Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Theo khảo sát mới nhất về các thương hiệu ví điện tử của Cimigo, mức chi tiêu trung bình hàng ngày thông qua ví điện tử trên dưới 500.000 đồng. Và Momo, Moca và ZaloPay là ba ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở hai thành phố chính của Việt Nam (Hà Nội và TPHCM), chiếm tới 90% thị phần người dùng ví điện tử.

Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử
Mức chi tiêu của người tiêu dùng qua ví điện tử ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Ngày 25-3, công ty nghiên cứu thị trường Cimigo công bố kết quả nghiên cứu về nhận định và hành vi của người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức chi tiêu của người tiêu dùng qua ví điện tử ngày càng gia tăng (trung bình 500.000 đồng/ngày) và chiếm tỷ lệ cao trong hoạt động mua sắm trực tuyến trong năm 2019.

Theo Cimigo, xét về giá trị giao dịch (số tiền phải trả cho mỗi lần giao dịch), người sử dụng MoMo có số chi tiêu bình quân trong ngày là 520.000 đồng, kế đó là người dùng Moca với giá trị giao dịch trung bình trong ngày là 506.000 đồng và người dùng ZaloPay là 441.600 đồng. Bên cạnh đó, người dùng Moca hiện đang có tần suất sử dụng ví thường xuyên nhất; trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, cao hơn người dùng MoMo với 2,0 giao dịch và người dùng ZaloPay với 1,6 giao dịch.

Chi tiêu qua ví điện tử chiếm 1/10 chi mua sắm trực tuyến

Sách trắng Thương mại điện tử năm 2019 của Bộ Công Thương ghi nhận, người tiêu dùng trong nước có mức chi tiêu trung bình 210 đô la Mỹ/năm (gần 5 triệu đồng/năm) cho hoạt động mua sắm trực tuyến trong năm 2019. Trong khi đó, theo nghiên cứu Cimigo vừa công bố thì người tiêu dùng chi tiêu hàng ngày lên tới 500.000 đồng qua ví điện tử, có nghĩa là chiếm 1/10 chi tiêu cả năm cho mua sắm trực tuyến.

Điều này cũng cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (qua thẻ ngân hàng, ví điện tử…) gần đây có chiều hướng gia tăng. Dịch bệnh Covid-19 cũng là một trong số các nguyên nhân khiến cho người dùng chuyển qua thanh toán qua thẻ tín dụng, ví điện tử… nhiều hơn do e ngại bị nhiễm bệnh từ tiền mặt.

Nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn định kỳ, trả tiền gọi xe công nghệ… là những giao dịch phổ biến nhất qua ví điện tử. Ảnh: Cimigo

Theo kết quả nghiên cứu, Momo, Moca và ZaloPay là ba ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở hai thành phố chính của Việt Nam (Hà Nội và TPHCM); ba thương hiệu này chiếm tới 90% thị phần người dùng ví điện tử. Đây cũng chính là ba ví điện tử được nhiều người dùng tải về và cài đặt trên điện thoại thông minh, thường sử dụng cho việc chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, mua vé máy bay…

Đồng thời, nghiên cứu của Cimigo cũng chỉ ra rằng, các ví điện tử phổ biến trên thị trường hiện được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn và đặt xe công nghệ. Trong đó, ví điện tử Momo và ZaloPay được dùng nhiều nhất cho việc nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ. Trong khi đó, ví điện tử Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.

Theo ghi nhận của TBKTSG Online, việc Moca được sử dụng nhiều cho nhu cầu gọi xe (Car/Bike), gọi thức ăn… cũng dễ hiểu bởi vì Moca đang là phương tiện thanh toán chính (GrabPay by Moca) bên cạnh việc trả tiền qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế khi người tiêu dùng gọi xe GrabCar, GrabBike hoặc đặt món ăn qua GrabFood.

Thị trường tiềm năng cho các ví điện tử

Bà Lê Xuân Phương, Phó giám đốc về nghiên cứu tại Cimigo đưa ra nhận định: Tần suất và giá trị giao dịch hàng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng ví điện tử tại Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới. Các ví điện tử tăng trưởng từ xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ truyền thống như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn định kỳ…, Cimigo cũng dự đoán xu hướng sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn và dần thay thế lựa chọn dùng tiền mặt trong thời gian tới cho các dịch vụ thiết yếu đang bùng nổ trong những năm gần đây như như đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn…

Mức chi tiêu bình quân trong ngày của ba ví điện tử Momo, ZaloPay và Moca vào khoảng 441.600-520.000 đồng. Ảnh: Cimigo

Xét tổng quan các loại giao dịch phổ biến nhất của ba ví Momo, ZaloPay và Moca thì chủ yếu có ba giao dịch là nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hoá đơn điện/nước/internet… Còn Moca, do ví điện tử này được tích hợp vào ứng dụng Grab làm phương tiện thanh toán nên có nhiều người thường dùng ví điện tử này để thanh toán cước gọi xe GrabCar, GrabBike, đặt thức ăn GrabFood.

Báo cáo này cũng ghi nhận việc người dùng chi tiêu trung bình 230.000–276.000 đồng/giao dịch thông qua ví điện tử; ZaloPay có số tiền 276.000 đồng/giao dịch, kế tiếp là Momo với 260.000 đồng/giao dịch và Moca đạt 230.000 đồng/giao dịch. Đây là chi tiêu trung bình được ghi nhận trên tổng giá trị 10 giao dịch qua ví điện tử vào cuối năm 2019 của người tham gia khảo sát của Cimigo.

Kết quả nghiên cứu của công ty Cimigo dựa trên cuộc khảo sát với 505 khách hàng tại TPHCM và Hà Nội, những người đã từng sử dụng ít nhất một ví điện tử trong quí 4-2019. Bên cạnh việc ghi nhận về nhận định và hành vi của người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam, khảo sát này còn đưa ra những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định ưu tiên lựa chọn ví điện tử nào của họ, nhằm góp phần giúp cho các ví điện tử ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.

 

Mời đọc thêm:

Thị trường Fintech Việt Nam: Chỉ có ví điện tử sôi động

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới