc hội. Bước này chúng tôi thực hiện rơi vào quí 3”, ông Phương nói.

Với bước ba, Thủ tướng giao cụ thể kế hoạch danh mục dự án, số vốn cho các bộ, ngành địa phương liên quan.

Với bước bốn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt quyết định đầu tư các chương trình dự án trong chương trình phục hồi. Sau khi phê duyệt kế hoạch đầu tư, có vốn mới có thể bắt đầu triển khai các hoạt động, các biện pháp giải ngân là giải phóng mặt bằng, đấu thầu thi công.

“Quy trình trong đầu tư công phải làm từng bước, không thể làm tắt được, nếu không sẽ vi phạm quy định pháp luật, hết sức cấm kỵ trong Luật Đầu tư công”, ông Phương nói.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ông Đỗ Thành Trung cho biết Bộ KHĐT sẽ tập trung vào tiếp tục rà soát danh mục và khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, trình Chính phủ, dự kiến đầu tháng 7 báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để phân bổ vốn cho từng nhiệm vụ, dự án, và bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện.

Tuy nhiên, để có thể khởi công các dự án, trong điều kiện triển khai tích cực cơ chế đặc thù về chỉ định thầu và phân cấp, thời gian hoàn tất các thủ tục liên quan cũng phải mất khoảng 5–6 tháng, dự kiến cuối năm 2022 mới bắt đầu thực hiện và giải ngân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới