Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mong manh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mong manh

San lấp xây dựng nhà máy khai thác bô-xit và sản xuất alumina – Ảnh: Thanh Thương.

(TBKTSG Online) – Bạn đọc thân mến, tối mùng 3 tết, ngồi trực tại tòa soạn, trước những sự kiện tin tức ở khắp nơi, tôi muốn chuyển đến bạn đọc hai sự kiện dưới đây.  

Lời phản hồi từ phóng viên môi trường của chúng tôi gửi cho bạn đọc có bài viết cảnh báo chuyện phá hoại môi trường thông qua chuyện mua bán đào rừng (lời nhắn gửi của cành đào): “Đọc cảm nhận về chuyện mua bán đào rừng của chị, tôi lại ngẫm đến chuyện bô-xít!

Bô-xít và đào là hai thứ rất khác nhau nhưng có thể cùng dẫn đến một hậu quả giống nhau: rừng bị tàn phá. Tôi thấy nóng ruột. Có khi nào việc khai thác bô-xít sẽ làm đại ngàn của Tây nguyên chịu chung số phận với những rừng đào đã từng đi vào thơ ca của Điện Biên không?

Tây nguyên được liên tưởng đến đại ngàn, là nóc nhà của vùng Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung, là nơi ngăn lũ của đồng bằng. Thế nhưng trong những năm qua, mỗi năm Tây nguyên bị xóa sổ 120.000 héc ta rừng.

Tôi đã từng đến thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông, nơi những chiếc máy ủi, máy cào đã cày xới cả một vùng rộng lớn cho những dự án bô-xít, alumina. Cánh rừng hùng vĩ thuở xưa giờ chỉ còn là một bãi đất đỏ tung bụi mịt mù.  

Những dự án bô-xít kiểu ấy rất có thể không dừng lại ở Gia Nghĩa, nó sẽ lan cả vùng rừng núi Tây nguyên, và như vậy, cái oai linh hùng vĩ ngày xưa của núi rừng sẽ hoàn toàn chỉ còn trong ký ức.  

Những tiếng chuông báo động về việc môi trường bị tàn phá cần được gióng lên. Hiện nay, mỗi năm tập đoàn than khoáng sản bỏ ra không biết bao nhiêu tiền để cải tạo môi trường của Quảng Ninh, nhưng như ông Dương Văn Hòa, phó giám đốc của tập đoàn này nhận định thì làm bao nhiêu cũng như “muối bỏ bể”.  

Tôi nhớ đến lời một quan chức tỉnh Đắk Nông: “không khai thác bô-xít thì Đắk Nông sẽ làm gì để phát triển kinh tế”. Câu nói này làm tôi suy nghĩ mãi, chẳng lẽ không có tài nguyên, con người chẳng thể làm được gì khá hơn”.  

Kế đến là một thông tin xảy ra ở nơi cách rừng đào, quặng bô–xít Tây nguyên nữa vòng trái đất:  

Một người đàn ông ở Wilmington, ngoại ô Los Angeles (Mỹ), đã giết vợ cùng năm đứa con nhỏ và sau đó tự sát vào hôm thứ Ba vừa qua. Cảnh sát địa phương cho biết, theo lá thư tuyệt mệnh để lại thì nguyên nhân khiến người đàn ông mang tên Ervin Lupoe đi đến quyết định tàn bạo đó là do thất nghiệp.

Ông ta và vợ, cả hai đều vừa bị mất việc. Tại hiện trường thảm họa, cảnh sát tìm thấy xác của hai vợ chồng, cùng năm đứa con, trong đó đứa con lớn nhất là nữ, 8 tuổi; hai cặp song sinh (một cặp nữ 5 tuổi và một cặp nam 2 tuổi).  

Thị trưởng Los Angeles Antonio Villaraigosa kêu gọi những người mất việc hãy đến liên hệ tìm sự giúp đỡ ở các cơ quan chức năng, trong đó có cả sự giúp đỡ về mặt sức khỏe và tâm lý.  

Ông bình luận “rất tiếc sự việc kiểu như vầy đang trở thành thường xuyên trong thời gian qua. Không thể nào hiểu được hành động này”.   

Ông thị trưởng không biết nói gì hơn, và ở tòa soạn đêm nay tôi cũng không muốn nói nhiều ngoài hai tiếng “mong manh” – ta đang sống trong thế giới mong manh….  

THUẬN HOA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới