Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một biểu hiện của bệnh quan liêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một biểu hiện của bệnh quan liêu

Đỗ Hào

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định có một số quy định “vừa gây phiền hà cho người dân, vừa chưa phù hợp với quy định của Luật BHYT”.

(TBKTSG) – Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có văn bản gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính đánh giá về tính hợp pháp của một số nội dung liên quan đến vấn đề chi trả, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với những trường hợp điều trị do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn việc thực hiện BHYT. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định có một số quy định “vừa gây phiền hà cho người dân, vừa chưa phù hợp với quy định của Luật BHYT”.

Sự việc này lại một lần nữa cho thấy cách hành xử của các cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản và áp dụng pháp luật rất quan liêu, thiếu trách nhiệm và chưa phù hợp với tinh thần chung của hệ thống pháp luật.

Một nguyên tắc rõ ràng của các chủ thể khi vận dụng pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi của mình là phải tự chứng minh mình bị vi phạm và chủ thể kia là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của mình.

Hệ thống pháp luật nói chung hiện nay được chia thành luật công và luật tư. Trong hệ thống luật tư như Luật Dân sự, Luật Kinh tế… các chủ thể phải tự chứng minh chủ thể kia vi phạm bằng các bằng chứng cụ thể để bảo vệ quyền lợi của mình. Đó là nguyên tắc, nghĩa vụ được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật nội dung và các văn bản pháp luật hình thức (luật tố tụng).

Với các ngành luật công như Luật Hành chính, Luật Hình sự… cũng vậy. Các chủ thể khác khi vi phạm, tức là xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, các chủ thể được Nhà nước giao đại diện sẽ phải chứng minh hành vi vi phạm của mọi tổ chức, cá nhân đối với lợi ích của Nhà nước do mình đại diện.

Thế nhưng, trong quy định của Thông tư 09, các cơ quan nhà nước, mà cụ thể ở đây là BHYT thay vì phải tự chứng minh rằng người bị TNGT đã vi phạm pháp luật về giao thông, thì cơ quan chức năng lại đẩy trách nhiệm đó sang phía người bị TNGT. Thay vì quy định phải thanh toán mọi chi phí theo quy định cho người điều trị khi không chứng minh được họ vi phạm pháp luật, thì lại quy định bệnh nhân phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc không vi phạm pháp luật giao thông mới được thanh toán.

Quy định này đã đưa bệnh nhân vào thế bế tắc bởi trên thực tế, khi TNGT xảy ra nhiều người chỉ quan tâm đến chuyện đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, thậm chí tự giải quyết với nhau, chứ mấy ai gọi CSGT hay cơ quan công an đến xác nhận.

Mặt khác, quy định trong Thông tư 09 cũng không phù hợp với tinh thần chung của Luật BHYT. Khoản 12 điều 23 Luật BHYT quy định rõ những trường hợp không được hưởng BHYT, trong đó có việc “tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra”. Quy định này cần phải được hiểu đúng, đó là cơ quan BHYT chỉ từ chối chi trả khi người bị TNGT có hành vi vi phạm pháp luật giao thông, nhưng trách nhiệm chứng minh là của cơ quan nhà nước, mà cụ thể là cơ quan BHYT.

Tóm lại, Thông tư 09 đã “đẻ” thêm một loại thủ tục hành chính, đi ngược lại chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới