Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Một cuộc đời làm phim hi-tech

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một cuộc đời làm phim hi-tech

Vân Cầm

đạo diễn James Cameron.

(TBVTSG) - Thế là cuối cùng bộ phim Avatar của đạo diễn Cameron đã thất bại trong mùa giải Oscar năm nay khi chỉ nhận được ba giải phụ. Tuy nhiên, chính một trong các giải này – phim có hiệu ứng hình ảnh tốt nhất – đã nối dài sự nghiệp của ông – một sự nghiệp làm phim gắn với những hiệu ứng đặc biệt, có kỹ thuật sử dụng công nghệ tin học, đã làm thay đổi ngành sản xuất phim một cách sâu sắc.

Năm 1977, James Cameron, lúc đó chỉ là một tài xế giao hàng 22 tuổi, đi xem phim Star Wars với một người bạn. Bước ra khỏi rạp, người Cameron bừng bừng phấn kích. Anh vừa bỏ học đại học, hằng ngày kiếm sống bằng cách lái xe giao cơm trưa cho các trường ở Orange County, miền Nam California. Lúc rảnh rỗi, anh làm mô hình và viết tiểu thuyết giả tưởng về những thiên hà xa xăm. Nay bất ngờ có một đạo diễn đã hiện thực hóa những điều anh từng mơ mộng. Star Wars chính là loại phim anh phải sản xuất.

Chàng tài xế với giấc mơ về vũ trụ

Niềm phấn kích buộc Cameron phải mua ngay những thiết bị quay phim rẻ tiền để thí nghiệm xem đạo diễn Lucas đã thực hiện phim Star Wars như thế nào. Anh dùng ngay phòng khách nhà mình làm sàn quay phim, sân nhà làm ngoại cảnh. Cameron còn lục tung thư viện, đọc mọi thứ liên quan đến hiệu quả đặc biệt. Nói tóm lại anh sống như bị ma ám.

Chẳng mấy chốc Cameron ý thức được rằng cần phải có tiền mới thực hiện được ước mơ; anh thuyết phục một nhóm các bác sĩ nha khoa trong vùng đầu tư 20.000 đô-la Mỹ làm một đoạn phim ngắn theo kiểu Star Wars.

Tiền chỉ vừa đủ để làm một đoạn phim dài 12 phút, mô tả cảnh đánh nhau giữa một robot và một phụ nữ, dựa vào những mô hình tự tay Cameron xây dựng.

Cameron sử dụng kỹ thuật dựng từng khung hình với mục tiêu đem đoạn phim chào hàng đến các hãng phim lớn để kiếm tài trợ cho một phim hoàn chỉnh. Nhưng sau nhiều tháng mỏi gối gõ cửa khắp Hollywood không thành công, Cameron đành xếp lại tham vọng vượt qua Lucas.

Nhưng rồi nỗ lực ấy cũng được bù đắp – Cameron được Roger Corman, nhà sản xuất phim loại B nổi tiếng, thuê làm mô hình thu nhỏ các con tàu vũ trụ cho bộ phim Battle Beyond the Stars. Anh nhanh chóng trở thành một trong những chuyên gia về hiệu quả đặc biệt cho Corman và đến năm 1981 trở thành đạo diễn cho một bộ phim kinh dị rẻ tiền Piranha II: The Spawning.

Một tối sau buổi biên tập, dựng phim Piranha, Cameron ngủ thiếp đi và mơ thấy một con robot đang lừ lừ tiến về một phụ nữ đang co rúm người sợ hãi. Hình ảnh này ám ảnh Cameron và trong vòng một năm anh sử dụng nó làm nền tảng cho kịch bản bộ phim sau này nổi tiếng khắp thế giới – The Terminator.

Lần này anh không cần cầu viện nơi các nha sĩ nữa. Kịch bản hấp dẫn nên anh dễ dàng thuyết phục một hãng phim nhỏ để cho anh làm đạo diễn phim này. Khi ra mắt vào năm 1984, The Terminator đã biến Arnold Schwarzenegger thành diễn viên cơ bắp nổi tiếng và Cameron, từ một người tài xế giao hàng đã trở thành đạo diễn hàng đầu với dấu ấn về những hiệu quả đặc biệt khó quên.

Sau thành công của The Terminator, năm 1986, Cameron được giao làm phần hai bộ phim Alien. Lúc đó, kỹ thuật tạo hiệu ứng đặc biệt vẫn còn rất sơ khai, phải dùng mô hình thu nhỏ, sử dụng hiệu ứng ánh sáng thông minh và kỹ thuật quay phim dựa vào kinh nghiệm. Các quái vật ngoài không gian thật ra là các diễn viên đóng thế mặc các bộ đồ khổng lồ. Những mô hình lớn hơn phải dùng cần cẩu và ròng rọc để điều khiển.

Hay đến phim Abyss, vì chưa thể dùng máy tính để tạo ra môi trường dưới nước ảo, Cameron đành áp dụng biện pháp: quay phim ngay dưới nước. Cả đạo diễn, diễn viên, người quay phim… đều phải xuống nước, còn máy tính chỉ mới được dùng để tạo ra những cảnh đơn giản như quái thú dạng nước.

Đến The Terminator 2 vào năm 1991, công nghệ đã chín muồi đủ để cho Cameron dàn dựng hình ảnh robot có dạng kim loại lỏng, biến hình dễ dàng. Sau phim này, Cameron và Schwarzenegger còn hợp tác với nhau trong bộ phim True Lies năm 1994 trước khi một người tiếp tục nghề đạo diễn còn người kia đi làm Thống đốc bang California.

Từ con tàu Titanic đến hành tinh Pandora

Những bộ phim thành công về mặt doanh thu này đã giúp Cameron có đủ sức thuyết phục bất kỳ hãng phim nào đầu tư vào những dự án tốn kém, anh lại quay về với ước mơ làm phim khoa học viễn tưởng ngày xưa.

Năm 1995, anh bắt tay viết ý tưởng cho bộ phim đặt bối cảnh ở một hành tinh xa xôi, mang tên Pandora, cư dân cao đến 3 mét, da xanh, mũi tẹt. Nhưng anh đành xếp dự án Avatar này lại vì kỹ thuật thời đó chưa đủ để biến ý tưởng của anh lên màn hình.

Titanic ra đời năm 1997 lúc kỹ thuật máy tính vẫn chưa đủ mạnh để tạo cảm giác thật – thế là Cameron quay về phương pháp cũ: để dàn dựng cảnh chìm tàu cho thật, anh cho đánh đắm một con tàu thật. Cameron sử dụng phim trường là một bể nhân tạo chứa đến gần 20 triệu mét khối nước để tạo cảnh tàu nghiêng; chỉ có cảnh người rơi là do máy tính tạo ra để tránh nguy hiểm. Titanic trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời, giành được 11 giải Oscar, kể cả giải cho phim hay nhất và đạo diễn giỏi nhất.

Cameron nay có thể làm bất kỳ phim gì anh thích. Thế nhưng anh chọn cách ẩn dật suốt 12 năm sau đó, chỉ làm một vài phim tài liệu, hiếm khi nào nhắc lại dự án Avatar ngày xưa. Cũng trong thời gian này Cameron nghiên cứu kỹ về kỹ thuật làm phim 3D vẫn còn rất sơ khai.

Mười hai năm sau, Cameron, lúc này đã 55 tuổi, lại gây xôn xao làng phim với kiệt tác Avatar, được đánh giá là sẽ làm thay đổi công nghệ làm phim thêm một bước nữa. Tuy nhiên, để đánh giá đúng những công nghệ mới trong phim này, có lẽ cần quay lại Titanic một chút.

Thoạt tiên, Titanic có ngân sách 100 triệu đô-la Mỹ, đã là một con số khổng lồ vào lúc đó nhưng Cameron chi cho phim đến 200 triệu đô-la Mỹ, làm hãng 20th Century Fox phải can thiệp không cho Cameron vượt thêm đồng nào nữa. Để chứng minh lòng quyết tâm của mình, Cameron đã đồng ý không nhận thù lao đạo diễn cũng như tiền lãi từ phim, rồi để một con dao cạo trên bàn dựng phim với lời ghi “Chỉ dùng nếu phim thất bại”.

Báo chí lúc đó đều tiên đoán bộ phim sẽ thất bại thảm hại về mặt tài chính vì cho rằng chả ai đi coi một bộ phim mà ai ai cũng đã biết kết cục. Thế rồi phép lạ xảy ra, Titanic không chìm, trái lại còn thu về 1,8 tỷ đô-la trên toàn cầu. Hãng phim quyết định “quên” lời cam kết của Cameron và trả cho ông, nghe đâu tổng cộng 75 triệu đô-la Mỹ thù lao làm phim Titanic.

Với Avatar, mọi chuyện dường như lặp lại. Khi Cameron trình bày ý tưởng về những nhân vật cao 3 mét, có thân hình hoàn hảo, gương mặt phải biểu lộ xúc cảm như người thật, không ai tin ông sẽ làm được bởi những hình ảnh như thế dựng trên máy tính sẽ cần quá nhiều thời gian, mức đầu tư khổng lồ và lượng máy tính chưa thể hình dung nổi.

Cuộc cách mạng 3D

Trong những năm ở ẩn, Cameron thuê một con tàu và mời một nhóm bạn lặn biển để quay phim những chiến hạm Nhật Bản bị đánh đắm vào thời Đệ nhị thế chiến. Trong số này có Vincent Pace, một chuyên gia quay phim dưới nước. Cameron hỏi Pace có thể nào làm một máy quay phim vừa quay được phim 2D vừa làm ra phim 3D.

Hai tháng sau, Cameron cùng Pace qua Tokyo, thuyết phục bộ phận sản xuất máy quay phim của Sony thực hiện ý tưởng của họ: tách bộ phận vi xử lý của dàn máy quay phim 3D chất lượng cao cồng kềnh, nặng đến 200 ký ra khỏi ống kính và bộ phận cảm biến. Như thế máy quay chỉ còn khoảng 20 ký và người quay phim sẽ dễ dàng xoay trở với một máy quay cao cấp dù vẫn còn phải kết nối bằng những sợi dây cáp lòng thòng.

Sony đồng ý thử nghiệm và với chiếc máy mẫu đầu tiên, Pace cùng Cameron đã quay một cảnh không chiến, sử dụng những chiếc máy bay thời Đệ nhị thế chiến. Thử nghiệm thành công, các đoạn phim 3D hoàn hảo, không gây nhức mắt và đủ hấp dẫn để kéo khán giả vào rạp, chịu đeo kính xem một bộ phim dài chứ không phải những đoạn phim 3D ngắn nữa.

Thế nhưng Cameron chưa thỏa mãn. Ông chưa bắt tay vào làm Avatar ngay. Trở ngại lớn nhất là các chủ rạp chắc gì đã chịu bỏ ra 100.000 đô-la Mỹ để trang bị máy chiếu phim 3D cho mỗi rạp. Thế là Cameron đưa máy quay mới cho các đạo diễn khác dùng thử. Đầu tiên là Robert Rodriguez với bộ phim Spy Kids 3-D. Tung ra thị trường vào mùa hè năm 2003, Spy Kids 3-D thu về 200 triệu đô-la Mỹ nhưng giới chủ rạp vẫn còn lưỡng lự chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi máy chiếu.

Cameron quyết định nói chuyện trực tiếp với giới chủ rạp. Tại hội nghị thường niên của giới này vào tháng 3-2005, Cameron trổ tài hùng biện, vừa vẽ ra viễn cảnh “một thời đại mới trong kỹ nghệ phim ảnh, vừa dọa rạp nào không chịu đầu tư, sau này bị bỏ rơi ráng chịu. Tính đến cuối năm đó, chỉ có 79 rạp khắp nước Mỹ có thể chiếu phim 3D kỹ thuật số nhưng đến năm 2009, số rạp như thế đã lên đến con số 3.000.

Việc thiếu rạp chiếu phim 3D chưa phải là trở ngại duy nhất. Các công ty tạo hiệu ứng đặc biệt vẫn chưa làm chủ được công nghệ tạo hình như thật cho những diễn viên kỹ thuật số. Đến lúc bộ phim Lord of the Rings ra đời với những nhân vật kỹ thuật số hoàn hảo, Cameron biết đã có thể bắt tay vào dự án để đời của ông.

Mùa xuân năm 2005, ông gặp những người lãnh đạo hãng Fox, mời đầu tư để ông làm một đoạn phim ngắn minh họa cho khả năng ứng dụng công nghệ mới trong dự án phim Avatar. Những người này lại quan tâm đến những chi tiết không liên quan gì đến kỹ thuật như vì sao những người hành tinh Pandora phải có đuôi. Cuối cùng uy tín của Cameron đã thuyết phục được Fox bỏ tiền làm một đoạn phim chỉ dài 30 giây, mô tả cảnh người hành tinh Pandora và một Avatar chạy xuyên qua cánh rừng, trò chuyện với nhau. Đoạn phim ngắn thành công – Fox đồng ý bỏ ra 195 triệu đô-la cho dự án Avatar và Cameron trở về ngồi ghế đạo diễn.

Một trong những kỹ thuật sử dụng trong Avatar là tương tác thực ảo (augmented reality), giúp đạo diễn và diễn viên thấy ngay các diễn viên ảo do máy tính tạo ra bên cạnh diễn viên thật. Nhờ kỹ thuật này, diễn viên có thể tương tác với nhân vật ảo dễ dàng và “thật” hơn. Một kỹ thuật khác là chụp bắt hành động (performance capture) trong đó diễn viên thật mặc bộ đồ đặc biệt có những gương phản quang. Khoảng 140 máy quay phim đặt khắp nơi sẽ thu hình những điểm phản quang này, hình ảnh 3D của diễn viên được chuyển thành hình nhân vật ảo nên nhân vật ảo do máy tính dựng sẽ giống như diễn viên đang diễn thật sự. Kỹ thuật này đặc biệt hữu dụng khi quay cận cảnh cảm xúc trên gương mặt của diễn viên làm cho người xem cứ tưởng các nhân vật cao 3 mét kia là người thật.

Với kinh phí trên 200 triệu đô-la Mỹ, Avatar đã phá kỷ lục của Titanic, thu về hơn 2 tỷ đô-la Mỹ cho đến hôm nay. Một cột mốc nữa cho một nhà đạo diễn tài ba, biết tận dụng công nghệ để tạo ra những kiệt tác để đời.e

(Theo Wired)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới