Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mối lo ngại từ sự trỗi dậy của người ảnh hưởng tài chính trên mạng xã hội

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giáo dục và tư vấn tài chính ngày càng bị phó thác cho “đội quân” của các chuyên gia truyền thông xã hội không được đào tạo bài bản. Vì vậy, các nền tảng mạng xã hội đang trở thành mảnh đất kiếm tiền màu mỡ cho những kẻ lừa đảo cũng như những người ảnh hưởng không có đạo đức, sẵn sàng nhận tiền để đăng bài quảng bá vô tội vạ cho dịch vụ tài chính và sản phẩm đầu tư.

Người ảnh hưởng tài chính trên các mạng xã hội có lượng người theo dõi tăng trưởng nhanh hơn những người ảnh hưởng nói chung. Ảnh: Shutterstock

Các nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng hoạt động đầu tư tự định hướng trên toàn cầu hiện nay một phần được thúc đẩy bởi những người có ảnh hưởng tài chính trên mạng xã hội (finfluencers). Vấn đề là thế nào để nhà đầu tư biết liệu họ đang nhận được lời khuyên tốt hay xấu từ mạng xã hội?

Câu hỏi này đã bắt đầu thu hút sự chú ý từ các cơ quan nhà quản lý ở Mỹ. Tháng 8 năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cảnh báo về nạn gian lận đầu tư trên các mạng truyền thông xã hội. Cuối năm ngoái, SEC công bố cáo trạng cáo buộc tám cá nhân tham gia một kế hoạch lừa đảo chứng khoán trị giá 100 triệu đô la.

Theo cáo trạng, kể từ ít nhất là tháng 1-2020, 7 trong số các bị cáo đã tự quảng cáo mình là những nhà giao dịch thành công và thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi trên Twitter cũng như trong các phòng chat về chứng khoán trên mạng xã hội Discord.

Những người này bị cáo buộc mua một số cổ phiếu nhất định, sau đó khuyến khích lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội của họ mua những cổ phiếu này bằng cách đặt ra các mục tiêu giá hoặc cho biết họ đang mua, nắm giữ hoặc bổ sung thêm vị thế mua. Tuy nhiên, khi các giá cổ phiếu tăng, các cá nhân này liền chốt lời thẳng tay mà không hề thông báo.

Trong tháng 12 năm ngoái, SEC ra quyết định phạt siêu mẫu Kim Kardashian 1,26 triệu đô la Mỹ sau khi cô đăng bài quảng cáo đồng tiền ảo EMAX trên tài khoản Instagram cá nhân nhưng không tiết lộ rằng bản thân đã được trả 250.000 đô la để đăng bài viết đó. SEC cáo buộc bài viết quảng cáo này vi phạm các điều khoản chống chào mời trái phép của luật chứng khoán liên bang.

Tháng trước, Cơ quan quản lý tài chính Anh (FCA) đưa ra cảnh báo đối với “những người có ảnh hưởng tài chính” về những rủi ro pháp lý nếu họ khuyến khích các kế hoạch làm giàu nhanh chóng bất hợp pháp. Chẳng hạn, những người không có thẩm quyền có hành vi mời mọc, khuyến khích người khác tham gia một hoạt động đầu tư có thể đối mặt án tù cao nhất 2 năm và khoản tiền phạt không giới hạn.

“Không có cách nào để phân biệt những người có ảnh hưởng tài chính tốt với những người xấu”, Kevin Paffrath, một người ảnh hưởng tài chính, nói với 1,87 triệu người đăng ký theo dõi tài khoản của anh trên YouTube.

Bản thân Paffrath là một ví dụ điển hình. Ngay sau khi ra mắt quỹ hoán đổi danh mục MeetKevin Pricing Power ETF (vào tháng 12 năm ngoái, Paffrath bất ngờ bị liên lụy vì vụ bê bối xung quanh sự sụp đổ của nền tảng giao dịch tiền ảo FTX (Mỹ).

Paffrath thừa nhân anh đã kiếm được 289.000 đô la nhờ quảng bá FTX. “Chúng tôi ước gì đã không hợp tác với FTX”, anh nói. Paffrath là bị đơn trong vụ kiện tập thể của một nhóm nhà đầu tư nhằm vào một nhóm những người có ảnh hưởng trên YouTube đã quảng bá FTX.

Tuy nhiên, không giống như nhiều người ảnh hưởng tài chính khác, Paffrath đã có một số bằng cấp về tài chính. Trong đó, có một bằng cấp giúp anh có thể hoạt động như một cố vấn tài chính được cấp phép.

Hầu hết những người có ảnh hưởng tài chính khác trên mạng xã hội không hề được đào tạo bài bản về tài chính. Một báo cáo của  Performance Marketing World, công bố hồi tháng 8 năm ngoái, ước tính những người có ảnh hưởng tài chính có tốc độ tăng trưởng trung bình 8% hàng năm về số lượng người theo dõi trên mạng xã hội vào năm 2021. Con số này gấp đôi mức tăng trưởng 4% lượng người theo dõi đối với tất cả những người có ảnh hưởng khác.

Các ứng dụng đầu tư mới ra mắt gần đây chủ yếu dựa vào những người có ảnh hưởng tài chính để truyền bá thông tin về dịch vụ. Adam Lees, người đứng đầu bộ phận tiếp thị của InvestEngine, một ứng dụng đầu tư của Anh, thừa nhận công ty này làm việc với khoảng 80 đối tác, bao gồm các YouTuber, blogger và trang web tài chính cá nhân.

Lees cho biết, khoảng 40% ngân sách hoạt động tiếp thị được chi trả cho những người có ảnh hưởng, trong đó có Jubair Ahmed, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về kỹ thuật y sinh tại Đại học University College London. Ahmed kiếm được hoa hồng nếu những người xem nội dung trên kênh YouTube của anh nhấp vào đường link dẫn đến ứng dụng đầu tư InvestEngine.

Nghiên cứu của FCA cho thấy, thế hệ mới của nhà đầu tư tự định hướng có xu hướng nghiên cứu các nội dung tư vấn tài chính trên YouTube và các nền mảng mạng xã hội khác cao gấp hai lần so với nhóm đầu tư tự định hướng của các thế hệ trước.

Theo Ahmed, cách để tránh “tai nạn” từ lời khuyên của những người ảnh hưởng tài chính không có đạo đức trên mạng xã hội là người dùng phải cảnh giác với những lời kêu gọi đầu tư khẩn trương từ những người này. Ngoài ra, người dùng cũng nên xem xét tính minh bạch trong cách họ kiếm tiền.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới