Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mong ngân hàng “chơi đẹp”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mong ngân hàng “chơi đẹp”

(TBKTSG) – Trên 42% doanh nghiệp kêu khó khi vay vốn ngân hàng là kết quả từ cuộc điều tra của Diễn đàn Phát triển Việt Nam và trường Đại học Kinh tế quốc dân, công bố cuối tháng 3 vừa qua. Ở thời điểm hiện tại, rất cần chia sẻ với các ngân hàng khi khủng hoảng kinh tế khiến cho hầu hết doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.

Qua việc chỉ có 15% doanh nghiệp lạc quan cho rằng có nhiều khả năng tiếp tục phát triển tốt, 31% hy vọng vượt qua khó khăn, còn lại thì sẽ tạm ngừng sản xuất một thời gian dài hoặc… cầm chắc phá sản (kết quả khảo sát 864 doanh nghiệp do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam thực hiện).

Tuy chia sẻ với khó khăn và những lo toan hợp lý của các ngân hàng, nhưng trong thời điểm mà các chính sách tiền tệ đã được nới lỏng và nhiều chính sách kích cầu của Nhà nước đang được triển khai để phục hồi nền kinh tế thì thái độ cẩn trọng này của ngân hàng cần phải được cân nhắc.

Cân nhắc là bởi: ngân hàng muốn sống khỏe thì nền kinh tế phải khỏe, nhất là khu vực các doanh nghiệp vốn là khách hàng lớn của ngân hàng. Cho nên, khi “sức khỏe” của hệ thống doanh nghiệp có vấn đề thì các ngân hàng nên chủ động trợ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua “bệnh tật”. Chính phủ đang xắn tay trợ lực cho doanh nghiệp thông qua việc “bơm” 17.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất. Nhưng muốn gói tiền “thiện chí” này được nền kinh tế (cụ thể là các doanh nghiệp) hấp thụ trọn vẹn thì hệ thống ngân hàng phải cho vay ra 600.000 tỉ đồng đối ứng.

Nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp chỉ mới được vay hơn 200.000 tỉ đồng, mà cơ bản đó là các hồ sơ được ngân hàng gọi là “sạch nước cản”. Với thời gian gói kích cầu còn hiệu lực không còn nhiều, với số hồ sơ vay vốn đang được các ngân hàng soi lên đặt xuống quá kỹ (?), liệu việc giải ngân có được coi là trọn vẹn như mong muốn? Dù lãi suất vay có giảm đến đâu thì vốn vẫn khó đến với doanh nghiệp.

Chẳng hạn như việc quy định chỉ cho vay đối với doanh nghiệp từ nhóm 2 trở lên đã vô hình trung loại một tỷ lệ rất lớn doanh nghiệp cần vay vốn ra khỏi cuộc chơi. Doanh nghiệp loại 2 này, nằm trong số “15% lạc quan có nhiều khả năng tiếp tục phát triển tốt” nhưng 15% doanh nghiệp này không thể làm mạnh được cả nền kinh tế.

Cho nên, nói như Tiến sĩ Đặng Ngọc Đức – trường Đại học Kinh tế quốc dân – thì “doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có cơ hội tồn tại nếu không có sự mở rộng tín dụng của các ngân hàng như một giải pháp tiếp sức”. Vì thế, các ngân hàng cần sớm xem xét lại các điều kiện cho vay sao cho vẫn đảm bảo an toàn nhưng thuận tiện cho doanh nghiệp, xây dựng các sản phẩm tiện ích cao, tăng cường thâm nhập vào doanh nghiệp để giám sát và hỗ trợ, thậm chí có thể tính chuyện cơ cấu hay mua lại các khoản nợ của khách hàng.

LƯƠNG DUY CƯỜNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới