Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Mòn mỏi’ chờ dòng tiền khối ngoại dịch chuyển: những kỳ vọng mới

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau thông tin bầu cử Tổng thống Mỹ, dòng tiền đầu tư trên thế giới đã có sự chuyển dịch đáng kể với biến động lớn của các loại tài sản. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa có xoay chuyển, dù kỳ vọng dòng tiền khối ngoại trở lại ngày càng lớn hơn, không chỉ đến từ lo ngại thương chiến thế giới mà còn xuất phát từ sự thay đổi nội tại của thị trường.

Tiền khối ngoại chưa trở lại, các nhà đầu tư cá nhân cũng đang thận trọng khiến diễn biến VN-Index đi ngang trong thời gian qua. Ảnh minh họa: L.Vũ

‘Mòn mỏi’ thoái lui

Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất hay thông tin các nhà đầu tư ngoại mua cổ phiếu không cần ký quỹ vẫn chưa đủ sức để “kéo” thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên, trong bối cảnh chứng khoán Mỹ lại tiếp tục lập đỉnh mới khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tuần trước.

Chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục chứng kiến khối ngoại mạnh tay bán ròng hơn 3.640 tỉ đồng trong tuần trước. Tính chung trong tháng 10, vốn ngoại vẫn tiêp tục xu hướng thoái lui với quy mô lên đến hơn 81.829 tỉ đồng, một con số không nhỏ.

Diễn biến của quỹ đầu tư ngoại gần đây chưa có gì khởi sắc. Theo số liệu của Công ty chứng khoán SSI, các quỹ ETF (đầu tư theo chỉ số) tiếp tục rút ròng trong tháng 10, duy trì mạch rút ròng liên tiếp kể từ đầu năm.

Tổng giá trị rút ròng từ đầu năm lên lên đến 21.200 tỉ đồng, tương đương 28% tổng tài sản cuối năm 2023. Còn tính đến ngày 12-11, giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm gấp 12,7 lần so với con số năm 2023, theo Công ty dữ liệu FiinGroup.

Trong khi điểm tích cực là mức độ rút vốn trong tháng 10 ở mức thấp nhất trong năm, thì các quỹ đầu tư chủ động lại đẩy mạnh bán ròng trong tháng 10 sau khi chững lại vào tháng 9.

Sau thông tin bầu cử Tổng thống Mỹ, dòng tiền đầu tư trên thế giới đã có sự chuyển dịch đáng kể với biến động lớn của các loại tài sản. Theo đó, đô la Mỹ tăng giá mạnh, đi cùng thị trường tiền mã hóa với đồng bitcoin lập kỷ lục mới và vượt ngưỡng 80.000 đô la/đồng, trong khi vàng lại giảm giá mạnh. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tiếp tục lập kỷ lục mới và duy trì mạch tăng khá tốt.

Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, dòng tiền nội vẫn còn đang “thận trọng quan sát”, dù cũng có một vài phiên phục hồi khá hứng khởi. Trong tuần trước, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh, đặc biệt là ngân hàng, trong khi một số ngành được cho là hưởng lợi từ sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ lại tăng vọt, chẳng hạn như “họ” cổ phiếu tập đoàn Viettel, bất động sản khu công nghiệp hay nhóm thủy sản.

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng lý do bán ròng bởi khối ngoại vẫn chịu áp lực của tỷ giá, dù trong tuần Cục dự trữ liên bang Mỹ đã giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất như kỳ vọng của thị trường. Không chỉ khối ngoại mà trên thực tế, thanh khoản giao dịch gần đây suy giảm đáng kể, từ đó cùng gây áp lực không nhỏ cho điểm số thị trường.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam gặp khó khăn vì tỷ giá, thứ hai là xu hướng sự chuyển dịch dòng vốn khỏi khu vực châu Á và Đông Nam Á để trở lại thị trường tăng trưởng tốt như Mỹ hay tài sản khác như Bitcoin. “Xu hướng dòng vốn quốc tế có dấu hiệu giảm ở khu vực châu Á và Đông Nam Á trong hai tuần trước và sau khi ông Trump thắng cử”, ông nói.

Dòng vốn có xu hướng rút ròng từ quí 2-2023 đến nay. Nguồn: SSI.

Những kỳ vọng mới

Từ đầu tháng 11, quy định mới theo Thông tư 68 cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không cần ký quỹ trước (non-prefunding). Theo quan sát của giới phân tích, đã có một số lượng nhỏ giao dịch được thực hiện. Tuy nhiên, hiệu ứng của những quy định mới này dường như khá mờ nhạt trong bức tranh chung hiện nay, đặc biệt là chỉ mới có một số công ty chứng khoán thuộc tốp đầu thị trường triển khai.

Kỳ vọng về sự thay đổi quan điểm nhà đầu tư ngoại về thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là mấu chốt để thay đổi cuộc chơi của vốn ngoại, theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 được tổ chức cuối tuần trước.

Theo đó, nguyên nhân chính mà Việt Nam bị rút ròng mạnh trong 4 năm qua là vì vấn đề “định vị thị trường”. Với cái danh là “thị trường cận biên”, các quỹ sẽ sớm rời đi vì thị trường Mỹ sinh lời tốt hơn (do định giá thị trường cận biên thường thấp hơn 31-35%). Ngoài ra, còn một yếu tố khác là khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài “dán nhãn” thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giống như thị trường Trung Quốc, mà tại Trung Quốc thì dòng vốn ngoại cũng rút ròng mạnh trong giai đoạn 5 năm qua.

“Chúng ta nằm ở nhóm thị trường cận biên, cho nên dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng đi ra. Có lẽ trong vài năm tới, nhà đầu tư quốc tế sẽ thay đổi quan điểm và nhận ra thị trường Việt Nam không giống với Trung Quốc”, ông Tuấn nói.

Hiện nay cơ quan quản lý đang thúc đẩy nhiều giải pháp để sớm được nâng hạng, Thông tư 68 là một ví dụ dù còn nhiều việc phải làm trước mắt. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khả năng nâng hạng trong năm sau là khá rõ ràng.

Lý do là đưa Việt Nam vào là vì các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi có động lực đưa thêm thị trường khác như Việt Nam vào để cân bằng với sự đi xuống của thị trường Trung Quốc. “Tôi khá tự tin về việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ sớm xảy ra. Việc nâng hạng có thể thực hiện trong tháng 9, sớm hơn có thể vào tháng 3 năm sau”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI cũng kỳ vọng với sự hỗ trợ của Thông tư 68 kết hợp cùng những thông tin sửa đổi Luật chứng khoán, các quỹ chủ động có xu hướng phân bổ tỷ trọng rõ nét vào Việt Nam hơn trong năm 2025.

Tuy nhiên, thách thức với dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ vấn đề tỷ giá mà còn là câu chuyện của hàng rào thuế quan. Theo ông Sơn của VPBankS, giai đoạn 2018-2019 bắt đầu thương chiến Mỹ Trung thì thị trường Việt Nam cũng đã trải qua giai đoạn tương đối khó khăn.

Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng thị trường sẽ phải chờ đợi thêm thông tin sau khi ông Trump lên nhậm chức vào tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, một điểm khác biệt cần chú ý là giai đoạn hiện nay khác với trước là nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump thì Fed tăng lãi suất (giai đoạn 2018-2019), còn hiện nay thì xu hướng giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, kể cả các quốc gia chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn như Trung Quốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới