Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Một chút về Phật giáo ở Bagan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một chút về Phật giáo ở Bagan

Huỳnh Hoa

(TBKTSG Online) – Sức hấp dẫn của Bagan có lẽ nằm ở hai điểm: di tích lịch sử – văn hóa Phật giáo đồ sộ và lối sống xưa cũ còn sót lại.

Kỳ 1: Bagan – đất Phật.

Kỳ 2: Bagan – Muôn vẻ đền đài.

Kỳ 3: Myanmar: Bồ Đề đạo tràng và chùa vàng Shwezigon.

Đọc thêm: Cần biết trước khi đến Bagan – Myanmar.

Du khách rất dễ bị choáng ngợp trước số lượng, quy mô, tính đa dạng của các đền tháp Phật giáo Bagan. Phần lớn đền tháp ở Bagan đều được xây bằng gạch, các viên gạch chồng khít lên nhau gần như không có mạch hồ (vữa), giống hệt kỹ thuật xây dựng đền tháp Chăm ở Việt Nam. Và cũng giống tháp Chăm, hầu hết các đền tháp Bagan đều để nguyên tường gạch, không tô trát; chỉ vài ngôi đền chính được tô trát và quét vôi trắng, nhưng được biết đó là do các cuộc trùng tu gần đây. Nhờ khí hậu khu vực này khô và nóng quanh năm nên các đền tháp Bagan không bị thời tiết hủy hoại nhanh như các tháp Chăm ở Việt Nam; trên các bờ tường hầu như không thấy rong rêu hay cây cối như các đền tháp ở Mỹ Sơn, Quảng Nam.

Đền vàng Shwezigon. Ảnh: Nguyễn Minh.

Do Myanmar là nước có nhiều vàng (Golden state) nhiều đền đài ở Bagan được dát vàng lên phần đỉnh tháp, lên hàng trăm pho tượng Phật lớn nhỏ. Gần như tất cả các tượng Phật thờ trong đền Ananda, đền Thatbyinnyu đều dát vàng; ở các đền khác, những tượng Phật ở gian thờ chính là tượng vàng, còn ở những hốc tường là tượng gỗ hay tượng đất sét.

Tuy nhiên, đặc trưng kiến trúc đền tháp Phật giáo ở Bagan là chuộng hình thể, quy mô mà thiếu sự tinh tế của điêu khắc. Nếu như các đền tháp Chăm ở Việt Nam có rất nhiều tác phẩm điêu khắc, phù điêu, tượng đá sa thạch trên khắp các bức tường, bệ thờ thì đền tháp ở Bagan – trừ Bồ Đề đạo tràng Mahabodhi – hầu như không có tác phẩm điêu khắc nào đáng kể ngoài các tượng Phật hao hao giống nhau, chỉ khác nhau về kích thước và tư thế.

Tượng những linh vật ở Bagan thiếu những nét điêu khắc tinh tế thường thấy ở Việt Nam. Ảnh: Huỳnh Hoa

Thỉnh thoảng, du khách bắt gặp một số tượng thú vật ở các cổng vào đền, nhưng về chủng loại khá khiêm tốn, dường như chỉ có tượng voi và khỉ, họa hoằn lắm mới thấy tượng rắn thần Naga vốn rất phổ biến ở Thái Lan và Campuchia. Những tượng thú này cũng khá thô kệch, thiếu những chi tiết điêu khắc sắc sảo thường thấy ở các nước khác.

Về mặt kiến trúc, đền tháp ở Bagan chia thành hai loại “đặc” và “rỗng”. Stupa là loại đền thờ “đặc” theo kiểu kim tự tháp Ai Cập nhưng hình dáng giống quả chuông úp; bên ngoài có cầu thang dẫn lên các ban công hẹp trên cao; tiêu biểu cho loại này có đền Shwesandaw, đền vàng Shwezigon… Hai là, loại đền thờ “rỗng” bên ngoài không có cầu thang nhưng bên trong có nhiều hành lang ngang dọc; mỗi hành lang có nhiều hốc bài trí bàn thờ và tượng Phật; tiêu biểu cho loại này có đền Ananda, đền Sulamani, đền Thatbyinnyu, đền Dhammayangyi … Dù “đặc” hay “rỗng” các đền tháp chính ở Bagan đều rất đồ sộ, hoành tráng, biểu thị sức mạnh và quyền uy của vị vua đã xây dựng nên nó.

Tượng Phật ở Bagan cũng khá đơn điệu. Ảnh: Huỳnh Hoa

Du khách là Phật tử từ Việt Nam sang hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy tượng Phật thờ trong các đền tháp ở Bagan khá đơn điệu vì chỉ có một vị Phật: Đức Thích ca Mâu ni, không hề thấy bóng dáng các vị Phật A di đà, Phật Di lặc hay các vị Bồ tát, La hán quen thuộc trong chùa chiền Việt Nam… Căn nguyên của tình trạng này có thể bắt nguồn từ gốc rễ của Phật giáo: Phật giáo Myanmar thuộc hệ phái Theravada, khác hoàn toàn với Phật giáo Bắc tông đã bị “Hán hóa” phổ biến ở Việt Nam. Theravada có khi được dịch là Phật giáo Tiểu thừa, dù không thật chính xác, nhưng đây là hệ phái “nguyên thủy” nhất của Phật giáo, chỉ tôn thờ Phật Thích ca, tôn thờ trí tuệ đại giác, cầu trí tuệ để ra khỏi vô minh, mà không mưu cầu danh lợi hay giải thoát thông qua phép thuật của các vị Bồ tát.

Phật giáo Theravada ở Myanmar, có nguồn gốc từ Tây Tạng, cũng khác với Phật giáo ở Thái Lan và Campuchia, không thấy có ảnh hưởng của Ấn Độ giáo (Hinduism). Không tìm thấy ở Bagan tượng thờ hoặc đền tháp thờ các vị thần linh Ấn Độ giáo như Brahman, Vishnu hay Shiva, cũng không thấy những bức phù điêu hay bích họa kể truyền thuyết Mahabharata vẫn thường gặp ở Angkor bên Campuchia hay Ayuthaya bên Thái Lan.

Những điểm khác biệt này của Phật giáo Myanmar cũng như ảnh hưởng của nó đối với đời sống tinh thần – văn hóa của người Myanmar là những đề tài lớn, cần có thời gian và công phu nghiên cứu, trên đây chỉ là cảm nhận ban đầu của một lữ khách ghé đến Bagan trong hai ngày ngắn ngủi, có thể chưa chính xác.

Kỳ cuối: Bagan – Nơi thời gian ngừng lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới