Thứ bảy, 10/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mỗi tuần một sân gôn được cấp phép

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỗi tuần một sân gôn được cấp phép

Trong thời gian 22 tháng, đã có 104 dự án sân gôn được cấp phép - Ảnh minh họa: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) - Chỉ chưa đầy 2 năm, sau khi được Chính phủ phân cấp cho các địa phương quản lý, quy hoạch sân gôn, thì cứ một tuần trên cả nước lại có hơn một sân gôn được cấp phép.

Trước đây, việc quy hoạch sân gôn là khá chặt chẽ. Theo thông tin của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Võ Hồng Phúc, sân gôn được xếp vào dự án nhóm A, căn cứ vào diện tích chiếm đất của loại hình đầu tư này là trên 5 hec ta (mức độ sử dụng đất phải trình lên Thủ tướng).

Theo một báo cáo khác của Bộ Kế hoạch-Đầu tư trả lời chất vấn qua văn bản gửi tới Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung tuần trước và lần đầu tiên được coi là thống kê đầy đủ từ bộ này thì hiện tại, cả nước đã có 141 sân gôn ở 39 tỉnh, sử dụng 49.268 héc ta đất, trong đó có 2.625 héc ta là đất lúa đã bị trưng dụng, chuyển đổi mục đích. Nếu như trong suốt 16 năm, Thủ tướng chỉ cấp phép cho 34 dự án sân gôn thì chưa đầy hai năm (từ tháng 7-2006 đến tháng 5-2008), các địa phương sau khi phân cấp đã cấp phép cho 104 dự án. 

Như vậy, tính cụ thể hơn, trong thời gian 22 tháng nói trên, cứ một tuần có hơn một dự án sân gôn được cấp phép, dù việc cấp phép không đồng nghĩa với việc chia đều dự án ở các địa phương.

Có địa phương, nhiều người tranh nhau đến đầu tư sân gôn như Hòa Bình, Long An. Theo lời của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: “Lãnh đạo tỉnh Long An nói với tôi, có nhiều nhà cò mồi đất, đầu cơ đất lập dự án, đi vận động ở địa phương để đưa ra những ý tưởng và coi như tỉnh cấp phép đến nơi rồi”. Như vậy, lãnh đạo tỉnh dư sức để đánh giá mức độ cần thiết trong số lượng sân gôn ở địa phương. Tuy nhiên, việc từ chối các dự án sân gôn, ít nhất là ở Long An, không đồng nghĩa với việc tỉnh từ chối cấp đất. Hầu hết các dự án nếu khi đã giải tỏa xong đất nông nghiệp, dù không còn sân gôn trong danh mục, cũng vẫn được cấp đúng cho các chủ đầu tư ấy với mục đích sử dụng khác (mà hầu hết là mục đích kinh doanh bất động sản).

Ông Phúc vẫn khẳng định rằng chủ trương của Chính phủ không lấy đất nông nghiệp, đặc biệt đất lúa để làm sân gôn. Nếu đất nông nghiệp, đất bạc màu thì có thể xem xét và hầu hết các sân gôn trước đây làm là trên đất bạc màu. Tuy nhiên, việc này ở thời kỳ sau khi phân cấp đã không được kiểm soát chặt chẽ và cũng không có quy định cụ thể hoặc kiểm tra nào để xem thực tế trong số 2.625 héc ta đất lúa đã bị trưng dụng, có bao nhiêu phần trăm là số đất bạc màu hoặc không bạc màu. “Sau đó, một số nơi khi làm sân gôn đã lấy vào đất lúa, buộc Chính phủ đã xem xét và yêu cầu đình chỉ”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.

Theo một quan điểm khác từ Chính phủ, do sân gôn không phải là loại hình kinh doanh đặc biệt nên Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục giao cho UBND các tỉnh phê duyệt và quyết định đầu tư với yêu cầu phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất. Ông Phúc cũng cho rằng, Chính phủ chỉ quản lý từ xa, thông qua quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương được làm rất chặt chẽ. Kế hoạch này cứ 5 năm một lần được Quốc hội biểu quyết thông qua và căn cứ vào đó, Chính phủ lập kế hoạch sử dụng đất cho từng tỉnh, từng địa phương.

“Hơn thế nữa” - ông Phúc nhấn mạnh - “ Kế hoạch sử dụng đất được các thành viên Chính phủ biểu quyết bằng phiếu kín” rồi giao lại cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, chịu trách nhiệm, trong đó có chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể cho khu công nghiệp, đất cho dịch vụ, đất thổ cư, đất giao thông hạ tầng hay kinh doanh dịch vụ (mà sân gôn nằm trong số này) .Trong số đó, việc lấy đất trồng lúa để làm các khu sân gôn, khu vui chơi giải trí bị hạn chế tối đa.

Nếu quản lý dù từ xa nhưng chặt chẽ như người đứng đầu Bộ kế hoạch-đầu tư nói, thì việc cấp phép sân gôn với mức độ một tuần hơn một dự án như hiện tại chắc khó có thể xảy ra. Và nếu Chính phủ xử lý nghiêm việc này thì các địa phương không thể lấy việc thu hút các dự án đầu tư là những mục tiêu được xem trọng.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới